Còn tâm lý thờ ơ trong chống tham nhũng
Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2016 được Chính phủ chỉnh sửa, hoàn thiện, gửi tới Quốc hội ngay trước ngày khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV. Ngày 21/10, UB Tư pháp của Quốc hội cũng hoàn thành việc thẩm tra “vòng 2”.
Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đạt được, UB Tư pháp cũng cho rằng, thực tiễn, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”.
Nhiều tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được UB Tư pháp nêu từ những năm trước vẫn chưa có chuyển biến tích cực, từ việc thể chế, chính sách trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở; việc nâng cao trách nhiệm và kỷ luật công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu chậm chuyển biến; số vụ tham nhũng được phát hiện và xử lý qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít và tiếp tục giảm, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng…
Cụ thể, theo cơ quan thẩm tra, vẫn còn nhiều văn bản pháp luật thiếu minh bạch, sơ hở, chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa loại bỏ được cơ chế “xin - cho” là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng, nhất là các lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức cán bộ…
Ủng hộ quyết tâm hoàn thiện thể chế để loại bỏ các quy định thiếu minh bạch, gỡ bỏ rào cản, giải phóng nguồn lực của đất nước, hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính, UB Tư pháp đề nghị Quốc hội coi việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để tạo hành lang lang pháp lý công khai, minh bạch nhằm PCTN là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Bộ trưởng, trưởng ngành khi Quốc hội xem xét lấy phiếu tín nhiệm.
Ngoài ra, UB Tư pháp cũng chỉ rõ, vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong PCTN chưa được phát huy.
Đáng lưu ý là người dân, doanh nghiệp ngày càng có tư tưởng chịu đựng tham nhũng dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền , có ý kiến đánh giá tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã trở thành khá phổ biến.
Bên cạnh đó, cũng phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức...
Thực trạng này, theo cơ quan thẩm tra, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ hiệu quả công tác đấu tranh PCTN chưa cao dẫn đến tâm lý người dân thiếu tin tưởng vào công tác PCTN, tính nghiêm minh trong xử lý hành vi tham nhũng.
Cơ quan thẩm tra khuyến cáo, Chính phủ cần nhìn nhận, đánh giá thực chất tình trạng này để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Chế tài với người kê khai không trung thực chưa mạnh
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là Luật PCTN chưa quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp không công khai, minh bạch trong hoạt động, báo cáo thẩm tra chỉ rõ.
Về biện pháp kê khai tài sản, thu nhập, theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (xấp xỉ 1 triệu bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm.
Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.
UB Tư pháp cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hẹp; chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm.
Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực.
Về biện pháp luân chuyển cán bộ, theo cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội, dư luận cử tri và báo chí phản ánh trong công tác điều động, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có một số trường hợp lạm dụng quy định để điều động, bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, chưa thật sự tiêu biểu, thiếu kinh nghiệm thực tế là người thân, trong gia đình; có trường hợp bổ nhiệm ồ ạt vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ... đã gây nghi ngờ, bức xúc, bất bình trong dư luận, làm giảm sút lòng tin của nhân dân.
Cơ quan thẩm tra nêu băn khoăn, khoản 3 Điều 37 Luật PCTN hiện hành mới chỉ quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch mua bán vật tư, hàng hóa, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó” nhưng lại chưa quy định về việc cấm người đứng đầu bổ nhiệm người thân thích vào vị trí lãnh đạo trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Việc đó dẫn đến chuyện thời gian qua, cử tri bức xúc phản ánh tại một số địa phương có hiện tượng “cả họ làm quan” nhưng vẫn đúng quy trình.
UB Tư pháp nêu ý kiến nhiều cử tri đề nghị Nhà nước tổ chức nghiên cứu, tham khảo, tiếp thu những điểm tiến bộ của Luật về hồi tỵ đã từng được một số triều đại trong lịch sử Việt Nam áp dụng có hiệu quả.
Theo đó, luật này được đặt ra để ngăn chặn tình trạng những người trong một đại gia đình cùng làm quan trong một địa phương dẫn đến dễ câu kết nhau để tham ô, nhũng nhiễu.