Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/8, phóng viên đã đặt câu hỏi về vụ sửa điểm ở Hội đồng thi Sở GD&ĐT Sơn La có trách nhiệm của công an địa phương với nhiệm vụ bảo vệ kỳ thi, đến nay cơ quan điều tra đã làm rõ vai trò, động cơ của những người này chưa và việc xử lý được tiến hành như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, ngay khi phát hiện những sai phạm, Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ, xử lý kịp thời.
Đối với vụ điểm thi ở Sơn La, theo Thứ trưởng Nam, vào ngày 26/7, sau khi có dấu hiệu của vụ án hình sự, cơ quan công an đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự.
Sau đó, thấy có dấu hiệu liên quan đến một số người vi phạm pháp luật nên chiều qua (31/7), Cơ quan An ninh điều tra Công an Sơn La đã khởi tố 5 bị can.
"Cho đến thời điểm này, cơ quan điều tra chúng tôi đang quyết liệt cùng với các cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các bị can này.
Việc điều tra làm rõ những hành vi đó cần có thời gian và chưa thể nói rõ nhưng sẽ cùng với Bộ GD&ĐT làm nghiêm túc, khẩn trương, đúng pháp luật, những ai vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó", Thượng tướng Nam nêu rõ.
Trước đó, phóng viên hỏi về vụ việc ở Sơn La rất khó khăn trong việc trả lại điểm thi gốc cho thí sinh, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an có phối hợp như thế nào để xử lý như thế nào nếu không khôi phục được điểm thi gốc?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện nay, các cơ quan chức năng đang làm rất quyết liệt, đưa những thiết bị hiện đại nhất để có thể khôi phục lại điểm gốc của thí sinh ở Sơn La.
"Chúng tôi tin tưởng sẽ khôi phục được dữ liệu gốc điểm thi của các thí sinh. Căn cứ vào kết quả điều tra của Bộ Công an thì chúng tôi sẽ có giải pháp phù hợp đảm bảo công bằng cho các thí sinh", ông Độ nhấn mạnh.
Phóng viên nêu băn khoăn, Bộ vừa qua yêu cầu 63 tỉnh, thành tự rà soát kết quả thi nhưng nhiều tỉnh báo cáo không có gì bất thường; nếu tới đây còn địa phương có dấu hiệu bất thường thì xử lý thế nào? Ông Độ nói kết quả chấm thẩm định các địa phương được coi là kết quả cuối cùng.
"Nếu phát hiện sai phạm tiếp, Bộ sẽ yêu cầu địa phương chủ động làm việc với công an địa phương đó để xử lý đúng người, đúng tội và đảm bảo khách quan, công bằng cho thí sinh. Quan điểm là không có vùng cấm", ông nêu rõ.
Về vấn đề các cán bộ vi phạm ở cấp Sở, theo thứ trưởng Độ, theo phân cấp quản lý, UBND tỉnh, thành phố sẽ xử lý, kỷ luật.
Về biện pháp tránh xảy ra sai phạm ở kỳ thi năm sau, ông Độ nói: "Năm tới, chúng tôi sẽ rà soát quy trình, khâu coi thi, chấm thi, nâng cao nghiệp vụ, năng lực, đạo đức, phẩm chất của các bộ chấm thi, coi thi. Quy trình đúng nhưng con người mà cố tình làm sai thì khó khăn".
Theo ông, Bộ đang hoàn thiện phần mềm để đối tượng có ý đồ làm xấu cũng khó làm được. Hướng tới, chấm trắc nghiệm thì có thể chấm theo cụm thi, tỉnh này chấm bài thi của tỉnh khác.