hứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 12/3.
Chia sẻ về vấn đề thời gian gần đây, xăng, dầu liên tục tăng giá, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, thời gian vừa qua, giá dầu thô trên thế giới tăng liên tục, đây cũng là tín hiệu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế.
Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng giá xăng dầu thành phẩm trong khi Việt Nam vừa phải sử dụng dầu thô trong nước, vừa phải nhập khẩu dầu thô để chế biến, chính vì vậy, việc tăng giá xăng dầu là chuyện bình thường theo cơ chế thị trường.
“Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 12/3, tất cả mặt hàng xăng dầu đều tăng, tăng liên tục 8 lần liên tiếp từ đầu năm 2021, liên bộ Công Thương - Tài chính đã phải chi Quỹ bình ổn để bù giá xăng dầu. Ví dụ, trong những lần gầy đây, xăng E5 được bù 2.000 đồng/lít, các loại xăng dầu khác cũng bù 400-500 đồng/lít. Việc điều hành xăng dầu trong thời điểm này rất nhạy cảm”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thực tế, từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng dầu, gas bán lẻ tiếp tục tăng. Trong đó, giá xăng dầu hiện ở mức cao nhất trong gần 1 năm qua, giá gas đã tăng liên tục trong 9 tháng gần đây.
Trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu ngày 12/3 của Liên bộ Công Thương - Tài chính, xăng và các mặt hàng dầu trong nước đồng loạt tăng giá. Cụ thể, xăng E5 RON92 có giá 17.722 đồng/lít (tăng 691 đồng); xăng RON95-III là 18.881 đồng/lít (tăng 797 đồng).
Cũng trong kỳ điều hành này, giá dầu cũng tăng, dầu diesel 0.05S có giá trần là 14.401 đồng/lít (tăng 558 đồng), dầu hỏa có giá 13.173 đồng/lít (tăng 563 đồng/lít) và dầu mazút 180CST 3.5S cao nhất là 13.769 đồng/kg (tăng 642 đồng/kg).
Theo các chuyên gia năng lượng, việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian vừa qua sẽ ít nhiều tác động tới chi phí vận tải, sản xuất, hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.