Giới đầu tư đất lại đổ xô kéo về Phan Thiết, xe hơi đỗ kín đường vào khu vực xây sân bay

Hạ Vy |

Mấy ngày nay tại xã Thiện Nghiệp, Tp.Phan Thiết cơn sốt đất lại tiếp tục bùng lên khi thông tin khởi công dự án sân bay Phan Thiết lan rộng. Hoạt động mua bán đất đai diễn ra nườm nượp tại đây, chính quyền phải lên kế hoạch ngăn ngừa sốt ảo và cảnh báo lừa đảo.

Mới đây, tại cuộc làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận, thượng tướng Trần Đơn thông báo Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho sử dụng nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết, dự án sẽ khởi công xây dựng trong tháng 3. Ngay lập tức, thông tin này đã "khuấy động" thị trường BĐS quanh khu vực này.

Mấy ngày nay, giới đầu tư đang đổ về Phan Thiết, đặc biệt là khu vực xã Thiện Nghiệp, hoạt động giao dịch nhà đất lại một lần nữa tấp nập trở lại.

Theo Vnexpress, tại các quán cà phê xe hơi đậu dày đặc, môi giới cùng nhà đầu tư (NĐT) liên tục đổ về mua bán. Theo người dân, từ ngày 8/3 đến nay, ngày nào ôtô từ các nơi cũng ùn ùn đổ về đây, tập trung ở các trục đường chính, gây mất trật tự giao thông.

Dường như cơn sốt đất đang diễn ra tại thị trường Phan Thiết, cách mua bán BĐS cũng ồ ạt như đã từng diễn ra tại Hớn Quản, Bình Phước cách đây không lâu. Những lô đất được mua bán, sang tay nhanh chóng, các đoàn xe của NĐT nối đuôi nhau, theo đó là là các môi giới, cò đất liên tục chào mới, chốt giá…

Báo Thanh Niên cũng phản ánh, nhiều chiếc biển số của Tp.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu, Lâm Đồng và các tỉnh phía Bắc đều có mặt tại Phan Thiết ở thời điểm này . Một số người xuống xe ghé vào quán, một số đi bộ đến các khu đất gần đó đứng quan sát, cầm theo sổ đỏ và bản đồ vị trí đất, giới thiệu qua lại.

Tình trạng sốt nóng BĐS theo sân bay diễn ra nhanh chóng khiến chính quyền địa phương phải lên kế hoạch ngăn ngừa sốt ảo và cảnh báo lừa đảo.

Theo thông tin trên báo Thanh Niên, ngày 11/3 Chủ tịch UBND TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã gửi văn bản lưu ý Công an, Phòng TN-MT và UBND xã Thiện Nghiệp (TP Phan Thiết) có biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng "cò đất" tập trung bất thường khu vực sân bay Phan Thiết.

Giới đầu tư đất lại đổ xô kéo về Phan Thiết, xe hơi đỗ kín đường vào khu vực xây sân bay - Ảnh 1.

Ôtô xếp hai hàng dài trên đường ở trung tâm xã Thiện Nghiệp, sáng 10/3. Ảnh: Việt Quốc (Vnexpress)

Văn bản cho hay trong vài ngày trở lại đây, khi báo chí đưa tin cuối tháng 3 Cảng hàng không Phan Thiết (sân bay Phan Thiết) sẽ được thi công thì tại nhiều quán cà phê, ngõ đường vào dự án sân bay (xã Thiện Nghiệp) xuất hiện rất nhiều ô tô và người lạ từ nơi khác đến để trao đổi, giao dịch mua bán đất. Tình hình này đã tạo nên dấu hiệu mất an ninh trật tự do có lượng ô tô "đổ" về xã Thiện Nghiệp đông một cách bất thường.

Theo đó, Chủ tịch UBND Tp.Phan Thiết yêu cầu UBND xã Thiện Nghiệp tăng cường công tác quản lý về an ninh trật tự, an toàn giao thông; đặc biệt là phải quản lý chặt, ngăn chặn ngay tình trạng lấn chiếm đất đai của nhà nước khu vực gần dự án sân bay Phan Thiết nhằm sang nhượng, mua bán bất hợp pháp.

Công an Tp.Phan Thiết tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất đai bất hợp pháp, nhất là tình trạng lừa đảo trong mua bán đất đai.

Từng chia sẻ về câu chuyện sốt đất ăn theo sân bay, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam phân tích, sốt đất là hiện tượng giá đất tăng với một tốc độ đột biến trên diện rộng trong thời gian ngắn.

Đa phần các cơn sốt đất xuất phát từ hiệu ứng đám đông khi nhiều cá nhân có nhu cầu mua và làm đẩy giá lên cao do nguồn cung có hạn. Các cơn sốt đất dễ trở thành sốt đất ảo khi giá trị đất không còn phản ánh giá trị và nhu cầu thực tế mà được dựa trên những thông tin không rõ ràng và tin đồn thổi.

Trong các cơn sốt đất thì nhu cầu đất chủ yếu không nhằm mục đích sản xuất kinh doanh mà chỉ là để đầu cơ chờ thời. Bài học về sốt đất theo sân bay Téc-Ních, Hớn Quản, Bình Phước là bài học rõ ràng nhất.

Trước đó, cơn sốt đất tại khu vực này được cho là do một bộ phận người dân truyền tai nhau về việc sắp quy hoạch đất tại địa phương để xây sân bay Téc-Ních với diện tích lên tới 500 héc-ta, sau khi đoàn khảo sát của tỉnh đến để khảo sát vị trí để xin chủ trương.

Tuy nhiên chỉ sau một tuần, hiện tượng sốt đất đã nguội, dòng người tìm đến cũng không còn, bong bóng đã vỡ, và nhiều NĐT ôm trái đắng tại thị trường này.

Theo TS Khương, với giả định là sân bay sẽ được hoàn thành, theo một góc nhìn thực tế thì việc này cần ít nhất 5-7 năm để hoàn thành kế hoạch và được phê duyệt, và rồi xây dựng sẽ mất thêm 3-5 năm nữa.

Như vậy là từ lúc khảo sát đến lúc khánh thành thì cũng gần 10 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, để vân hành trơn tru và thật sự thu hút đầu tư đáng kể thì cần 5-10 năm nữa.

Vị chuyên gia này phân tích, việc có sân bay tại địa phương không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư. Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị BĐS và tạo sức hút trên thị trường bao gồm đầy cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội như trường học bệnh viện, giao thông thuận lợi, và cơ hội nghề nghiệp.

Cho nên, để tăng giá trị BĐS thì phải nắm bắt được nhu cầu và đáo ứng để tạo ra sức hút riêng biệt để thu hút nguồn lao động và di dân đến địa phương một cách cơ học. Vì thế nên việc xây thêm một con đường hoặc có một sân bay nội địa chưa đủ để tác động trực tiếp đến thị trường.

Thật sự thì không phải cứ xây sân bay thì địa phương nào cũng phát triển mạnh mẽ như Đà Nẵng và Nha Trang. Sân bay Phù Cát tại Quy Nhơn, Bình Định là một minh chứng rất rõ ràng khi đã mất rất lâu mới phát triển được như hôm nay. Tuy nhiên đến nay sức ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội địa phương vẫn chưa thể so sánh được với Đà Nẵng và Nha Trang.

"Chúng ta nên nhìn thấy rằng có sân bay không phải là yếu tố quyết định để Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam, và Nha Trang trở thành thành phố du lịch hàng đầu cả nước, mà là do nhiều yếu tố khác nữa mới tạo ra giá trị cho thành phố như vậy", TS Khương nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại