Các nước khác đã làm như thế nào?
Thực tế, đây là bài toán khó đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới, ngay cả một nền kinh tế lớn hàng đầu như Mỹ. Rắc rối lớn nhất của Mỹ là hệ thống đóng thuế kinh doanh online rất phức tạp, trong khi những cửa hàng kinh doanh trên facebook sẽ đóng thuế qua dịch vụ Paypal thì các hộ kinh doanh trực tuyến khác lại không có quy định rõ ràng.
Đồng thời Mỹ thực hiện thu thuế 6,25% đối với người tiêu dùng mua hàng tại các cửa hàng online nếu mua qua các trang lớn như Amazon hay Facebook nhưng lại không có quy định nộp thuế khi mua hàng qua các shop trực tuyến khác.
Singapore cũng đang tìm giải pháp tốt nhất cho việc thu thuế các cá nhân kinh doanh qua mạng xã hội. Ở quốc gia này, chế độ thuế rất tự do nhưng có hạn chế rất lớn đó là cơ chế thuế lãnh thổ, trong khi các giao dịch thương mại điện tử lại là các giao dịch không biên giới.
Hiện nay, Singapore lựa chọn đánh thuế đối với người tiêu dùng (7%) thay vì các giải pháp đánh thuế người cung cấp hay người bán.
Trong khi đó, Malaysia lại là một quốc gia khá thành công trong bài toán này.
Quốc gia này thành lập một bộ phận để giải quyết các vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng Internet, trực tiếp phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Malaysia (Companies Commission of Malaysia – CCM) để nghiên cứu nghiên cứu chi tiết và đưa ra phương pháp tiếp cận đúng đắn.
Năm 2014, CCM đã cung cấp dịch vụ quầy đăng ký doanh nghiệp di động (BRMC) và yêu cầu tất cả những người kinh doanh trực tuyến đăng ký với CCM thông qua một cổng thông tin điện tử MyCoID.
Ngoài ra, Malaysia cũng cung cấp các dịch vụ điện tử khác như: dịch vụ thông tin điện tử, dịch vụ thông tin di động, danh bạ, cung cấp báo các tài chính, kê khai thuế, thống kê, thông tin hình ảnh,… Nhờ đó, quốc gia này xây dựng được mạng lưới thông tin kinh doanh thống nhất, chính xác và thu thuế kinh doanh qua mạng xã hội tương đối minh bạch, rõ ràng.
Thu thuế kinh doanh trên facebook ở Việt Nam ra sao?
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam chia sẻ, một nguyên tắc quan trọng của thu thuế là phải nắm được dòng tiền, nhưng với những người kinh doanh trên mạng xã hội, điều này rất khó.
Bởi dù áp dụng hình thức quảng cáo và bán hàng online, việc bán hàng với khách vẫn bằng con đường mua trực tiếp tại nhà hoặc nhiều hình thức đặt hàng khác như qua điện thoại... Đây là lý do cơ quan thuế khó kiểm soát.
Tuy nhiên, chuyên gia có nhiều năm làm nghiệp vụ tại Tổng cục Thuế (bà Cúc nguyên là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế) cho biết, vẫn có thể đảm bảo công bằng giữa những loại hình kinh doanh về thuế so với những người kinh doanh trên facebook nói riêng và thương mại điện tử nói chung.
Tuy nhiên, trước đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành để phù hợp với sự phát triển, cũng như tình hình thực tế hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử; đồng thời tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.
Bên cạnh đó, theo bà Cúc, cần ban hành Thông tư của Bộ Tài chính và các công văn hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách và quản lý thuế áp dụng đặc thù đối với kinh doanh thương mại điện tử, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến.
Trong đó, văn bản cần xác định trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, cách kê khai, tính thuế, khấu trừ thuế tại nguồn, nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với từng đối tượng cụ thể: Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, không cư trú tại Việt Nam; doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; cá nhân người Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Đặc biệt, với cơ quan thuế, việc đầu tiên là cần triển khai ngay đăng ký thuế, bổ sung thông tin thay đổi về thuế với các tổ chức, cá nhân đang tiến hành kinh doanh thương mại điện tử. Việc thông báo thời hạn đăng ký thuế được thực hiện ngay trên cá gian hàng của họ trên Facebook hoặc mạng xã hội khác.