Đặc phái viên Mỹ kể chuyện đàm phán với Triều Tiên: "Tôi nói đùa, cứ ngỡ họ định bắn"

Thi Anh |

Các "thủ thuật" đàm phán như đột ngột bỏ đi, nói đùa, tỉ tê giữa bữa ăn là những kinh nghiệm xương máu của các đặc phái viên Mỹ từng có cơ hội đàm phán với người Triều Tiên.

Hội nghị thượng đỉnh Singapore của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim Jong-un có thể chưa từng có tiền lệ, nhưng sau 1/4 thế kỷ tham gia đàm phán hạt nhân với Triều Tiên, các quan chức Mỹ đã học được đôi điều để đối phó với Bình Nhưỡng và thử nhiều chiến thuật, từ âm thầm thuyết phục cho tới đột ngột bỏ ra khỏi phòng.

Ở trên bàn đàm phán, họ đối mặt với những nhà thương thuyết Triều Tiên gan góc nhưng họ cũng gặp những quan chức lịch sự, hiểu biết và nhanh trí.

Dưới đây là chia sẻ của các cựu quan chức Mỹ về những trải nghiệm thường là cam go trong những cuộc đàm phán với Triều Tiên trong quá khứ.

Cuốn theo chiều gió

Từ giữa những năm 1993, Robert Gallucci đã trở thành người dẫn đầu đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán trực tiếp với Triều Tiên, tìm cách khống chế chương trình hạt nhân của nước này. Cuộc gặp đầu tiên diễn ra ở New York, trên tầng thượng của trụ sở phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Ông Gallucci, khi ấy còn là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, nhớ lại rằng, người Mỹ đã rất bàng hoàng trước hình ảnh gần chục quan chức ngoại giao Triều Tiên, ai cũng cài huy hiệu in hình lãnh đạo tối cao trên áo.

"Anh có thể tưởng tượng cảnh chúng tôi tới cuộc họp với những chiếc huy hiệu hình Bill Clinton không? Thật hoang đường! Nhưng thực ra đó lại là điều khá quan trọng để người ta hiểu được", ông Gallucci nói, "Tôi nghĩ anh có thể mất rất nhiều vị thế trong đàm phán nếu không hiểu họ nhạy cảm đến thế nào về nhà lãnh đạo của mình".

Đặc phái viên Mỹ kể chuyện đàm phán với Triều Tiên: Tôi nói đùa, cứ ngỡ họ định bắn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Robert Gallucci (phải) và Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Ảnh: AP

Trong cuộc gặp ấy, trước sự ngạc nhiên của người Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kang Sok Ju đã dẫn lại một câu nói trong tiểu thuyết nổi tiếng của Mỹ "Cuốn theo chiều gió". Đó là "chó cứ sủa, đoàn người cứ đi", ông Gallucci kể lại. Sau cuộc gặp, ông Gallucci đã tặng cho ông Kang cuốn sách đó làm quà. Đổi lại, ông nhận được một hộp trà nhân sâm.

Theo ông Galluci, người Triều Tiên đã dùng ngôn ngữ khá mạnh và cực đoan để nói về Mỹ và ông đã phản bác, nhưng sau cùng ông không quan tâm tới cuộc khẩu chiến nữa. "Thù địch như thế là bình thường. Dù nói như vậy, anh vẫn muốn xây dựng quan hệ tốt trong cuộc đàm phán để đạt được mục tiêu của mình".

Sau gần 1 năm rưỡi, hai bên đã hoàn thiện được bộ khung để chấm dứt việc Triều Tiên sản xuất plutonium cho bom để đổi lấy hỗ trợ về năng lượng.

Rời khỏi bàn đàm phán

Sau khi ông Bill Clinton rời nhiệm sở, hi vọng về một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều gần như tan biến bởi chính quyền kế nhiệm của George W. Bush có đường lối cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng.

Khung thỏa thuận sụp đổ năm 2002 khi Mỹ nghi ngờ Triều Tiên bí mật làm giàu uranium. Năm 2006, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên của mình. Chính quyền của Bush đã sử dụng gậy, và sau đó là cà rốt để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa.

Quan chức hàng đầu về Đông Á khi đó, Christopher Hill đã dẫn đầu đoàn Mỹ trong cuộc đàm phán sáu bên với Triều Tiên do Trung Quốc chủ trì.

"Anh cần phải rất cụ thể về những gì anh muốn đạt được. Và nếu họ (Triều Tiên) quay trở lại và tìm cách gạt bỏ điều gì mà trước đó họ đã đồng ý thì phương án của tôi là rời khỏi bàn đàm phán", ông Hill nói.

"Đôi lúc họ sẽ quay lại và nói họ có những chỉ thị nói. Và tôi nói là, thế thì tệ thật bởi tôi cũng vậy. Và tôi bỏ đi".

Các cuộc đàm phán này dẫn tới việc ngừng tạm thời các lò phản ứng plutonium của Triều Tiên nhưng sau đó đã thất bại vì mâu thuẫn xung quanh công tác kiểm định.

Hill cho biết, không có nhiều chuyện vui khi các quan chức trao đổi riêng tư nhưng có một mẩu chuyện thế này.

Một lần, khi Hill phải nghe điện từ Ngoại trưởng Mỹ khi đó Condoleezza Rice, ông đã giải thích với người đồng cấp Triều Tiên rằng, ông phải nghỉ đàm phán trong chốc lát để trả lời "tiếng gọi từ bề trên". Và người Triều Tiên đáp rằng: "Chà, đó là cơ hội tốt cho tôi để làm việc tương tự", thế rồi ông này đi vào nhà vệ sinh.

Nói đùa

Ông Bill Richardson, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Clinton, thường xuyên đối thoại với Triều Tiên từ những năm 1990. Ông đã tới Triều Tiên 8 lần, thường là để tìm cách trao trả tự do cho các tù nhân Mỹ.

"Người Triều Tiên rất khó đối phó", Richardson nói, "Họ không suy nghĩ giống chúng ta. Chúng ta suy nghĩ theo lối thỏa hiệp, có cho có nhận. Quan niệm của họ về đàm phán lại là họ cho anh thêm thời gian để đi tới lập trường của họ".

Đặc phái viên Mỹ kể chuyện đàm phán với Triều Tiên: Tôi nói đùa, cứ ngỡ họ định bắn - Ảnh 3.

Ông Bill Richardson, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời Tổng thống Clinton (người đứng ngoài cùng bên phải). Ảnh: David Guttenfelder

Ông Richardson cho rằng cách tốt nhất để đạt được kết quả là cứ để họ thoải mái bày tỏ quan điểm trong các cuộc đàm phán chính thức, sau đó tìm cách thuyết phục họ khi dùng bữa hoặc khi dạo bộ bên lề cuộc họp. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại rằng phong cách có phần vội vã của ông Trump có thể khiến Triều Tiên khó chịu.

Bản thân Richardson đã sử dụng một số chiến thuật khác thường. Khi tới Bình Nhưỡng năm 1996 để đàm phán nhằm trao trả tự do cho một người Mỹ bị bắt vì bơi qua sông từ Trung Quốc sang Triều Tiên.

"Tôi đã nói đùa. Tôi bảo rằng: 'Các anh có đối xử đàng hoàng với người này không vậy? Móng tay của anh ta vẫn còn nguyên chứ? Và người Triều Tiên nhìn tôi khoảng 10 giây. Tôi cứ ngỡ họ định bắn tôi", Richardson nói.

Nhưng người Triều Tiên hiểu rằng Richardson đang nói đùa và người bị bắt sau đó đã được trả tự do.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại