Ngày 3/4, Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành hàng sầu riêng năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Đây là địa phương đứng thứ 2 cả nước về sầu riêng với sản lượng ước đạt 281.350 tấn.
Nhiều năm qua, sầu riêng đã mang về doanh thu, lợi nhuận cao cho không ít doanh nghiệp, nông dân… Do đó, họ rất quan tâm đến thông tin 30 lô sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng vượt ngưỡng. Bởi đây là thị trường chính tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng.
Ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông, huyện Krông Búk, Đắk Lắk - cho biết: “Qua hai năm sản xuất sầu riêng xuất khẩu chính ngạch, chúng ta đã thu được những thắng lợi nhất định. Nhưng để phát triển bền vững, theo tôi cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, quản lý sinh vật gây hại và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ngay từ vùng trồng chặt chẽ hơn”.
Ông Võ Thanh Toàn - đại diện HTX sản xuất và tiêu thụ sầu riêng Krông Năng, Đắk Lắk - cho hay đã liên hệ nhiều cơ sở thu mua mặt hàng này để nghe ngóng thông tin vụ 30 lô sầu riêng của Việt Nam bị Trung Quốc phát đi cảnh báo nhiễm cadimi .
“Nghe tin này, HTX chủ động liên hệ với các đơn vị thu mua để tìm hiểu nguyên nhân. Được biết, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát về kiểm định thực vật cũng như dư lượng kim loại nặng trong công hàng xuất khẩu. Do đó, HTX đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ kiểm soát tốt nguy cơ dẫn đến các vi phạm về an toàn thực phẩm, nguồn nước, đất tại các vùng trồng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người dân xem có bị tồn dư hàm lượng chất vượt quá ngưỡng quy định không…”, ông Toàn bày tỏ.
Là đơn vị chuyên xuất khẩu sầu riêng, Cty TNHH Một thành viên Trái Cây Thuỷ (Tiền Giang) chia sẻ, rất quan tâm đến vụ 30 lô sầu riêng bị cảnh báo vượt ngưỡng quy định. Hiện Cục Bảo vệ thực vật đang tìm nguyên nhân. Về phía công ty, đã cho triển khai tập huấn nâng cao trình độ công nhân viên trong phân xưởng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và siết chặt quy trình làm sạch sau khi thu hoạch cũng như trước khi đóng gói xuất khẩu.
Liên quan vụ sầu riêng nhiễm chất cadimi, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Lắk - cho biết, đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Hiện nay phía nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao hơn về chất lượng và tuân thủ quy định sản xuất, xuất khẩu sầu riêng.
Theo ông Dương, có những vấn đề không phải do lỗi cố ý, gian lận mà quá trình sản xuất có thể phát sinh tăng hàm lượng một số chất nhà nhập khẩu cấm hoặc hạn chế. Việc này thuộc về yếu tố kỹ thuật. Do đó, Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT, Chi Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ phải nghiên cứu kỹ để đưa ra các khuyến cáo về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các chế phẩm khác.
“Chúng ta phải tuân thủ chặt chẽ quy trình, tỷ lệ, hàm lượng sử dụng phân bón, thuốc và các chế phẩm khác để vừa mang lại tác dụng tích cực cho cây trồng; ngăn ngừa dư lượng có thể phát sinh. Đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ để sớm có khuyến cáo cho người dân", ông Dương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thiên Văn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết, bên cạnh thuận lợi, ngành sầu riêng của địa phương cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Để phát triển bền vững ngành hàng này, theo ông Văn cần tập trung sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, tích cực xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát tốt đối tượng kiểm dịch thực vật; Tăng cường nâng cao năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản đông lạnh, chế biến sâu, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại đảm bảo đáp ứng quy định của nước xuất khẩu...