''Thủ phủ" rau sạch Lâm Đồng sản xuất bao nhiêu tấn rau mỗi năm? Thu được bao nhiêu tiền từ nông nghiệp?

Nhã Mi |

Gần đây, thông tin về việc nhiều công ty, nhà phân phối "hô biến" rau chợ, rau Trung Quốc thành rau VietGAP, rau Lâm Đồng... được rất nhiều người quan tâm. Trên thực tế, năng lực sản xuất rau của Lâm Đồng ra sao?

Lâm Đồng là địa phương có nhiều lợi thế về sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Mỗi năm, Lâm Đồng sản xuất khoảng 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, trên 500 nghìn tấn cà phê, 175 nghìn tấn chè búp tươi, hơn 180 nghìn tấn trái cây và nhiều loại nông sản khác.

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 175 chuỗi liên kết từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ (có hợp đồng liên kết lâu dài) với sự tham gia liên kết của 17.000 hộ dân tham gia, tổng diện tích đạt 24.000 ha, sản lượng đạt trên 337.000 tấn. Với chăn nuôi, tổng đàn tham gia chuỗi đạt 855.000 con, tổng sản phẩm đạt trên 143.000 tấn.

Trên địa bàn tỉnh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có diện tích 5.400 ha; diện tích sản xuất theo 4C, UTZ 80.500ha. Đồng thời, về truy xuất nguồn gốc nông sản(QR Code), đến nay có 101 doanh nghiệp, hộ dân được gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản.

Ngoài ra, Lâm Đồng đã xây dựng, đăng ký cấp 72 mã số vùng trồng cho các sản phẩm như: thanh long, mít, xoài, chôm chôm, dưa hấu và đang trình cấp 10 mã số vùng trồng cho sầu riêng đi thị trường Trung Quốc, đồng thời đang rà soát đăng ký cấp mã vùng trồng cho ớt đi thị trường Malaysia.

Nông sản Lâm Đồng cũng đã được xuất khẩu đi hơn 40 nước trên thế giới, với các thị trường truyền thống gồm: khu vực Đông Bắc Á, khu vực châu Âu, khu vực Bắc Mỹ. Đáng chú ý, nông sản xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng hiện đang có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu, Mỹ; đồng thời, đang cung cấp nông sản nguyên liệu xuất khẩu cho nhiều tập đoàn đa quốc gia và các nhà phân phối lớn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2020 của tỉnh đạt 320 triệu USD, chiếm khoảng 45% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tỉnh Lâm Đồng.

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, bất chấp khó khăn của dịch Covid-19, tính đến hết năm 2021, các mặt hàng xuất khẩu nông sản chủ lực của tỉnh như: cà phê nhân, chè chế biến, rau, củ, quả các loại, hạt điều nhân và hoa các loại ước đạt 233,86 triệu USD, chiếm tỷ trọng gần 33,6% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Năm 2021, toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Lâm Đồng đạt tốc độ tăng trưởng GRDP khoảng 4,8%, tương ứng với tổng giá trị gần 19.000 tỷ đồng. Cơ cấu nội bộ ngành gồm trồng trọt 80,2%; chăn nuôi 17,6%; dịch vụ 2,2%. Giá trị sản xuất bình quân đạt 201 triệu đồng/ha, tăng 5,3% so với năm 2020. Diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 63.108 ha, tương ứng với 21% tổng diện tích canh tác.

Trong năm 2021, toàn ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng chuyển đổi, cải tạo gần 10.610 ha sản xuất kém hiệu quả, đưa diện tích có giá trị thu nhập dưới 50 triệu đồng/ha còn khoảng 49.497 ha; phát triển 82 chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, thu hút 18.386 hộ tham gia, tăng 17 chuỗi so với năm 2020.

Tổng số hợp tác xã toàn tỉnh Lâm Đồng đạt 367 hợp tác xã; trong đó, phát triển mới 45 hợp tác xã. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ động nguồn nước tưới đạt 136.736 ha, chiếm tỷ lệ 66% diện tích cần tưới.

Lũy kế cả năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; Thành phố Đà Lạt và Thành phố Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đạt và vượt 9/10 chỉ tiêu, vẫn còn 1 chỉ tiêu chưa đạt. Ngành vẫn còn thiếu các giải pháp căn cơ để tiêu thụ nông sản ổn định, phát triển liên kết bền vững. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu nông sản Lâm Đồng giảm mạnh so với năm 2020. Nguồn giống rau, hoa phần lớn nhập khẩu. Trình độ sản xuất chênh lệch lớn giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với trình độ canh tác chung toàn tỉnh…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại