Nhiều tiện ích nhưng ít người dùng
Hiện nay, trong khi hầu hết các nước đã sử dụng hệ thống trạm thu phí tự động không dừng (ETC) trên quốc lộ thì nước ta vẫn tồn tại các trạm thu phí một dừng (MTC).
Việc này không chỉ gây tốn kém thời gian của các chủ phương tiện lưu thông trên đường cũng như chi phí của các nhà quản lý mà còn gây ách tắc giao thông.
Trước thực trạng đó, vào ngày 14/12/2015, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí không dừng áp dụng cho 28 trạm thu phí trên QL1 và QL14 và hình thức này đã chính thức được đưa vào triển khai từ tháng 6/2017.
Bộ GTVT chỉ định liên danh Công ty CP Tasco - Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (Tasco - VETC) là chủ đầu tư của dự án theo hình thức BOT (xây dựng - sở hữu - kinh doanh).
Thu phí không dừng trên các trục đường quốc lộ được coi là chủ trương đúng đắn nhằm giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường cho người tham gia giao thông đồng thời tiết kiệm cho nhà đầu tư BOT trong chí phí in vé, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì mặt đường khu vực trạm thu phí, đồng thời tránh được thất thoát.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm triển khai, hình thức thu phí không dừng vẫn gần như “dậm chân tại chỗ” khi chỉ có 17 trạm BOT chính thức vận hành thu giá tự động với doanh thu chỉ chiếm khoảng 7% trên tổng doanh thu.
Ngoài ra, cũng chỉ có khoảng 500.000 phương tiện trong tổng số hơn 3 triệu xe ô tô trong cả nước được dán thẻ thu phí tự động không dừng. Đây được coi là con số khiêm tốn so với mục tiêu mà Bộ GTVT đã đề ra trước đó.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Nguyên nhân khiến cho việc thu phí tự động không dừng chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực là do chúng ta tuyên truyền chưa tốt, thói quen của người dân Việt Nam vẫn thích dùng tiền mặt để trả, chưa quen dùng thẻ, thanh toán qua ngân hàng.
Nguyên nhân thứ 2 là do thời gian vừa rồi chúng ta làm chưa quyết liệt, sự liên thông giữa các ngân hàng cũng chưa được tốt. Thứ 3 là do các chủ đầu tư BOT cũng né tránh không muốn thu phí tự động vì ngại minh bạch.
Một số nhà đầu tư BOT khác ủng hộ chủ trương thu phí không dừng nhưng lại không muốn ký hợp đồng với VETC (đơn vị duy nhất cung cấp dịch vụ thu giá tự động hiện nay) vì cho rằng đó là dạng “đàm phán ép buộc” kiểu độc quyền với chi phí cao”.
Chủ đầu tư đã vậy, còn người dân cũng chưa thực sự mặn mà khi có quá ít trạm thu phí triển khai thu phí không dừng, hoặc có triển khai thì mới có 1 làn, còn phần lớn đều thu phí theo mô hình cũ.
Điều này đã dẫn tới việc nhiều chủ xe chưa biết về dịch vụ này hoặc chỉ nghe qua chứ chưa hiểu cách dùng. Có chủ xe đã dán tem hơn 1 năm nhưng “không buồn” nạp tiền vì vẫn quen trả kiểu thủ công.
Khảo sát thực tế cho thấy, tỉ lệ người trả phí tự động tại các trạm đã triển khai vẫn còn rất thấp.
Tại Trạm BOT Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An), một trong những trạm triển khai thu phí tự động từ khá sớm, nhưng tỷ lệ doanh thu qua hình thức này chỉ chiếm chưa tới 7% so với tổng doanh thu mỗi ngày.
Trong năm 2018 dán tem trên tất cả các phương tiện
Trước tình hình trên, vào ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Ngay sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT đã phát đi thông điệp quyết tâm dán tem thu giá tự động (thẻ Etag) trên 100% phương tiện xe cơ giới và năm 2019 sẽ thực hiện việc thu giá không dừng tại tất cả trạm thu phí đường bộ.
Theo đó, để đảm bảo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2018, tất cả các trạm BOT đều phải ứng dụng công nghệ thu phí không dừng. Các nhà đầu tư chậm trễ sẽ bị kiến nghị dừng thu phí.
Đây được coi là biện pháp mạnh mà Bộ GTVT đưa ra để buộc các nhà đầu tư đẩy mạnh áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm BOT.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, sẽ xin chủ trương Chính phủ cho triển khai thu phí không dừng với toàn bộ hệ thống đường cao tốc, không chỉ riêng hệ thống quốc lộ, thực hiện ngay trong giai đoạn 1.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng các quy định hướng dẫn cụ thể việc triển khai Quyết định 07 về thu giá không dừng, cũng như đề xuất chế tài xử lý các đối tượng cố tình vi phạm, không thực hiện chủ trương này.
Ngoài ra, Bộ cũng giao Tổng cục ĐBVN tiếp tục phối hợp các nhà cung cấp dịch vụ nhà đầu tư BOT triển khai đấu thầu cung cấp dịch vụ thu giá không dừng tại các trạm thu giá còn lại trên toàn quốc; phối hợp các Sở GTVT địa phương, các hiệp hội vận tải tổ chức dán thẻ Etag cho phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết thêm: “Thủ tướng cũng như Bộ GTVT đã rất quyết liệt thì việc thu phí tự động không dừng không còn là vấn đề khó.
Quan trọng là chúng ta cần phải giải quyết khâu kĩ thuật, đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, có sự liên kết giữa chủ đầu tư và hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần có các biện pháp tuyên truyền để người dân nhận thấy lợi ích của hình thức này và tích cực hưởng ứng”.