Thu nhập hơn 100 triệu/tháng, người phụ nữ vẫn bỏ việc

Huyền Giang |

Từng gắn bó với 1 công việc ổn định, mức lương hàng tháng cao ngất ngưởng, 1 người phụ nữ lại quyết định từ bỏ để tìm sự bình yên.

Có nhiều lý do để chúng ta không gắn bó với công việc mình làm. Lý do đó có thể đến từ môi trường không phù hợp, công việc quá sức, đồng lương ít ỏi… Thế nhưng dù gì đi chăng nữa, tìm 1 công việc ổn định và phù hợp với mình vốn không phải điều dễ dàng.

Trường hợp này giống như cô gái tên Keliyun đang gặp phải. Bài viết trên diễn đàn Asia One đăng tải câu chuyện của Keliyun đang nhận nhiều sự bàn tán của người dùng mạng. Nhiều người cảm thấy đồng cảm với Keliyun vì những gì cô phải trải qua khi làm việc.

Khi đi tìm việc, Keliyun tự tin rằng cô có thể làm mọi công việc, miễn là mức lương ổn định, đạt được kỳ vọng của cô. Tuy nhiên, sau khi gắn bó với một công việc văn phòng với mức lương lên đến 5.000 USD/tháng (117 triệu đồng), Keliyun vẫn không cảm thấy thoải mái.

“Tôi đã có suy nghĩ rằng tôi có thể chấp nhận bất cứ điều gì trong công việc miễn là tôi nhận được 1 mức lương như kỳ vọng và có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Cho tới khi tôi nhận ra mình phải làm việc cả trong ngày nghỉ, tôi bắt đầu cảm thấy kiệt sức” - Keliyun tâm sự về những suy nghĩ trước kia của mình.

Cô bắt đầu cảm thấy sai lầm khi về nhà vẫn phải làm việc, gần như không có thời gian nghỉ đúng nghĩa. Nó trở nên tồi tệ khi Keliyun nhận thấy bản thân không còn chút năng lượng nào dành cho công việc này. Cô cảm thấy căng thẳng kéo dài, chỉ muốn nằm trên giường và ngủ để quên đi thực tại khó khăn.

Thu nhập hơn 100 triệu/tháng, người phụ nữ vẫn bỏ việc - Ảnh 1.

Keliyun cho biết động lực duy nhất của cô khi làm công việc căng thẳng kéo dài là thu nhập cao. Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi nhận lương hàng tháng, cảm giác căng thẳng lại kéo đến và chu kỳ tồi tệ lại lặp lại.

Sau 1 thời gian suy nghĩ, Keliyun cảm thấy không ổn và đã quyết định nghỉ việc. Dù hàng tháng kiếm được số tiền lớn nhưng Keliyun lo cho sức khỏe của mình hơn. Căng thẳng, kiệt sức trong công việc diễn ra trong 1 thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới tâm lý cũng như sức khỏe. Nhận ra điều đó, Keliyun đánh đổi bằng cách từ bỏ công việc lương cao, dành thời gian “nuôi dưỡng” tâm hồn.

Cuối cùng, Keliyun đã nghỉ việc ngay dù chưa tìm việc mới thay thế. Cô bộc bạch rằng muốn tìm 1 công việc phù hợp, có thể gắn bó và giữ sự hứng khởi lâu dài.

Keliyun khuyên các bạn trẻ không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong công việc nhưng cũng phải tôn trọng “tiếng nói” của lòng mình. Lắng nghe xem nội tâm muốn gì để tinh thần không rơi vào trạng thái kiệt quệ, mệt mỏi.

“Xã hội hiện nay khiến chúng ta phải làm việc hiệu quả và hối hả để duy trì thành công. Tuy nhiên, tập trung quá nhiều vào thế giới bên ngoài mà không quan tâm đến nội tại của chúng ta sẽ tạo ra sự mất cân bằng. Cố gắng tập trung vào việc cảm thấy bình yên và vui vẻ trong chính mình, vì đó mới là điều thực sự quan trọng và bền vững” - Keliyun bày tỏ quan điểm.

Thu nhập hơn 100 triệu/tháng, người phụ nữ vẫn bỏ việc - Ảnh 2.

Vấn đề mà Keliyun gặp phải cũng là tình trạng chung của nhiều người. Hiện tại, nhiều người trẻ cũng đang cố gắng chạy theo đồng tiền mà bất chấp tình trạng căng thẳng, kiệt sức kéo dài. Điều này nếu diễn ra thường xuyên sẽ dễ tác động xấu tới cơ thể, sức khỏe của bạn.

Dưới đây là 1 số mẹo kiểm soát căng thẳng bạn nên áp dụng:

Mỗi công việc đều có những áp lực khác nhau. Chúng ta cần hiểu thấu bản thân đang cảm thấy thế nào khi đối diện với những áp lực ấy. Dành thời gian quan tâm đến cảm xúc, lùi lại 1 bước để đánh giá trạng thái tinh thần của bản thân là điều cần thiết.

Bước đầu tiên là nhận ra mức độ căng thẳng. Căng thẳng đôi khi là động lực để tạo nên những thành tích mới cho bạn. Nhưng nếu căng thẳng và áp lực quá đà sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bạn có thể học cách giảm bớt căng thẳng nhờ chia sẻ với bạn bè, người thân, thậm chí là đồng nghiệp về những khó khăn mình gặp phải. Tìm tới các thú vui, đam mê… cũng là chìa khóa đặc biệt để xả stress.

Chúng ta cũng cần thiết lập giao tiếp rõ ràng. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn làm bạn - đồng nghiệp - sếp thấu hiểu nhau hơn. Đây là cách hạn chế sự trục trặc, mâu thuẫn trong môi trường làm việc.

Nếu cảm thấy đang làm việc quá sức, hãy nói điều ấy với sếp của bạn. Khi lắng nghe ý kiến của bạn có thể người quản lý sẽ phân bổ công việc phù hợp hơn cho bạn. Nếu như đã kiểm soát căng thẳng nhưng không thực sự hiệu quả, bạn có thể tìm 1 công việc mới vì biết đâu “cánh cửa mới” lại phù hợp và tốt đẹp hơn.

Nguồn: Asia One

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại