Lập kế hoạch chi tiêu cho gia đình có con nhỏ được xem là một thách thức trong cuộc sống hiện đại của các đôi vợ chồng trẻ.
Có con là có thêm niềm hạnh phúc vô bờ khi gia đình thêm thành viên mới. Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày này, thêm con cũng đồng nghĩa với trách nhiệm, với nhiều nỗi lo lắng tăng lên.
Trong đó phải kể đến áp lực về kinh tế. Đặc biệt với những gia đình sống ở đô thị, việc làm sao để xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý khi có con cũng khiến nhiều người đau đầu.
Với chị em phụ nữ, người thường nắm "tay hòm chìa khóa", quán xuyến việc nội trợ, chi tiêu tính toán làm sao cho phù hợp với thu nhập của hai vợ chồng không phải là bài toán đơn giản.
Nếu tài chính dư giả, việc cân đối chi tiêu có phần nhẹ nhàng, "dễ thở" hơn. Ngược lại, khi nguồn thu nhập hạn chế, lại có nhiều khoản chi phí phát sinh thì việc thiếu trước hụt sau là khó tránh khỏi.
Bà mẹ hai con thu hút sự chú ý của dân mạng với câu chuyện tuy không mới nhưng luôn là chủ đề được quan tâm: Chi tiêu gia đình. (Ảnh minh hoạ)
Chị Hoa Thanh, bà mẹ hai con đến từ Hải Dương mới đây lên mạng than thở về chuyện tài chính gia đình. Theo đó, gia đình chị có 4 người, gồm vợ chồng chị và 2 con nhỏ. Thu nhập của hai vợ chồng khá ổn định, rơi vào khoảng 25 triệu đồng/tháng.
Nhưng theo bà mẹ hai con, với thu nhập này, khéo co kéo lắm chị cũng chỉ chắt bóp để vừa đủ chi tiêu, không dư được một khoản tiền nào. Thậm chí có tháng còn bị âm nếu phát sinh thêm việc.
Dưới đây là những khoản chi tiêu cụ thể trong tháng 8 của gia đình vợ chồng trẻ mà chị Hoa Thanh liệt kê ra:
- Tiền điện: 1.567.000 đồng/tháng
- Tiền nước, Internet: 650.000 đồng/tháng
- Tiền ăn, học phí hai con: 5.100.000 đồng/tháng
- Tiền sữa công thức cho hai con: 1.300.000 đồng/tháng (4 hộp/tháng)
- Tiền mua thức ăn, nhu yếu phẩm, đồ dùng gia đình tháng 8/2023: 3.718.000 đồng
- Tiền mua vitamin, đồ ăn vặt: 1.100.000 đồng/tháng.
- Gửi ông bà nội: 5.000.000 đồng/tháng.
- Tiền góp hội: 6.000.000 đồng/tháng (Tiết kiệm).
Như vậy, tổng cộng trong tháng 8, gia đình 4 người ở Hải Dương chi tiêu hết gần 25 triệu đồng, chỉ còn dư ra khoảng hơn 500.000 đồng.
Khoản chi khiến Hoa Thanh cảm thấy áp lực chính là số tiền 5 triệu đồng/tháng mà chồng chị đều đặn gửi về quê cho bố mẹ.
Theo bà mẹ hai con, vợ chồng chị đang nuôi hai con nhỏ, vô số khoản chi chí phải lo. Con còn nhỏ, gửi trẻ tư nên khoản tiền ăn, tiền bỉm sữa và học phí đã gần 10 triệu/tháng cho hai bé.
Mùa hè, hầu như nhà chị dùng điều hòa cả ngày. Tiền điện, nước và Intetner chưa bao giờ ở mức dưới 2 triệu/tháng.
Chị Hoa Thanh cho hay bản thân không chi li, tính toán với nhà chồng, nhưng việc bố mẹ chồng yêu cầu hàng tháng phải đều đặn gửi về 5 triệu khiến chị khá áp lực.
"Với những gia đình có điều kiện thì mình không nói, nhưng vợ chồng mình làm công ăn lương thôi, hàng tháng ngoài sinh hoạt phí thì còn tiền học, tiền sữa của con.
Kiêm thêm chút tiền dành dụm đề phòng ốm đau nữa, nói thật là không dư dả được gì. Trước khi chồng mình cưới vợ, hàng tháng anh đều phải gửi về 8 triệu để bố mẹ lo cho em ăn học. Đến giờ có vợ thì mẹ chồng bảo "bớt 3 triệu", là yêu cầu mỗi tháng gửi về 5 triệu" - Chị Hoa Thanh tâm sự.
Đôi vợ chồng trẻ luôn công khai thu nhập và mọi khoản chi với nhau. (Hình minh họa)
Chị nhận thấy với mức chi phí này, nếu chẳng may vợ chồng, con cái ốm đau nhập viện, hay phát sinh việc gấp cần tiền thì rất khó xoay xở.
Tuy nhiên, khi chia sẻ với chồng về chuyện gửi tiền về quê nuôi em, người vợ này không nhận được sự đồng thuận từ anh.
"Mình cũng nhiều lần muốn ý kiến nhưng chồng bảo thôi, bố mẹ cũng không làm gì ra tiền, chỉ ở nhà hưởng lương hưu nên gửi chút cũng không sao. Khổ nỗi ở quê đúng thật bố mẹ không tiêu pha gì nhiều. Vậy mà chưa bao giờ ông bà mua cho cháu nội hộp sữa hay cái quần, cái áo.
Mình đi đẻ, mẹ chồng lên chăm cháu được 1 tháng rồi về quê, từ đó cứ cỡ 2 - 3 tháng mới lên chơi với cháu một lần chứ không phụ giúp gì vợ chồng mình cả. Mình không tính toán với bố mẹ chồng, nhưng nuôi hai con nhỏ tốn kém vô cùng. Mình cũng không dám mua sữa ngoại, đồ ăn xịn xò, đắt đỏ gì cho con".
Bức xúc và không biết giải quyết vướng mắc như thế nào, chị Hoa Thanh chỉ biết chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội, tìm sự đồng cảm và mong muốn được nghe những lời khuyên hữu ích.
Sự việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dân tình, đặc biệt là hội chị em - những người cũng đang ngày ngày đau đầu với bài toán chi tiêu trong gia đình.
Phản ứng trái chiều của cộng đồng mạng
Đọc câu chuyện, một số người cho rằng chị Hoa Thanh nên xem xét lại các khoản chi. Vẫn còn nhiều chỗ chưa thực sự hợp lý, có thể cắt giảm bớt như tiền điện, nước, tiền mua đồ ăn vặt... Nếu đổi từ sữa công thức sang sữa tươi, khoản chi này cũng nhẹ đi kha khá.
Chưa kể, một số người còn nhận xét việc chồng gửi tiền về lo cho em ăn học đã có từ trước khi anh lập gia đình, chị Hoa Thanh phải biết rõ và xác định trước khi kết hôn. Nếu đã chấp nhận từ đầu thì không có lý do gì để than thở.
Tuy nhiên, ngược lại, nhiều người cũng đồng cảm với bà mẹ hai con. Anh Xuân Trường (Thanh Hóa) chia sẻ: "Không nên áp gánh nặng lên vợ chồng trẻ.
Nên họp gia đình lại để giải quyết vướng mắc, mong rằng anh chồng sẽ hiểu. Nếu đã nói gửi tiền về cho bố mẹ chồng, sao không thấy khoản nào cho ông bà ngoại? Mỗi anh chồng có bố mẹ thôi sao, làm như vậy vợ không bức xúc mới lạ!"
Chị Trần Hằng (Hà Nội) cũng thấu hiểu: "Mỗi người mỗi cảnh, nhưng nếu cho gia đình 4 người, 2 con nhỏ thì mình thấy bạn này chi tiêu cực kỳ hợp lý rồi. Đây là chi phí của cả tháng, đọc bình luận thấy vài anh vào cứ than này than nọ, tiêu hoang các thứ, nhưng chắc gì đã bỏ tiền chi tiêu đâu mà biết!
Có con nhỏ, tiền sữa một tháng 4 hộp chỉ 1.300.000 đồng là tiết kiệm, chứ như nhà mình tiền sữa một tháng cho một bé đã 5 triệu. Theo mình giờ có 2 phương án, một là họp gia đình, nói rõ để cắt giảm bớt khoản tiền gửi về nuôi em chồng, nếu bố mẹ chồng đã có lương hưu thì gửi 2 triệu/tháng phụ thêm là được.
Hoặc nếu không thì mời bố mẹ lên ở chung với hai vợ chồng, để ông bà không phải mất sinh hoạt phí, dành lại lương hưu lo cho em chồng ăn học".
Thế mới biết, tài chính quyết định không nhỏ đến hạnh phúc gia đình, và cách quản lý chi tiêu trong gia đình hợp lý, vẹn tròn đôi bên sẽ là bí quyết giúp cuộc sống của bạn ổn định về mặt tài chính và tinh thần, cũng như dễ dàng thực hiện các dự định trong tương lai.