Tư duy khác nhau khiến đẳng cấp và tầm nhìn cũng khác nhau. Tư duy thay đổi vận mệnh và hành động của con người. Các bạn biết không những người giỏi thực sự họ đều mang trong mình 3 loại tư duy sau:
1. Tư duy chuyển hóa
Chuyển hóa là cách tính toán bạn phải bỏ ra những gì, bỏ ra bao nhiêu để đầu tư để có được thành quả và lợi nhuận lớn. Nguyên tắc chuyển hóa quan trọng nhất là phần tính toán. Chỉ khi bạn tính toán rõ ràng, bạn mới dám chuyển hóa và đầu tư.
Câu chuyện Jack Ma khởi nghiệp đã trở thành nguồn cảm hứng lớn của hàng triệu thanh niên. Jack Ma sau này đã tiét lộ: khi thành lập Alibaba năm 1998, ông gặp rất nhiều khó khăn về tiền bạc, công ty của ông lỗ vốn liên tục trong 3 năm đầu tiên. "Người khổng lồ" Alibaba khởi nghiệp với 17 thành viên và ai cũng nghèo rớt mồng tơi. Chẳng ai dám nghĩ sẽ có ngày Alibaba trị giá 160 tỷ USD như bây giờ.
Thách thức lớn nhất của Jack Ma lúc đó là chẳng có ngân hàng nào chịu chuyển tiền cho Alibaba, thế là ông quyết định tự xây dựng nên hệ thống chuyển tiền riêng, đó là Alipay, hệ thống thanh toán khổng lồ chỉ đứng sau Paypal bây giờ.
"Rất nhiều người bảo tôi Alipay là một ý tưởng ngu ngốc, nhưng tôi chả quan tâm, vẫn có người dùng thì ngu cũng được" - Jack Ma chia sẻ về ý tưởng táo bạo của ông.
Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 800 triệu người sử dụng Alipay để thanh toán trực tuyến, nếu Jack Ma nghe theo những lời ngăn cản, thì đế chế của ông đã không thể thành công như ngày hôm nay.
Nhìn một Jack Ma "dị tướng" với vẻ ngoài có phần hơi ngốc nghếch, ẩn sâu bên trong là một trí tuệ vượt tầm. Nói trắng ra, Ma chính là những người có tư duy chuyển hóa, là một cao thủ biết cách tính toán. Không lựa chọn kiếm tiền ở giai đoạn trước mà kiếm tiền ở giai đoạn sau. Mới đầu chịu lỗ, sau này mới kiếm bộn tiền.
Điển hình của người có tư duy chuyển hóa là họ không phải là tín thần nhưng họ tin vào kết quả tính toán và chuyển hóa của mình. Họ biết rằng hàng chục lần thất bại, nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ chạm tới thành công.
Bên cạnh đó, tư duy chuyển hóa thấy rõ nhất ở tinh thần cho đi để nhận lại nhiều hơn. Thế nên bạn chớ ngạc nhiên khi thấy những tỷ phú, người giàu thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện. Ví như tỷ phú Bill Gates, với tổng tài sản là 90 tỷ USD, ông đã dành 41 tỷ USD cho hoạt động từ thiện.
Gates và vợ đã thành lập quỹ Bill & Melinda Gates, quỹ từ thiện tư nhân lớn nhất thế giới hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giải quyết nghèo đói toàn cầu. Gia đình Gates đã quyên góp hơn 36 tỷ USD kể từ khi quỹ ra mắt năm 2000 và Bill Gates cũng đã quyên tặng cổ phiếu trị giá hàng tỷ USD của mình cho tổ chức này.
Gia đình Gates, cùng với Warren Buffett, đã ký "cam kết cho đi" vào năm 2010. Ngoài Bill Gates, các tỷ phú công nghệ nổi tiếng như Michael Dell, Carlos Slim, Serge Brin... cũng dành hàng tỷ USD cho từ thiện.
2. Tư duy mượn trợ lực
Có câu chuyện thế này: Ông bố nọ bảo cậu con trai 5 tuổi của mình đi bê một hòn đá lớn. Cậu bé thử đủ mọi cách nhưng đều không thể nhấc được hòn đá lên. Bởi hòn đá quá to và nặng. Cậu bé nói với bố rằng cậu đã cố gắng hết sức và không thể nhấc được hòn đá được.
Ông bố thấy vậy hỏi cậu bé: "Tại sao con lại chỉ biết dựa vào sức lực của mình? Bố cũng là một nguồn tài nguyên, con hoàn toàn có thể mượn sức mạnh từ bố mà".
Sau đó, ông bố giúp cậu con trai nhấc hòn đá lên. Năng lực giải quyết vấn đề của cậu bé có hạn, mặc dù cậu ta đã rất cố gắng.
Rất nhiều lúc, chúng ta thường giống như cậu bé trong câu chuyện trên. Luôn chỉ dựa trên khả năng của mình để suy đoán một việc có thể làm được hay không?
Thực ra để đạt được mục đích và kết quả, không có ai quy định là chỉ được sử dụng sức mạnh của mình thôi cả. Rất nhiều người thành công không phải vì họ có năng lực siêu cao thủ mà là họ biết tổng hợp sức mạnh từ nhiều nguồn tài nguyên khác nhau. Và đó chính là tư duy mượn trợ lực mà nhiều người thường nhắc tới.
Bạn muốn khởi nghiệp, nhưng bạn không đủ tiềm lực kinh tế, trí tuệ..., vậy chẳng có lý do để không tìm một vài người cộng sự cùng chung chí hướng, cùng mục tiêu và lý tưởng. Đừng quên, 3 cái đầu luôn có nhiều phương án và sức mạnh tổng hợp hơn 1 cái đầu.
3. Tư duy suy đoán ngược dòng
Vào một ngày đẹp trời, có một nhóm người ăn mày đang nằm chơi, vừa phơi nắng, vừa cầu cho bản thân. Có người muốn trở thành đại gia, có người muốn lấy một người vợ đại gia, có người lại cầu mình giỏi giang hơn.
Trong đó có một người ăn mày là người Do Thái, anh ta cũng ngước lên trời cầu nguyện.
"Ê!" Một người hỏi anh ta: "Anh đang cầu cái gì thế?"
"Tôi ước tôi là ăn mày duy nhất trong thành phố này!"
Bài học rút ra ở đây là gì? Trong thị trường kinh tế ngày nay, miễn là có thể nghĩ ra những ý tưởng mà những người khác không nghĩ đến, tìm ra những khoảng trống thị trường mà những người khác không tìm thấy, và tạo ra các khái niệm về "độc đáo" và "duy nhất", thì bạn sẽ thành công. Lý do tại sao Do Thái có thể trở thành quốc gia giàu nhất trên thế giới là bởi vì họ có thể vượt qua được những suy nghĩ thông thường và đi theo con đường khác biệt.
Họ là dân tộc điển hình mang tư duy suy đoán ngược dòng bằng việc xác định đúng mục tiêu dựa trên sự thật khách quan. Sau đó nghiên cứu các nhân tố có liên quan tới việc thực hiện mục tiêu. Đảo ngược trình tự phân bổ nguồn tài nguyên và trình tự phân bổ thời gian.
Trong kinh doanh, vấn đề trọng tâm cốt lõi của tư duy suy đoán ngược dòng này đó là nghiên cứu việc muốn đạt được mục tiêu cần phải có những điều kiện gì và phải áp dụng những phương án chiến lược nào. Chứ không phải phân tích những điều kiện hiện có. Để xem chúng có thể đạt được những mục tiêu như thế nào?
Thứ lợi hại nhất trên đời này không phải là chiêu thức, sách lược, cũng không phải là tiền bạc và quyền lực mà đó là cách tư duy. Những người hội tụ đầy đủ 3 cách tư duy trên đều là cao thủ trong thương trường hoặc có cuộc sống an nhiên, viên mãn. Người hiểu được những cách tư duy này đều có thể bội tăng thời gian và hiệu quả làm việc. Đồng thời còn giúp họ nhìn thấu rõ tất cả những bí mật giấu kín trong thế trận.
Nhớ rằng, tư duy của bạn bao xa thì bạn sẽ đi xa được chừng ấy.