Thủ đoạn của những kẻ bán người sang Campuchia

CAO NGUYÊN |

Các đối tượng lên mạng xã hội đăng tải thông tin tuyển lao động với mức lương từ 23 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng, làm việc từ 8 giờ đến 10 giờ/ngày với công việc thoải mái, ký kết hợp đồng lao động… để dụ dỗ bán người sang Capuchia.

Liên quan vụ việc "2 người mẹ khóc cạn nước mắt khi con bị bán sang Campuchia" mà Báo Người Lao Động online đã phản ánh, TAND tỉnh Đắk Lắk vừa đưa ra xét xử 4 đối tượng lập mưu bán 4 người Việt Nam sang Campuchia.

Thủ đoạn của những kẻ bán người sang Campuchia - Ảnh 1.

4 đối tượng mua bán người sang Campuchia tại phiên tòa sơ thẩm

Theo nội dung vụ án, năm 2020, Nguyễn Văn Hiền (SN 1996; ngụ xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) sang Campuchia làm việc cho một số công ty đánh bạc trực tuyến. Hiền biết những công ty này đang cần tuyển người Việt Nam và nếu đưa được 1 người sang bán sẽ được trả từ 2.500 USD đến 3.000 USD (khoảng 46 triệu đồng đến 75 triệu đồng).

Sau đó, Hiền đã thỏa thuận với 2 đối tượng người Việt Nam, tên thường gọi là Thành, Sửu (hiện chưa xác định được lai lịch) nhờ giúp đưa người vượt biên sang Campuchia và đưa vào các công ty để bán.

Đến tháng 10-2021, Hiền từ Campuchia về Việt Nam rồi liên hệ với Nguyễn Đặng Trung Hiếu (SN 2003) và Trần Văn Ngàn (SN 2000, cùng ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) tìm người bán sang Campuchia.

Trong quá trình trao đổi, Hiền nói cho Hiếu và Ngàn biết tại Campuchia phải ở, làm việc tập trung, bị quản thúc, thời gian làm việc từ 12 - 15 giờ/ngày. Bên cạnh đó, công việc rất áp lực, phải đạt chỉ tiêu thì mới được nhận đủ lương, nếu không thì bị trừ lương hoặc bán cho các công ty khác.

Do vậy, Hiền dặn 2 đối tượng khi đăng bài trên các trang mạng xã hội phải đưa thông tin với nội dung tuyển lao động với mức lương từ 23 triệu đến 30 triệu đồng/tháng, mỗi ngày làm việc từ 8 đến 10 giờ, công việc thoải mái, không bị gò bó, ký kết hợp đồng lao động, công ty sắp xếp chỗ ăn ở. Bên cạnh đó, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Hiền thường sử dụng nhiều tài khoản trên mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram trao đổi.

Đến tháng 11-2021, Hiếu thông báo cho Hiền biết đã tìm được 4 người, gồm: Phan Văn Mạnh (SN 1993), Phan Văn Diệu (SN 1994), Nguyễn Quốc Hùng (SN 1994) và Nguyễn Kiếm Bắc (SN 1992, cùng ngụ TP Buôn Ma Thuột). Sau đó, Hiền đã gửi thông tin cho Đỗ Thị Mỹ Hạnh (SN 1992; ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Thành, Sửu để tổ chức đưa người sang Campuchia.

Thành trực tiếp liên hệ và đón 4 người đưa đến biên giới tỉnh Tây Ninh để vượt biên trái phép sang Campuchia. Khi đến Campuchia, Sửu nhận và đưa 4 người đến công ty do Hạnh đã liên hệ trước để bán người . Khi đưa được người vào công ty, Hạnh nhận được hơn 263 triệu đồng và chia nhau tiêu xài.

Thủ đoạn của những kẻ bán người sang Campuchia - Ảnh 2.

2 người mẹ của các nạn nhân kể lại vụ việc

Còn về phía 4 người bị lừa bán, sau khi vào các công ty đánh bạc trực tuyến đã bị bắt làm việc trong thời gian dài, không được nghỉ ngơi, không được ra khỏi nơi làm việc, tính chất công việc rất vất vả, áp lực. Nếu làm việc không theo yêu cầu sẽ bị đánh đập, bỏ đói, bán đi nơi khác, nếu muốn được trở về Việt Nam mỗi người phải nộp tiền chuộc khoảng 100 triệu đồng. Biết bị lừa bán, 4 người đã liên lạc với gia đình để tố giác.

HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hiền 14 năm tù, Đỗ Thị Mỹ Hạnh 13 năm tù, Nguyễn Đặng Trung Hiếu 12 năm tù, Trần Văn Ngàn 9 năm tù, cùng về tội "Mua bán người".

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, suốt 10 tháng qua, 2 người mẹ của anh Phan Văn Mạnh và Phan Văn Diệu thấp thỏm, khóc cạn nước mắt, không đêm nào yên giấc chờ điện thoại của con thông báo tình hình ở Campuchia.

Theo bà Trương Thị Huệ (mẹ anh Mạnh), anh kể có rất nhiều người Việt Nam bị giam vào một tòa nhà khép kín, mọi sinh hoạt, làm việc đều trong tòa nhà này và không được phép ra ngoài. Tại đây, các đối tượng nước ngoài bắt làm việc từ sáng sớm đến nửa đêm, nếu ai không đạt chỉ tiêu thì bị đánh đập, bỏ đói, thậm chí bán cho một công ty khác.

Đến ngày 18-9, lực lượng chức năng của Campuchia đã tiến hành kiểm tra nên ông chủ ở đây lo sợ, đưa nhóm của Mạnh trốn vào một căn nhà khác. Lợi dụng sự hỗn loạn, nhóm của Mạnh đã nhờ người Việt Nam sinh sống gần đó hỗ trợ, đưa tiền cho bảo vệ để họ làm ngơ cho nhóm này trốn thoát. Sáng 19-9, anh Mạnh gọi thông báo đang ở khu vực đối diện cửa khẩu Mộc Bài, chờ làm việc với cơ quan chức năng Campuchia để về nước.

Xem tin, đọc báo pháp luật tại Soha.
Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
ĐANG HOT

TIN NỔI BẬT SOHA

Các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội phát triển một lĩnh vực có thể “cứu” hơn 14% GDP của đất nước

16/01/2025 10:26

Nếu chinh phục được lĩnh vực này, các doanh nghiệp của Việt Nam không chỉ phát triển vượt bậc mà còn giúp đất nước giải quyết được vấn đề thách thức toàn cầu.

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại

Top