Người ta hay nói rằng, những đứa trẻ con nhà nghèo thường trưởng thành sớm: chăm chỉ, chịu được khổ, tháo vác, hiểu chuyện, dù gặp khó khăn cũng không từ bỏ giữa chừng.
Ngày nay, cơm no áo ấm, vật chất đầy đủ hơn, vậy mà ngược lại, có vài gia đình, dù giàu có hay nghèo khó đi nữa, cũng thường phạm phải một sai lầm lớn.
Đó là "đánh tráo" khái niệm "thương con" thành "dung túng", "nuông chiều quá mức", dẫn đến đứa trẻ trở nên lười biếng, thiếu lễ phép hoặc khả năng sinh tồn kém...
- 01 -
Chiều con quá mức: Hung khí vô hình và cũng là chất độc mãn tính đáng sợ nhất với trẻ!
Vài năm trước, tôi tình cờ xem qua bộ phim "Love crime", và tôi thực sự rất sốc về nó. Mặc dù câu chuyện này hơi cực đoan, nhưng nó đánh vào tâm lý vì rất chân thực.
Ở huyện Sơn La, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, có một thôn dân tên là Dương Tỏa. Lý do anh ta được đặt cái tên này là vì lúc đầu, cha mẹ Dương Tỏa muốn giữ con ở quê hương mãi mãi để yêu thương anh ta cả đời.
Quả thật như vậy, cha mẹ Dương Tỏa chiều chuộng anh ta vô giới hạn.
Theo hồi ức của anh họ Dương Tỏa, hồi nhỏ Dương Tỏa rất thông minh, nhưng đến khi 8 tuổi, mỗi lần ra cửa, cha mẹ anh ta đều cõng anh ta trên lưng để anh ta khỏi tốn sức đi lại.
Dương Tỏa cũng từng thử làm việc, nhưng sau khi ba mẹ anh ta thấy được, liền kêu anh ta qua một bên chơi, đừng để bản thân mệt mỏi.
Mãi khi Dương Tỏa 13 tuổi, cha anh ta qua đời, người mẹ vẫn chiều chuộng anh ta như trước. Nhưng càng về sau, người mẹ càng yếu ớt, chỉ đành bảo Dương Tỏa ra ngoài làm việc. Dương Tỏa không vui nên đã đánh mẹ anh ta.
Mẹ Dương Tỏa vì quá lao lực nên đã mất năm anh ta 18 tuổi. Không có ai chăm sóc, anh ta liền bán từng món đồ trong nhà, gõ cửa người cùng làng xin cơm ăn.
Vì không giặt đồ, nên mặc xong bộ nào anh ta đều vứt đi.
Nhà không có củi đốt sưởi ấm, thịt và rau dân làng cho treo trước nhà, anh ta không nấu ăn mà để đó lâu đến nỗi bốc mùi.
Trời lạnh mà muốn đi đại tiện, Dương Tỏa liền đào cái hố đất trong nhà đi xong rồi chôn lại.
Sống một mình được 5 năm, anh ta không chịu nổi nên đã đi theo cha mẹ luôn.
Bởi vì quá lười biếng, chức năng cơ thể suy giảm, nên cơ thể anh ta ngày một yếu kém, sức khỏe không có, còn không chịu tự làm kiếm sống, nhà cửa thì dơ bẩn, 5 năm trời đã đủ để bào mòn hết sự sống trong người anh ta.
Mà "thủ phạm" của tất cả việc này lại chính là cha mẹ anh ta, người đã nuông chiều thái quá, khiến anh ta tuy "không tàn nhưng phế", dẫn đến những thảm kịch về sau.
Thương con kiểu này, đơn giản chính là một chất độc.
Tôi có quen một chị làm bên nhân sự, chị ấy từng gặp một thực tập sinh, gia cảnh không tốt, nhưng lại không chịu nhân lúc còn trẻ mà cố gắng gây dựng sự nghiệp.
Lúc đầu, chị ấy cũng thương cảm và từng cho cậu ta nhiều cơ hội thay đổi. Nhưng ngược lại, cậu này dùng nhiều chiêu trò, mua mỹ phẩm đắt tiền để lấy lòng người khác nhằm được đề bạt.
Cuối cùng, chị ấy quyết định gạch tên cậu ta ra khỏi danh sách nhân viên chính thức.
Nếu bạn không muốn mở cửa sổ nhìn ra thế giới, sẽ chẳng bao giờ biết được thế giới này có những gì, và những người khác cũng không thể tiếp cận được bạn.
- 02 -
Đừng khiến cả đời đứa trẻ phải sống với cái danh "Phú nhị đại"
Đối với mỗi người chúng ta mà nói, thứ đáng sợ nhất không phải người khác nghĩ về chúng ta thế nào, mà là chính chúng ta nhận định mình thế nào. Sống trong nghèo khó không đáng sợ, ngược lại "trái tim nghèo" mới thực sự đáng sợ.
Trước đây, khi còn là sinh viên, tôi từng dạy thêm ở hai gia đình, một giàu, một nghèo. Điểm chung giữa họ là chiều con vô đối.
Trong gia đình nghèo, người mẹ và người cha ốm yếu, chỉ có cậu con trai độc nhất bị bệnh béo phì. Phòng trọ nhỏ xíu nhưng chỉ đi từ phòng đến cửa, cậu con trai cũng không muốn động chân.
Dù cậu ta đã 14 tuổi, nhưng sáng dậy vẫn có mẹ đánh răng, đem bữa sáng đến sẵn. Có hôm, mẹ cậu ấy nấu cơm trễ, cậu ta còn tát vào mặt mẹ mình. Tôi thực sự không nhịn được mới la một trận, nhưng hôm sau thì chính tôi lại bị đuổi việc rồi.
Bé trai 5 tuổi trong gia đình giàu có thì đỡ hơn, sinh hoạt cá nhân có thể tự làm.
Nhưng có một đặc điểm khó thay đổi chính là thích làm theo ý mình, nếu có ai phản đối, cậu ta sẽ nằm lì dưới mặt đất đạp chân, khóc nháo ăn vạ, và khi đó ba mẹ cậu bé liền vội dỗ dành, đồng ý hết mọi điều kiện của cậu ta.
Người ta hay bảo "Trẻ con không hiểu chuyện", nhưng bạn là người làm cha làm mẹ, đừng để con cả đời cũng trở nên "không hiểu chuyện" như thế.
Đừng để đứa trẻ sau này lớn lên bị gán cái danh "phú nhị đại", lúc đó hối hận cũng đã muộn.
- 03 -
"Tâm lý bù trừ" – nguyên nhân của những sai lầm!
Tại sao lại có nhiều cha mẹ "hại" con lâm vào kết quả xấu như vậy:
Thứ nhất: Bị ảnh hưởng bởi cổ tục "Trọng nam khinh nữ"
Họ nghĩ rằng con gái nuôi tốn bao nhiêu cơm rồi vẫn phải lấy chồng. Ngược lại, con trai lớn lên sẽ ở cùng cha mẹ, là trụ cột gia đình, nuôi cha mẹ lúc về già. Vì vậy hiện tại, họ cần chăm sóc con trai thật tốt.
Thứ hai: Tâm lý bù trừ
Cha mẹ đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn. Lúc nhỏ không có bánh kem ăn, không có đồ chơi; nhà hàng, điện thoại đều là thứ xa xỉ.
Thế nên hiện tại khi đã sống đầy đủ, họ nguyện ý đem hết mọi điều tốt đẹp trên đời dành cho con cái.
Thời nay, không chỉ có những gia đình giàu có mới sinh ra đứa trẻ "phú nhị đại" mà ngay cả những nhà nghèo khó cũng "dưỡng" con thành như vậy.
Nhưng bạn biết không, dù bạn nghĩ rằng "tốt" với con, nhưng thực chất những điều bạn làm đang hại cả đời trẻ.
Một người cha, người mẹ thông minh, không chỉ cần yêu thương, mà còn cần có cách giáo dục trẻ phù hợp nhất!