Thông tin mới về "xá lợi tóc Đức Phật" ở chùa Ba Vàng

Trang Anh |

Theo chùa Ba Vàng, "xá lợi tóc Đức Phật" đã được cung rước về Myanmar. Hiện các bài viết liên quan đến xá lợi cũng đã được gỡ bỏ.

Liên quan đến vụ việc 'xá lợi tóc Đức Phật' gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua, đến chiều ngày 31/12, các thông tin đã được gỡ hoàn toàn trên website chuabavang.com và các trang mạng xã hội của chùa Ba Vàng. Hiện tại chỉ còn duy nhất bài đăng báo cáo về "xá lợi tóc Đức Phật".

Đây là động thái của chùa Ba Vàng sau khi có văn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào sáng cùng ngày.

Cụ thể, sáng 31/12, thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam), cho biết trên VnExpress rằng vài ngày trước đã gửi văn bản đến đại đức Thích Trúc Thái Minh. Giáo hội cho hay các phương tiện truyền thông, trang mạng, dư luận xã hội đã có nhiều ý kiến bình luận không tốt về việc chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) quảng bá và tổ chức lễ "xá lợi tóc Đức Phật".

Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng giải trình sự việc và nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật".

Đến ngày 30/12, chùa Ba Vàng cũng đã có báo cáo về nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" và việc tổ chức sự kiện này gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam như yêu cầu. Văn bản báo cáo cũng được nhà chùa công khai trên trang web của chùa.

Hàng loạt thông tin về xá lợi tóc Đức Phật trên các nền tảng mạng xã hội của chùa Ba Vàng đã được gỡ bỏ

Hàng loạt thông tin về "xá lợi tóc Đức Phật" trên các nền tảng mạng xã hội của chùa Ba Vàng đăng tải như ảnh chụp màn hình trên, nay đã được gỡ bỏ.

Theo báo cáo, chùa Ba Vàng cho biết sau khi diễn ra lễ chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật", có những thông tin trái chiều cho rằng đây là hiện vật giả được làm từ cỏ Pili. Chùa khẳng định "xá lợi của Đức Phật" là biểu tượng tôn giáo cao quý và thiêng liêng. Việc tôn kính xá lợi của Đức Phật "là lễ nghi và niềm tin tôn giáo của đạo Phật".

"Việc làm giả, buôn bán xá lợi giả của Đức Phật ở Việt Nam cần bị lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc đưa tin chùa Ba Vàng mua cỏ Pili làm xá lợi giả để lừa đảo nhân dân, phật tử là sai sự thật...", báo cáo nêu.

"Xá lợi tóc Đức Phật" đã được mang về Myanmar

Trong bản báo cáo, chùa Ba Vàng cũng thông tin về nguyên nhân "xá lợi tóc Đức Phật" xuất hiện ở Việt Nam. Cụ thể, vào tháng 12/2023, nhân chuyến tham quan các thánh tích Phật giáo tại Myanmar, đoàn chư tăng của chùa đã đến chiêm bái "xá lợi tóc Đức Phật" tại tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami. Sau đó, chư tăng nhà chùa đã mời Hòa thượng U Wepulla - Trụ trì tu viện Parami cùng các cao tăng Myanmar tham dự Đại lễ kỷ niệm 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh.

Do yêu mến đất nước và con người Việt Nam nên "Hòa Thượng U Wepulla hứa sẽ cung rước "Xá lợi tóc" của Đức Phật đến chùa Ba Vàng cho Nhân dân, Phật tử Việt Nam chiêm bái".

"Xá lợi" được đưa về chùa Ba Vàng ngày 22/12 và tối ngày 27/12, kết thúc chuyến tham quan Việt Nam, đoàn chư Tăng Myanmar đã cung rước "Xá lợi tóc" của Đức Phật trở lại tu viện Parami.

Thông tin mới về "xá lợi tóc Đức Phật" ở chùa Ba Vàng- Ảnh 2.

Hàng vạn người trước đó đã đổ về chùa Ba Vàng để xem "xá lợi tóc Đức Phật" - Ảnh: FB chùa Ba Vàng

Trong những ngày này, hàng chục nghìn người dân, phật tử đổ về đây chiêm bái hiện vật được cho là "xá lợi tóc" Đức Phật. Trên Fanpage của chùa cũng liên tục đăng tải các hình ảnh về sự kiện này. "Đây là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho hai thương buôn người Myanmar hơn 2.600 năm trước", website chùa Ba Vàng cho hay.

Ngày 29/12, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thẩm định nguồn gốc "xá lợi tóc Đức Phật" trưng bày tại chùa Ba Vàng những ngày qua; chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo. Ban cũng yêu cầu xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm.

Từ hôm nay, nhiều quy định mới quan trọng về tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hiệu lực Từ hôm nay, nhiều quy định mới quan trọng về tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự có hiệu lực

Từ đầu năm 2024, Thông tư 105 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe nghĩa vụ quân sự chính thức có hiệu lực thi hành.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại