"Chốt" thời gian vận hành của "siêu dự án"
Chiều qua (12/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã có buổi tiếp xúc cử tri trên địa bàn quận Ô Môn trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Báo Người lao động dẫn lại thắc mắc của nhiều cử tri về vấn đề dự án điện khí Lô B – Ô Môn được triển khai thực hiện và đã kiểm kê bồi thường vào năm 2010 nhưng sau đó ngưng dự án. Đến năm 2012, dự án được triển khai tiếp và cũng kiểm kê bồi hoàn rồi tiếp tục dừng đến nay.
Cử tri đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm triển khai thực hiện dự án nêu trên vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án.
Đối với ý kiến của cử tri về dự án đường dẫn khí lô B và 3 nhà máy trung tâm nhiệt điện Ô Môn, Thủ tướng cho biết, dự án này có từ năm 2010, năm 2012 mới khởi động rồi tạm ngưng đến nay với nhiều lý do khách quan, chủ quan.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của Chính phủ, thành phố Cần Thơ, cùng các bộ, ngành có liên quan, hiện nay cơ bản giải quyết xong các thủ tục để bắt đầu triển khai. Tổng mức đầu tư dự án dẫn khí lô B và trung tâm nhiệt điện Ô Môn là 12 tỉ USD.
"Năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ lô B và 3 nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2, 3 và 4 sẽ vận hành vào năm 2026-2028", báo Giao thông trích dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Minh Chính.
Trả lời cử tri về dự án trên, ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Chủ đầu tư dự án đang đẩy nhanh tiến độ triển khai, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng; TP đang cùng chủ đầu tư triển khai thực hiện các dự án Nhà máy nhiệt điện 2,3,4.
"Đưa dự án vào khai thác là nhiệm vụ quan trọng và cần được thực hiện thành công"
Trước đó, ngày 30/10/2023, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, đánh dấu bước khởi đầu của "siêu dự án" với quy mô đầu tư gần 12 tỉ USD.
Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, chuỗi dự án khí điện Lô B là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn); Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn 1,2,3,4 ở hạ nguồn.
Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí, là chuỗi dự án khí điện có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay với sản lượng khai thác khí dự kiến 5,06 tỉ m3/năm trong giai đoạn ổn định, cung cấp cho 4 nhà máy nhiệt điện Ô Môn tại Cần Thơ với tổng công suất lắp đặt gần 4.000 MW, có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược cân đối cung cầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển kinh tế - xã hội.
Lô B bao gồm các Lô 48/95 và Lô 52/97, nằm ở khu vực ngoài khơi phía Tây Việt Nam thuộc vùng trũng bề Malay Thổ Chu vùng thềm lục địa của Việt nam, cách bờ biển Cà Mau khoảng 300km, cách trung tâm điện lực Ô Môn Cần Thơ khoảng 400km với độ sâu nước khoảng 77m. Đây là 1 tổ hợp hoàn chỉnh từ khâu khai thác, vận chuyển tới tiêu thụ sản phẩm khí lô B.
Ngày 28/3 vừa qua, theo thông tin trên Báo Quân khu 7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết với đối tác 4 thỏa thuận thương mại cho chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn.
Theo đó, các thỏa thuận được ký kết bao gồm hợp đồng mua bán khí (GSPA) Lô B với các điều khoản cam kết, giao nhận khoảng 5,06 tỉ m3 trong giai đoạn bình ổn.
Thứ 2 là hợp đồng vận chuyển khí. PVN sẽ thuê các chủ vận chuyển đưa lượng khí này về bờ, qua trạm tiếp bờ tại Kiên Giang và tuyến đường ống trên đất liền từ Kiên Giang về Ô Môn.
Thứ 3 là hợp đồng đấu nối, vận hành và dịch vụ (TOSA) giữa các chủ mỏ và chủ vận chuyển.
Thứ 4, lượng khí Lô B sau khi về đến bờ sẽ được PVN phân bổ và cung cấp cho các nhà máy điện tại khu vực Ô Môn.
Lãnh đạo PVN một lần nữa nhấn mạnh PVN luôn coi việc đưa dự án Lô B vào khai thác là nhiệm vụ rất quan trọng và cần được thực hiện thành công.