Thống lĩnh 100.000 quân, Lý Thường Kiệt đã chinh phạt nước Tống như thế nào?

Nắng Hoa |

Đạo quân khổng lồ đó chia làm 2 hướng thủy và bộ, thẳng tiến đánh sang đất Tống, mở ra một cuộc tập kích táo bạo và đầy bất ngờ.

Ý đồ xâm lược Đại Việt trắng trợn của nhà Tống

Lúc bấy giờ ở phương Bắc, nhà Tống đang trở nên suy yếu với những cuộc khởi nghĩa liên tiếp của nông dân nổ ra do mâu thuẫn gay gắt xuất phát từ cuộc cải cách thiếu hiệu quả trong nước, lại cộng thêm sự đe doạ, xâm lấn của các bộ tộc hùng mạnh là Khiết Đan, Đại Liêu, Tây Hạ… 

Vì thế, triều đình nhà Tống đã phải ký các hàng ước trong nhục nhã và phải tiến hành cống nạp cho bộ tộc này.

Thống lĩnh 100.000 quân, Lý Thường Kiệt đã chinh phạt nước Tống như thế nào? - Ảnh 1.

Người Khiết Đan. Hình minh họa.

 Chính vì tình hình bế tắc như vậy, Tống Thần Tông và Vương An Thạch đã lên kế hoạch xâm lược Đại Việt với ý đồ: "Nếu thắng thế Tống sẽ tăng và các nước Liêu, Hạ sẽ phải kiềng nể".

Kế hoạch này nhanh chóng được thực hiện bằng việc tiến hành xây dựng nhiều căn cứ quân sự gần Đại Việt đặc biệt là thành Ung Châu với vị trí hết sức hiểm yếu, tiếp tục xây dựng hơn năm căn cứ khác với mỗi trại hơn ba nghìn quân thường trực (chưa kể đến dân binh, thổ đinh…), ra sức lôi kéo các thủ lĩnh dân tộc miền núi ở vùng biên giới tiếp giáp với hai nước.

Điều chuyển các tướng am hiểu Đại Việt, đóng nhiều chiến thuyền, tiến hành tập trận với quy mô lớn…Ý đồ xâm lược của nhà Tống đối với Đại Việt ngày một lộ rõ trắng trợn.

Cuộc tập kích táo bạo vào đất Tống

Với sự nhanh nhạy về thông tin thu thập được nhất là về các căn cứ quân sự khổng lồ được xây dựng làm bàn đạp tấn công nước ta, vua Lý Nhân Tông và tướng quân Lý Thường Kiệt đã ra sức chuẩn bị kháng chiến, chúng ta tiến hành cho quân đội tập trung củng cố lực lượng để chuẩn bị cho trận đánh lớn trước mắt.

Khi bàn bạc đối sách với vua và nhiều đại thần khác, Lý Thường Kiệt đã ra ý kiến: "Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra đánh trước để chặn thế mạnh của giặc", vị Thái Úy đã huy động một lực lượng khổng lồ hơn 10 vạn quân với nhiệm vụ đập tan cơ sở hậu cần, triệt hạ nơi xuất phát của quân đội nhà Tống.

Cuối năm 1075, nhiều toán quân của Đại Việt từ nhiều nơi đã vượt qua biên giới, hướng đến các mục tiêu là các cứ điểm quân sự nhà Tống, phần lớn cánh quân này là binh lính của các thủ lĩnh, tù trưởng dân tộc miền núi.

Một hướng quân chủ lực từ đường bộ ở Quảng Nguyên, Quang Lang, Tô Mậu do các tướng Tông Đản (nhiều tài liệu ghi nhận là Tôn Đản), Lưu Kỷ, Thân Cảnh Phúc, Vi Thủ An, Hoàng Kim Mãn chỉ huy.

Đạo quân chính do Lý Thường Kiệt trực tiếp thống với quy mô quân lên tới sáu đến mười vạn quân có ngựa, voi, máy bắn đá, tên tẩm thuốc độc… tập trung tại Vĩnh An.

Thống lĩnh 100.000 quân, Lý Thường Kiệt đã chinh phạt nước Tống như thế nào? - Ảnh 2.

Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh Tống. Hình minh họa

Cuối tháng 9, năm 1075 các cánh quân dân tộc đã tiến hành đánh chiếm Cổ Vạn, các cứ điểm khác của quân Tống là Vĩnh Bình, Thái Bình, Tây Bình, Lộc Châu tại Hoành Sơn bị quân Đại Việt nhanh chóng chiếm đóng.

Quân Tống hoảng sợ tháo chạy, vì thế chỉ trong thời gian ngắn phòng tuyến của quân Tống ở Ung Châu bị chọc thủng và tan vỡ.

Ngay sau đó, ngày 30-12-1075, mũi tiến công của Lý Thường Kiệt đã đi theo đường biển tiến vào đánh Khâm Châu, bị đánh bất ngờ nên quân Tống bỏ chạy tán loạn, thừa thế quân nhà Lý tấn công Liêm Châu và nơi đây cũng nhanh chóng thất thủ, tướng nhà Tống ở đây cũng bị bắt giữ với hơn 8.000 thổ binh.

Quân Đại Việt đánh vào đất Tống mà như ra vào chỗ không người, ngày càng tiến sâu vào nội địa, trên đường đi Lý Thường Kiệt còn cho dán cáo thị khắp nơi nói rõ lý do của cuộc chinh phạt.

Ngày 10 tháng Chạp âm lịch, cánh quân của Tông Đản tiến đến Ung Châu hội quân kịp lúc với cánh quân của Thái Úy Lý Thường Kiệt cùng phối hợp vây thành.

Ung Châu được xem là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong cuộc chinh phạt này của Lý Thường Kiệt vì địa thế cực kỳ quan trọng, từ đây sẽ xuất phát như bàn đạp của cuộc tiến quân sang Đại Việt của nhà Tống.

Chính vì thế việc phòng bị của thành hết sức gắt gao, xung quanh được bao bọc bởi hào sâu, tường thành cao và kiên cố, tướng trấn giữ ở đây là Tô Giám, một tướng lão luyện nên ra sức kháng cự quân Đại Việt vì tin tưởng tường thành "bất khả xâm phạm".

Sau nhiều cố gắng, cuối cùng quân ta phải dùng hỏa công kết hợp với nhiều cách đánh độc đáo khác mới hạ được Ung châu.

Sau 42 ngày cầm cự, ngày 23-1-1076 thành Ung Châu bị hạ, Tô Giám tự thiêu, Lý Thường Kiệt cho quân phá thành lấy đá, đất lấp sông ngăn viện quân sau đó tiến đánh Tân Châu và tiêu hủy toàn bộ lương thảo, vũ khí, thành lũy ở đây.

Đạt được mục tiêu đề ra ban đầu, Lý Thường Kiệt cho rút quân về nước. Cuộc "chinh phạt" đất Tống kết thúc.

Nó chính là yếu tố then chốt giúp cho nước ta thời bấy giờ có thêm thời gian chuẩn bị chu đáo cho trận chiến lớn thực sự sau này khi quân Tống xâm lược. Đây là chiến thắng to lớn của chiến lược phòng thủ chủ động của nhà Lý, sự mưu trí của quân dân Đại Việt đã kéo dài thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến đến tận hơn hai năm sau.

Tham khảo từ sách Lịch sử Việt Nam, NXB Trẻ, tập 3, Hội đồng khoa học xã hội TP.HCM-Viện Khoa học Xã hội tại TP.HCM, trang 68,69..76.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại