Hóa đơn bảo hiểm cho ngôi nhà của Robert Shiver đã tăng từ 3.800 USD hồi năm 2022 lên 8.000 USD vào tháng 7/2023.
“Tôi nhớ mình đã mở hóa đơn ra và nghĩ trong đầu ‘Điều này không khả thi tý nào”, anh nói và cho biết mình đã không thể thanh toán hoá đơn cao ngất.
Để giải quyết vấn đề, Shiver buộc phải ký lại hợp đồng với đại lý bảo hiểm, bỏ một số quyền lợi và hạ thấp khoản phúc lợi công ty có thể chi trả, từ khoảng 710.000 USD xuống còn 560.000 USD. Khoản tiền Shiver phải thanh toán hàng năm theo đó giảm xuống dưới 5.000 USD.
Câu chuyện của Shiver gắn liền với khái niệm hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị, trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm ký kết. Tình trạng này trở nên phổ biến và nghiêm trọng hơn trong 3 năm qua, khi lạm phát và biến đổi khí hậu khiến thị trường bảo hiểm biến động.
Thiệt hại do thiên tai đối với các công ty bảo hiểm đã lên tới 100 tỷ USD trong năm thứ tư liên tiếp tính đến năm 2023 và chi phí này đang được chuyển sang chủ sở hữu tài sản. Lạm phát cao buộc các công ty bảo hiểm phải tăng lãi suất để bù đắp cho các yêu cầu bồi thường.
Theo số liệu từ AM Best, các công ty bảo hiểm cung cấp hợp đồng bảo hiểm cho chủ sở hữu nhà ở đã phải chịu khoản lỗ ròng bảo lãnh lên tới 15,2 tỷ USD vào năm ngoái - con số tồi tệ nhất kể từ năm 2000 và cao hơn gấp đôi so với 5 trước đó. Việc dân số ngày càng tăng ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhất là yếu tố chính dẫn tới kết quả trên.
Ông Christopher Graham, nhà phân tích cấp cao của ngành tại AM Best, cho biết: “Dân số ngày càng tăng đồng nghĩa với sự gia tăng lớn hơn trong phát triển bất động sản và do đó giá trị được bảo hiểm cũng cao hơn”.
Ủy viên bảo hiểm của Colorado, Michael Conway, đã phát hiện ra độ nghiêm trọng của vấn đề sau trận cháy rừng gần Boulder. Ông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ phía các chủ nhà, lo lắng rằng hợp đồng bảo hiểm của mình sẽ không chi trả đầy đủ.
Liên bang sau đó đã điều tra và phát hiện ra rằng chỉ có 8% hợp đồng bảo hiểm ở những khu vực ảnh hưởng cam kết chi trả toàn bộ chi phí xây dựng bất kể chúng có cao đến đâu. ⅓ đến ⅔ số ngôi nhà sau cháy chỉ được bảo hiểm dưới giá trị.
Để khắc phục vấn đề, ông Conway và nhóm của mình đã triệu tập cuộc họp vào cuối năm ngoái với các công ty bảo hiểm, nhà thầu xây dựng để lên ý tưởng giúp chủ nhà. Tuy nhiên cho đến nay, không giải pháp nào được tìm ra.
“Chúng tôi rất lo ngại những gì chủ nhà đang gặp phải. Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với áp lực mà họ đối mặt”, ông Conway nói.
Mark Friedlander, đại diện Viện Thông tin Bảo hiểm, phí bảo hiểm nhà ở đã tăng tổng cộng 32% từ năm 2019 đến năm 2023, trong khi chi phí xây dựng và thay thế tăng 55%. Ước tính vào năm 2023, các công ty bảo hiểm nhà ở đã phải chịu khoản lỗ bảo lãnh lớn nhất kể từ năm 2011.
“Mặc dù các thước đo lạm phát đã chậm lại nhưng mức giá vẫn cao hơn nhiều so với trước đây. Nhiều công ty cũng vẫn đang phải chịu áp lực”, nhà kinh tế trưởng Dana Peterson của The Conference Board cho biết.
“Đối với hầu hết người dân, điều họ đang phải đối mặt bây giờ là: Đâu là lựa chọn ít tồi tệ nhất dựa trên mức giá?”, Amy Bach, giám đốc điều hành của United Policyholder, một nhóm vận động phi lợi nhuận giúp người dùng điều hướng các quy trình yêu cầu bồi thường.
Chủ nhà không phải là những người duy nhất cắt giảm phạm vi bảo hiểm. Peachtree Group, một công ty đầu tư bất động sản có trụ sở tại Atlanta, dự kiến khoản khấu trừ đối với một số tài sản sẽ tăng trong năm nay do chi phí bảo hiểm phi mã.
“Phí bảo hiểm của nhiều chung cư có thể tăng gấp đôi hoặc gấp ba. Thay vì trả phí bảo hiểm cao hơn, chủ sở hữu chấp nhận từ bỏ một số quyền lợi”, Sue Savio, một đại lý bảo hiểm ở Honolulu, cho biết.
“Tôi đã nói chuyện với nhiều chủ nhà và họ đang chọn cách bỏ qua thiệt hại do gió gây ra”, Brian Gray, giám đốc điều hành UBS, nơi có nhóm quản lý tài sản phục vụ một số cư dân giàu có nhất Tampa, cho biết.
Theo WSJ, bán bảo hiểm đang trở thành một trong những nghề khó kiếm ăn tại California. Chi phí tăng cao, nhiều hợp đồng bị hủy bỏ.
“Mọi thứ khó khăn lắm. Không có ngày nào tốt lành cả”, Harper, chủ công ty bán bảo hiểm nói và cho biết thiệt hại chủ yếu do cháy rừng, hạn hán và lũ lụt.
Charles Symington, giám đốc điều hành Cơ quan môi giới và đại lý bảo hiểm độc lập Mỹ cho biết, vấn đề đang vượt ra ngoài California và Florida.
“Hàng ngày chúng tôi phải đối mặt với những vị khách hàng tức giận và quẫn trí. Chúng tôi hoàn toàn hiểu được nỗi lo lắng của họ. Chúng tôi cũng gặp phải những vấn đề tương tự trong cuộc sống gia đình và công việc kinh doanh”, Angelyn Treutel Zeringue, chủ tịch Gulf Coast của South Group Insurance Services, nói.
Theo David Sampson, giám đốc điều hành Hiệp hội Bảo hiểm Tai nạn Tài sản Mỹ, các công ty bảo hiểm buộc phải tăng lãi suất để bù đắp lạm phát và những tổn thất lớn do bão và hỏa hoạn. Khu vực California đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề.
“Các đại lý và nhà môi giới California đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng. Chúng tôi hiểu nỗi đau mà họ đang phải trải qua”, David Sampson nói.
“Lạm phát và chất lượng lao động luôn là một vấn đề phức tạp, khó khăn đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ và họ không tin rằng tình hình sẽ tốt hơn trong năm 2024”, nhà kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB cho biết trong một thông cáo.