Ba văn kiện “kết nối mềm” quan trọng giúp hàng Việt Nam sẽ tiến sâu hơn vào Trung Quốc là gì?

Minh Hằng |

Đây là ba trong số 10 văn kiện hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa được trao trước sự chứng kiến của hai Thủ tướng.

Tại Hà Nội, ngày 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chứng kiến việc trao 10 văn kiện hợp tác quan trọng. Trong đó có 3 văn kiện "kết nối mềm". 

Thứ nhất, Biên bản ghi nhớ thành lập nhóm công tác nghiên cứu mô hình xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc. 

Thứ hai, kế hoạch hành động giữa hải quan hai bên sau thỏa thuận công nhận "doanh nghiệp ưu tiên" lẫn nhau. 

Thứ ba, Bản ghi nhớ về triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc, cụ thể là giữa CTCP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International.

Ba văn kiện “kết nối mềm” quan trọng giúp hàng Việt Nam sẽ tiến sâu hơn vào Trung Quốc là gì? - Ảnh 1.

Hai Thủ tướng chứng kiến trao Bản ghi nhớ giữa Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) với Công ty UnionPay International về việc triển khai dịch vụ thanh toán xuyên biên giới qua mã QR giữa Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: VGP

Đây được cho là các văn kiện góp phần tăng thêm "kết nối mềm" giữa hai nền kinh tế, góp phần cùng với đường sắt (kết nối cứng) nhằm tăng hiệu quả về vận chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực như nông sản, thiết bị cơ khí, linh kiện điện tử cho sản xuất và tiêu dùng trong thời gian tới.

Tăng cường hợp tác kết nối đường sắt Việt Nam – Trung Quốc

Ba văn kiện “kết nối mềm” quan trọng giúp hàng Việt Nam sẽ tiến sâu hơn vào Trung Quốc là gì? - Ảnh 2.

Sáng 13/10, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến ngày 14/10. Ảnh: VGP

Trước đó, trong cuộc hội kiến vào tối 12/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã nhất trí ưu tiên việc thúc đẩy hợp tác kết nối đường sắt giữa hai nước.

Vấn đề này cũng được tiếp tục nêu ra tại cuộc hội đàm vào ngày 13/10 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cùng với những đề xuất khác trong hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư…

Trong đó, có 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc, bao gồm Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.

Cũng tại hội đàm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục tiến hành phối hợp triển khai hiệu quả những văn kiện về hợp tác đường sắt đã ký kết, đồng thời hợp tác phát triển ngành công nghiệp đường sắt hiện đại.

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc cung cấp về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực nhằm triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn trên. Ngoài ra, để giao thương giữa hai nước thuận lợi hơn nữa, Thủ tướng cho rằng cần nâng cao hiệu suất thông quan ở các cửa khẩu và thúc đẩy nâng cấp "kết nối mềm" về hải quan thông minh. Đồng thời cần tích cực phối hợp nghiên cứu cũng như đề xuất những mô hình mới để triển khai hợp tác kinh tế qua biên giới giữa hai nước.

Ba văn kiện “kết nối mềm” quan trọng giúp hàng Việt Nam sẽ tiến sâu hơn vào Trung Quốc là gì? - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, trước giờ hội đàm ngày 13/10. Ảnh: VGP

Tán thành và đánh giá cao những đề xuất hợp tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Lý Cường cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa hơn nữa cho hàng hóa từ Việt Nam, đặc biệt là nông thủy sản, hoa quả chất lượng cao. Phía Trung Quốc sẽ phối hợp tạo điều kiện thuận lợi về kiểm dịch, thông quan hàng hóa và sẵn sàng giải quyết vướng mắc về chính sách để quan hệ thương mại hai nước tăng trưởng bền vững và đạt thành quả mới.

Thủ tướng Trung Quốc đề nghị hai bên tăng cường kết nối chiến lược, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng giao thông, thúc đẩy hợp tác về kinh tế - thương mại, đầu tư, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nông nghiệp, hợp tác duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất.

Cùng ngày 13/10, tại tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ mong muốn được tham gia vào những dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam, trong đó có các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc; đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam của Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Trung Quốc muốn có hợp tác trong xây dựng thành phố thông minh, sản xuất thông minh, xây dựng những trung tâm dữ liệu… để cùng với Việt Nam phát triển xanh và bền vững.

Trong những năm qua, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.

Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2023 đạt 171,9 tỷ USD. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt 130,78 tỷ USD, tăng 25% so cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam năm 2023 đạt 4,47 tỷ USD, với 707 dự án. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ 4 tại Việt Nam về số vốn đăng ký và lớn nhất về số lượng dự án.

Lũy kế đến tháng 8/2024, Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 29 tỷ USD, đứng thứ 6 trong 148 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với hơn 4.800 dự án.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại