Thói quen dùng bình siêu tốc của nhiều nhà chẳng khác gì "bom nổ chậm": Hoả hoạn không kịp trở tay

Thu Phương |

Nhiều gia đình vẫn chủ quan dùng bình siêu tốc theo cách này mà không hề biết nó tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhắc đến loạt thiết bị gia dụng, thiết bị điện quen thuộc trong các gia đình hiện nay, không thể bỏ qua cái tên bình, ấm đun nước siêu tốc. Đúng như tên gọi, thiết bị giúp rút ngắn thời gian đun nước sôi cho người dùng. Chỉ trong khoảng 2-3 phút, người dùng đã có nước để phục vụ cho nhu cầu sử dụng cá nhân.

Cũng chính bởi đã quá quen thuộc và dễ sử dụng, nhiều gia đình thường chủ quan khi dùng bình siêu tốc. Cụ thể có một thói quen được ví chẳng khác nào biến thiết bị thành một "quả bom nổ chậm" ngay trong ngôi nhà. Đó là việc bật thiết bị hoạt động mà không giám sát, theo dõi, thậm chí bỏ quên và ra ngoài.

Thói quen dùng bình siêu tốc của nhiều nhà chẳng khác gì "bom nổ chậm": Hoả hoạn không kịp trở tay- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ


Ví dụ gần nhất là mới đây, vào khoảng 18h00 ngày 15/7 xảy ra vụ hoả hoạn tại một căn hộ chung cư thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do chủ nhà sơ suất bất cẩn, đun nước trên bộ bàn ghế sofa, sau đó để quên đi ra ngoài. May mắn vụ việc không để lại hậu quả nghiêm trọng và không có thiệt hại về người.

Vì sao vẫn cần "theo dõi" bình siêu tốc?

Trên thực tế, đây không phải là trường hợp đầu tiên, bình siêu tốc bị chập, cháy trong quá trình hoạt động, từ đó gây hoả hoạn cho gia đình. Nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng cảnh báo người dùng, ngay cả khi thời gian đun nước chỉ kéo dài chưa tới 5 phút, tốt nhất vẫn cần sự giám sát, theo dõi khi thiết bị hoạt động.

Một người dùng ở Mỹ Đình, Hà Nội từng chia sẻ, bình siêu tốc nhà mình vừa bật lên thì bốc khói nghi ngút, xuất hiện tia lửa điện rồi sau đó có lửa bùng to từ vị trí ấm. Ngay lập tức, các thành viên trong gia đình có mặt tại thời điểm đó đã tiến hành tắt aptomat thiết bị rồi dùng nước dập lửa. Bởi vậy, tình huống mới được xử lý kịp thời.

Thói quen dùng bình siêu tốc của nhiều nhà chẳng khác gì "bom nổ chậm": Hoả hoạn không kịp trở tay- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ


KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, nguyên lý của ấm siêu tốc khá đơn giản, giống như một chiếc bếp điện nhưng có dòng điện lớn hơn. Khi cho nước vào ấm, nước sẽ tạo ra áp lực làm lạnh bộ phận đốt nóng phía đáy ấm. 

Khi bật công tắc điện, bộ phận đốt nóng này sẽ nóng dần lên, dòng điện do đó cũng lớn hơn so với bếp thường. Khi nhiệt độ đạt đến 100 độ C thì rơ le nhiệt ở phía tay cầm sẽ giãn nở và tự ngắt điện. Đế của ấm siêu tốc là một vành dây có gờ để ấn rơle với phần tiếp xúc và nối với rơle nhiệt cầm tay.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, có thể qua thời gian dài hay bình kém chất lượng, bộ phật tự ngắt hay các bộ phận cách điện của thiết bị hoạt động không được tốt. Từ đó xảy ra hiện tượng chập cháy. 

Thói quen dùng bình siêu tốc của nhiều nhà chẳng khác gì "bom nổ chậm": Hoả hoạn không kịp trở tay- Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ


Bởi vậy tốt hơn hết, người dùng nên luôn túc trực bên thiết bị, hay ít nhất là để thiết bị hoạt động trong tầm mắt, tầm kiểm soát của mình để xử lý kịp thời trong tình huống xảy ra sự cố. Đặc biệt khi bình được đặt trong bếp hay gần nhiều thiết bị điện khác. Nếu không có sự theo dõi và để mắt, khả năng cháy lan dẫn tới hoả hoạn nghiêm trọng là rất lớn. 

Những dấu hiệu cho thấy cần thay bình siêu tốc mới

Bên cạnh theo dõi thiết bị trong quá trình hoạt động, người dùng cũng cần sửa chữa, thậm chí thay mới bình siêu tốc ngay khi phát hiện một số dấu hiệu bất thường.

1. Nước đã sôi nhưng bình không tắt

Đầu tiên và cũng được xem là dấu hiệu thường gặp nhất ở những chiếc bình siêu tốc "đã hết date", đó là nước trong bình đã được đun sôi nhưng bình không tự động ngắt, tắt điện. Dấu hiệu này cho thấy bình đã bị hỏng rơ le, khiến chức năng tự ngắt điện của bình mất dần.

Nếu người dùng tiếp tục sử dụng lâu ngay, nguy cơ xảy ra chập cháy nguy hiểm sẽ là rất lớn. Đặc biệt là khi để bình trong khu vực bếp, gần loạt thiết bị điện, sinh nhiệt cao khác.

Thói quen dùng bình siêu tốc của nhiều nhà chẳng khác gì "bom nổ chậm": Hoả hoạn không kịp trở tay- Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ

2. Bình tắt nhưng nước chưa sôi

Ngược lại với dấu hiệu đầu tiên đó là: Bình đã tắt nhưng nước bên trong lại chưa được đun sôi. Lỗi này tuy không quá nghiêm trọng và gây mất an toàn, tuy nhiên lại gây bất tiện trong quá trình sử dụng của người dùng.

3. Bên trong bình bị gỉ sét

Với những gia đình thường xuyên sử dụng bình siêu tốc, đặc biệt lại không vệ sinh bên trong bình, hiện tượng gỉ sét là rất dễ gặp. Chúng có thể bị đóng cặn, gỉ sét, từ đó khiến hiệu quả truyền nhiệt của thiết bị suy giảm rõ rệt, tăng thời gian đun nước, từ đó tốn nhiều điện năng hơn.

Ngoài ra, các vết rỉ sét hay cặn đóng bên trong bình có thể nhiễm vào nước, từ đó tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ người sử dụng.

Thói quen dùng bình siêu tốc của nhiều nhà chẳng khác gì "bom nổ chậm": Hoả hoạn không kịp trở tay- Ảnh 5.

Ảnh minh hoạ

4. Xuất hiện mùi khét

Mùi khét là dấu hiệu của hoả hoạn, chập cháy. Nó có thể xuất hiện ở bình siêu tốc khi bình bị chập mạch hoặc đứt, gãy các đường dây điện, có thể gây nổ bất cứ lúc nào. Bởi vậy khi phat hiện hiện tượng này, người dùng cần thay thế bình mới ngay.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại