Thảo luận tại phiên họp Quốc hội ngày 26/10, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) quan tâm tới thực trạng lợi dụng dịch bệnh COVID-19, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế để phục vụ cho phòng, chống dịch.
Theo ông Sơn, kết quả điều tra vụ án xảy ra CDC Hà Nội cho thấy các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh, đang được các cơ quan chức năng hoàn tất các trình tự thủ tục ở giai đoạn cuối cùng.
Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ: Có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các CDC của các địa phương và tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác?
“Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, để cho dân nhờ”, đại biểu đoàn Đà Nẵng nêu.
Số vụ hiếp dâm trẻ em tăng hơn 30%
Trong khi đó, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, người dân vẫn chưa thật sự yên tâm khi thấy rằng, trong thời gian vừa qua, tuy một số loại tội phạm giảm so với những năm trước nhưng ở một số lĩnh vực cụ thể tội phạm lại có xu hướng diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
Đại biểu viện dẫn, trong báo cáo có nêu một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, ví dụ như là: hiếp dâm tăng 13,51%, đặc biệt trong đó là hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%, gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%, chống người thi hành công vụ tăng, riêng số vụ chống lại lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ tăng tới 260%...
Điều này đã gióng lên hồi chuông về sự coi thường pháp luật, sự xuống cấp về đạo đức xã hội nghiêm trọng ở một bộ phận trong xã hội.
“Lợi dụng dịch COVID-19 bùng phát, một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức đã cấu kết với kẻ xấu ngoài xã hội có hành vi trục lợi, như vu khống, các vụ nâng khống thiết bị y tế ở Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội.
Một số người cũng đã có hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sản xuất hàng giả là hàng hóa trang thiết bị phục vụ công tác phòng bệnh, thu gom vật tư y tế đã qua sử dụng để tái chế. Một số người cũng đã kê khai không đúng đối tượng để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước”, bà Lan cho hay.
Đại biểu đoàn Bắc Giang đánh giá, việc đề ra các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi chưa kịp thời và chưa được quan tâm đúng mức.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phản ánh việc cử tri lên án gay gắt và đề nghị Chính phủ, các ngành chức năng cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật khi các đơn vị chức năng mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt là các hành vi nâng khống giá các thiết bị y tế, trục lợi từ chính sách xã hội hóa về dịch vụ khám, chữa bệnh.
“Họ đã lợi dụng khó khăn do thiên tai, bão lụt để đầu cơ, tích trữ, nâng giá, gian lận thương mại các mặt hàng thiết yếu, hưởng lợi trên sự đau khổ của nạn nhân, mà đa số trong số họ là những người đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn”, đại biểu cho hay.