Thời điểm Campuchia động thổ kênh đào Funan có liên hệ mật thiết với ông Hun Sen thế nào?

PV |

Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói dự án kênh đào Funan Techo là một biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc.

Theo Fresh News Asia, lễ động thổ kênh Funan Techo sẽ diễn ra vào đúng ngày 5/8 - sinh nhật của Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, người đã khởi xướng dự án.

"Dự án này có ý nghĩa đặc biệt vì nó thể hiện tinh thần chủ nghĩa dân tộc, được ủng hộ bởi các đảng phái chính trị khác nhau, ngoại trừ một nhóm cực đoan nhỏ ở nước ngoài. Nó được công nhận là phục vụ cho lợi ích của tất cả người dân Campuchia. Đây là một dự án đặc biệt mà chúng ta phải làm việc cùng nhau và tôi bày tỏ lòng biết ơn vì cơ hội này," Thủ tướng Hun Manet phát biểu hôm 1/7 tại lễ kỷ niệm Ngày Cá quốc gia ở tỉnh Kampong.

Theo truyền thông Campuchia, kênh đào Funan có chiều dài khoảng 180km hướng đến kết nối đường thủy từ sông ra biển, đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep. Công trình dự kiến tiêu tốn khoảng 1.7 tỷ USD, trong đó 51% vốn đầu tư đến từ phía Campuchia - theo Thủ tướng Hun Manet.

Thời điểm Campuchia động thổ kênh đào Funan có liên hệ mật thiết với ông Hun Sen thế nào?- Ảnh 1.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet (Ảnh: Fresh News Asia)

Hồi tuần trước, ông Hun Sen đã đề nghị chính phủ Campuchia kêu gọi tất cả tự viện Phật giáo ở nước này gióng trống, cũng như tổ chức bắn pháo hoa tại các địa điểm khác nhau vào ngày 5/8 để thể hiện sự ủng hộ đối với dự án kênh Funan Techo.

"Tôi đề nghị rằng vào ngày 5/8, trong lễ động thổ kênh đào, chính phủ sẽ chỉ thị các tự viện và các cơ sở khác đánh trống và làm mọi điều có thể để kỷ niệm dịp này," ông Hun Sen nói ngày 28/6 nhân lễ kỷ niệm 73 năm thành lập đảng Nhân dân Campuchia (CPP) mà ông là Chủ tịch đảng.

"Vào tối ngày 5/8, pháo hoa nên được bắn lên ở bất cứ nơi nào có thể nhằm thể hiện sự ủng hộ và khích lệ đối với việc thực hiện dự án."

Ông Hun Sen tuyên bố kênh Funan sẽ củng cố kết nối ra biển của Campuchia "cho hàng chục nghìn năm nữa" và không cần phải đi qua các nước khác. Ông cũng cho rằng công trình này sẽ trở thành một hệ sinh thái chủ chốt ở vùng tây nam Campuchia, đồng thời "giúp Campuchia tăng cường vị thế độc lập chính trị thông qua vận tải đường thủy".

Theo thông tin hồi tháng 5 của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, Ủy ban đã trao đổi song phương với phía Campuchia ở các cấp để nêu quan ngại của Việt Nam về tác động của dự án kênh đào Funan Techo tới đồng bằng sông Cửu Long và đề nghị phía Campuchia chia sẻ các thông tin chi tiết về Dự án.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng hôm 5/5 cho biết Việt Nam mong muốn phía Campuchia "tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mê Kông chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mê Kông cùng các biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông, quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước và tài nguyên nước sông Mê Kông, vì sự phát triển bền vững của lưu vực, tình đoàn kết gắn bó giữa các quốc gia ven sông và tương lai của các thế hệ mai sau".

Theo bà Hằng, Việt Nam luôn ủng hộ, vui mừng và đánh giá cao về những thành tựu Campuchia đã đạt được trong thời gian qua. Đối với dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mê Kông 1995, phù hợp với các quy định liên quan của Ủy hội sông Mê Kông và quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại