01
Vì quan hệ công việc, hầu hết đồng nghiệp của tôi đều làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cũng giống như ấn tượng của nhiều người, trai công nghệ thường chỉ biết công việc, không nói nhiều, lúc nói chuyện còn kèm theo một chút ngại ngùng.
"Làm tốt công việc của mình là được", đây là câu nói mà tôi thường được nghe nhất.
Nhưng, vài năm trở lại đây tôi phát hiện ra rằng suy nghĩ này thực ra rất miễn cưỡng.
Vài ngày trước, đồng nghiệp H. cạnh tranh với một đồng nghiệp khác cho chức tổng giám một dự án.
Vốn dĩ năng lực và kinh nghiệm của H. chiếm ưu thế, nhưng giai đoạn đó, người đồng nghiệp kia lại vô cùng cần mẫn, buổi tối không có việc gì sẽ ở lại tăng ca, còn chủ động viết tổng kết dự án cho Boss.
Trong một lần tình cờ, H. nghe ngóng được từ phía trợ lý của sếp rằng dạo gần đây sếp khá hài lòng với vị đồng nghiệp kia, khen ngợi cậu ta tích cực làm việc.
Cộng với việc trước đó H. cũng từng tranh cãi với sếp, nhưng lại không chủ động đi giải thích rõ ràng, ít nhiều cũng để lại ấn tượng xấu với sếp.
H. tủi thân tìm tôi ca thán.
"Làm công nghệ quả thực thiệt thòi, lãnh đạo thường thích mấy người "mặt dày", biết ăn nói lại thích thể hiện!"
Đứng từ góc độ của H., tôi rất hiểu.
Nhưng lăn lội nhiều năm như vậy, tôi phát hiện ra một điều rằng:
Người "mặt dày", "không biết xấu hổ" thường phất lên tốt hơn.
Mặt dày, không biết xấu hổ ở đây không phải chỉ sự cạnh tranh không lành mạnh, mà là sự chủ động xuất kích, chủ động thể hiện.
Bạn có thể đã nghe qua những câu nói như này, "vàng thật không sợ lửa", "rượu thơm không sợ ngõ sâu" … hiểu đơn giản thì đều có nghĩa là "nói ít lại, làm nhiều lên".
Câu nói này không sai, nhưng ở nơi làm việc, lại rất dễ khiến bạn phải chịu thiệt thòi lớn.
Rất nhiều người cho rằng chỉ cần mình chăm chỉ cần cù, một ngày nào đó lãnh đạo nhất định sẽ nhìn thấy.
Nhưng bạn đang nghĩ gì vậy… lãnh đạo một ngày bao nhiêu việc, bận tới chóng mặt, làm gì có thời gian để đi tìm tòi và nhận biết ưu điểm của từng nhân viên?
Một người, muốn có được sự công nhận, muốn có được cơ hội, vậy thì phải biết thể hiện mặt tốt nhất của mình ra.
Chúng ta luôn lo lắng rằng, mình chủ động thể hiện, liệu có khi nào sẽ bị đồng nghiệp và lãnh đạo gắn cho cái mác "nịnh nọt, thích thể hiện"?
Nhưng trên thực tế, lãnh đạo chưa chắc đã nghĩ như vậy.
Công ty nhiều người như vậy, chủ động để lãnh đạo biết thành quả công việc, kế hoạch công việc, mục tiêu công việc, ở một mức độ nào đó chính là một trong những trách nhiệm công việc của bạn.
02
Không chỉ trong công việc, mà trong cuộc sống, cũng có rất nhiều người vì không dám "mặt dày", không dám chủ động mà tạo ra nhiều tình huống đáng tiếc.
Tôi có một người bạn, yêu thầm một đồng nghiệp của bộ phận bên cạnh, muốn tỏ tình nhưng lại sợ bị từ chối, chỉ dám giả vờ đụng trúng trên đường vào làm.
Kết quả, bị một đồng nghiệp khác cuỗm tay trên.
Người ta làm thế nào?
Xin Facebook, rủ đi ăn, tặng hoa, tổ chức rủ mấy đồng nghiệp thân thiết của cô ấy cùng đi dã ngoại, đủ các "chiêu trò", làm sao cho bàn dân thiên hạ thấy được thành ý.
Phương pháp chẳng có gì đặc biệt ngoài 4 chữ tích cực và chủ động.
Bạn do dự không dám nói ra, vậy bạn sẽ chỉ là một trong những đối tượng yêu thầm của cô gái đó, cô ấy đến bạn nghĩ như nào cũng không dám chắc, tỷ lệ người ta trở thành bạn gái của bạn liệu có cao nổi không?
Ngược lại nếu như bạn thể hiện ra, bạn bỏ ra cái vốn "mặt dày, dám mất mặt", đổi lại sẽ là khả năng có thể "ở bên nhau".
Lại nói tới K., một lập trình viên mà tôi quen biết. Trong một lần khi tham gia hoạt động về IT, một nguyên lão trong ngành mà cậu ấy rất ngưỡng mộ cũng xuất hiện trong vị trí khách mời đặc biệt.
K. thuộc vào kiểu không giỏi ăn nói, do dự 3,4 lần mới dám chủ động chạy tới mở lời với vị tiền bối kia.
"Chào tiền bối, tôi dạo gần đây cũng đang nghiên cứu về khung XX, có vài vấn đề tôi muốn được thỉnh giáo tiền bối, không biết như vậy có được không?"
Vị tiền bối đó nói hiện tại không rảnh, sau đây còn có mấy việc gấp cần giải quyết.
Cậu ấy đang định nói rằng "Xin lỗi đã làm phiền" thì đối phương đột nhiên nói "Hay là chúng ta trao đổi Zalo trước? Cậu gửi vấn đề của cậu cho tôi, rảnh rỗi tôi sẽ xem."
Dùng lời của K. để miêu tả thì khi đó, cả thế giới như được bừng sáng.
Tạm thời bỏ xuống lòng tự tôn, sự xấu hổ, do dự, dám chủ động thể hiện ra, đồng nghĩa với việc cho mình một tấm vé để bước vào một thế giới mà mình chưa biết.
03
Con người ta muốn sống thành công, sống sao cho không hối tiếc thì nhất định không được nóng vội, sợ hãi hay sĩ diện.
Khi bạn vượt qua được sĩ diện, trở nên tích cực, chủ động hơn, bạn sẽ phát hiện ra rất nhiều chuyện thực ra đơn giản hơn rất nhiều.
Bạn sợ người khác không thấy được tài hoa của mình? Vậy thì hãy chủ động thể hiện cho họ thấy.
Bạn sợ bị từ chối? Nhưng không thử thì làm sao biết được?
Bạn sợ kết quả không được như kì vọng? Nhưng mỗi một kết quả mỹ mãn đều được tạo thành từ vô số những thất bại. Edison trước khi tạo ra được một bóng đèn còn thất bại hơn 1.200 lần cơ mà.
Vì vậy, đừng tự mình an ủi mình nữa.
Lần sau, khi gặp những chuyện tương tự, hãy tự hỏi mình: sĩ diện đáng giá mấy đồng? Không chủ động lên thì bao giờ mới thành?
Dẫu sao thì muốn thắng cho đẹp thì trước tiên phải học được cách thua đã.