"Thoả thuận thế kỷ": Thiên vị Israel, ông Trump khó lòng hóa giải mâu thuẫn đẫm máu kéo dài hàng trăm năm

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Công bố "Thỏa thuận thế kỷ" vào thời điểm này, ông Trump sẽ đạt được nhiều mục tiêu của mình và giúp được ông Netanyahu thoát khỏi rắc rối trong vấn đề nội chính.

Cuối cùng, sau hơn hai năm chờ đợi, ngày 28/1/2020 tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu với sự có mặt của Benny Gantz, Thủ lĩnh đảng "Xanh - Trắng", ứng cử viên sáng giá cho chức vụ Thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới, đã công bố nội dung chi tiết của "Thỏa thuận thế kỷ" nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine kéo dài hơn 70 năm nay.

Tổng thống D. Trump tuyên bố giai đoạn chuẩn bị trước khi bắt đầu thực hiện kế hoạch sẽ kéo dài khoảng 4 năm. Đây là thời gian để Palestine xem xét đồng ý với "thỏa thuận thế kỷ".

Nội dung chính của "Thoả thuận thế kỷ"

Kế hoạch của Trump gồm hai phần: chính trị và kinh tế. Kế hoạch này công nhận hai quốc gia - Ả Rập và Do Thái. Lãnh thổ của Palestine sẽ bao gồm Bờ Tây và Dải Gaza, được nối với nhau bằng một con đường cao tốc xây ngầm dưới mặt đất. Một tấm bản đồ Nhà nước Palestine tương lai được đính kèm theo kế hoạch này.

Theo kế hoạch này, 30-40% lãnh thổ Bở Tây sẽ thuộc về Israel, 40% sẽ thuộc về Palestine. Quy chế của khoảng 30% lãnh thổ còn lại vẫn chưa được xác định.

Tuy nhiên, Mỹ đã nói rõ với Jordan và Chính quyền Palestine rằng, những vùng lãnh thổ này sẽ trở thành một phần của Nhà nước Palestine trong tương lai. Như vậy, Palestine sẽ chiếm 70% lãnh thổ Bờ Tây và Israel sẽ chiếm khoảng 30%.

Tất cả các khu định cư của người Do Thái sẽ vẫn được giữ nguyên, bao gồm cả 15 khu định cư ở xa không gắn liền với các vùng lãnh thổ cũng sẽ được sáp nhập vào Israel. 60 chốt tiền đồn trên vùng lãnh thổ Bờ Tây với khoảng 3.000 người định cư sinh sống sẽ được dỡ bỏ.

Trong thời gian 4 năm, Israel có thể xây dựng nhà ở và các dự án đã được phê duyệt bên trong các khu định cư, nhưng sẽ không được mở rộng ranh giới hoặc khởi công các công trình mới.

Thoả thuận thế kỷ: Thiên vị Israel, ông Trump khó lòng hóa giải mâu thuẫn đẫm máu kéo dài hàng trăm năm - Ảnh 1.

Bản đồ Nhà nước Palestin đính kèm kế hoạch hòa bình của Tổng thống Trump. Màu xanh là lãnh thổ dành cho Nhà nước Palestine trong tương lai

Jerusalem là Thủ đô thống nhất, không chia cắt của Israel, bao gồm cả khu thành cổ và Núi Đền. Các thánh địa sẽ do Israel và Palestine cùng nhau quản lý. Đông Jerusalem sẽ là Thủ đô của Palestine. Đông Jerusalem ở đây có nghĩa là vùng Abu Dis thuộc ngoại ô, chứ không phải phần phía Đông của thành phố.

Ngoài ra, chính quyền Palestine phải ngừng ủng hộ phong trào Hamas hoạt động ở Dải Gaza và từ bỏ các hình thức đấu tranh vũ trang. Israel sẽ đóng băng chương trình xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine trong 4 năm. Thời gian này được dành để đàm phán về việc hình thành nhà nước Palestine.

Phần kinh tế trong kế hoạch của Trump là cung cấp 50 tỷ USD cho các dự án khác nhau ở Bờ Tây và Dải Gaza, cũng như ở Ai Cập, Jordan và Lebanon. Để thực hiện mục tiêu này, một quỹ đầu tư sẽ được thành lập để hỗ trợ các dự án này trong 10 năm.

Mỹ không loại trừ kế hoạch này có thể được hoàn thiện có tính đến quan điểm của tất cả các bên. Theo Jared Kushner, cố vấn cấp cao và là con rể của Trump, các điều khoản trong "Thỏa thuận thế kỷ" không phải là cuối cùng, có thể được bổ sung thông qua đàm phán.

Mục tiêu Tổng thống D. Trump đưa ra kế hoạch hòa bình là gì?

Việc Tổng thống D. Trump và Thủ tướng B. Netanyahu công bố "Thoả thuận thế kỷ" vào thời điểm này được coi là một hành động "nhất cử lưỡng tiện". Thời điểm đưa ra "Thoả thuận thế kỷ" là thuận lợi về mặt chính trị đối với cả Trump và Netanyahu vì những rắc rối chính trị, pháp lý giống nhau và các cuộc bầu cử sắp xảy ra tại Mỹ và Israel.

Tổng thống D. Trump, đang bị luận tội trước Quốc hội. Cuộc vận động tranh cử Tổng thống ở Mỹ đã được khởi động. Kế hoạch hòa bình đã được chuẩn bị từ hơn hai năm nay, nhưng bây giờ mới đưa ra, mục đích trước tiên của Trump là nhằm giảm bớt sự chú ý của dư luận trong nước đang chĩa vào ông và sau đó là tranh thủ sự ủng hộ của giới Do Thái trong chính quyền và xã hội Mỹ trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11/2020 tới.

Thoả thuận thế kỷ: Thiên vị Israel, ông Trump khó lòng hóa giải mâu thuẫn đẫm máu kéo dài hàng trăm năm - Ảnh 2.

Thánh địa Jerusalem, vùng đất thiêng bị tranh chấp trong hàng nghìn năm lịch sử. Ảnh: CNN

Việc công bố kế hoạch giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine của Tổng thống D. Trump diễn ra vào thời điểm hết sức quan trọng đối với cả Thủ tướng B. Netanyahu, người đang phải đối mặt với phiên tòa về tội tham nhũng, hối lộ, gian lận và cũng đang muốn tranh cử lại thêm một nhiệm kỳ nữa tại cuộc bầu cử ngày 2/3/2020 tới.

Kế hoạch này có thể giúp ông B. Netanyahu tránh được một phiên tòa xét xử ông và tranh thủ được sự ủng hộ của các đảng cực hữu đang chiếm đa số tại chính trường Israel. Trong trường hợp B. Netanyahu thất cử thì Tổng thống D. Trump vẫn giữ được quan hệ với Benny Gantz, Thủ lĩnh đảng "Xanh - Trắng", người cũng được mời đến Nhà Trắng dự lễ công bố kế hoạch hòa bình.

Phản ứng của các nước Ả Rập và quốc tế đối với kế hoạch hòa bình của D. Trump

Dư luận Ả Rập và quốc tế đã có những phản ứng khác nhau về kế hoạch hòa bình của Tổng thống D. Trump giữa những nước bác bỏ và ủng hộ việc nghiên cứu kế hoạch này một cách cẩn thận trước khi phán xét.

Các quốc gia Trung Đông phản ứng khác nhau về kế hoạch hòa bình của D. Trump. Palestine, kể cả phong trào Fatah và Hamas là một bên trong cuộc xung đột, Syria, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ... đã bác bỏ kế hoạch này.

Trong khi đó, các nước khác như Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Jordan, Qatar, Oman, Ai Cập, Morocco..., tỏ ra ủng hộ thỏa thuận, nhưng không thể hiện rõ ràng.

Các nước này đánh giá cao các cố gắng của Mỹ trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Palestine - Israel, cần nghiên cứu kỹ kế hoạch này và kêu gọi đàm phán trực tiếp giữa hai bên dưới sự bảo trợ của Mỹ để đạt được một giải pháp toàn diện trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Thoả thuận thế kỷ: Thiên vị Israel, ông Trump khó lòng hóa giải mâu thuẫn đẫm máu kéo dài hàng trăm năm - Ảnh 3.

Nội bộ Israel không thống nhất do đến nay, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa thành lập được chính phủ. Danh sách chung đại diện cho các đảng phái Ả Rập trong Quốc hội (Knesset) tuyên bố bác bỏ kế hoạch của Trump vì nó "duy trì sự chiếm đóng và các khu định cư", không đả động gì đến các quyền dân tộc cơ bản của người dân Palestine và không góp phần xây dựng một nền hòa bình.

Tình hình này tạo ra một bức tranh phức tạp trong thời gian tới về số phận của "Thoả thuận thế kỷ".

Châu Âu cho rằng sáng kiến ​​hòa bình của Mỹ mang đến cơ hội tái khởi động những nỗ lực hướng tới một giải pháp đàm phán khả thi. Tuy nhiên, châu Âu đã vạch ra một số vấn đề vướng mắc của kế hoạch.

Ví dụ, Thụy Điển cho rằng đề xuất của D. Trump không phù hợp với quan điểm của Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine. Bộ Ngoại giao Thụy Điển chủ trương đàm phán hai bên để đạt được hòa bình bền vững, đồng thời kêu gọi phải tính đến các yêu cầu của cả Israel và Palestine. Đức có cùng quan điểm với Stokholm.

Anh công khai ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch của Trump. Ngoại trưởng Dominic Raab mô tả "thỏa thuận thế kỷ" là một đề xuất nghiêm túc, là kết quả của "nỗ lực tuyệt vời".

Pháp cũng đánh giá cao những nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel. Đồng thời, Pháp hứa sẽ nghiên cứu kỹ kế hoạch hòa bình của Mỹ.

Nga phản ứng khá dè dặt đối với kế hoạch của Trump. Để duy trì mối quan hệ với Washington và Tel Aviv, tuy không tán thành với kế hoạch này vì nó thiên vị Israel, nhưng phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chưa đưa ra bất cứ sự đánh giá nào.

Ông chỉ nói, Kremlin sẽ tiếp tục nghiên cứu và phân tích sáng kiến ​​của Trump và khẳng định Moskva sẵn sàng tiếp tục làm hết sức mình để góp phần đạt được một nền hòa bình ở Trung Đông.

Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, Stephane Dujarric nói, Liên hợp quốc vẫn cam kết với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng về tiến trình hòa bình Trung Đông liên quan, về các khu định cư Do Thái và Jerusalem.

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác đến nay vẫn giữ im lặng, chưa lên tiếng.

Kế hoạch hòa bình của Mỹ rất ít cơ hội thành công

Đây là kế hoạch đơn phương của Mỹ. Washington không hề tham khảo ý kiến của các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an hoặc các nước thành viên bộ Tứ là những nước liên quan trực tiếp tới giải pháp cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Kế hoạch này hoàn toàn đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của giải pháp đã được cộng đồng quốc tế công nhận.

Hầu hết các chuyên gia nghi ngờ về khả năng thành công của kế hoạch hòa bình Trump vì những vấn đề cơ bản nhất gây ra cuộc xung đột vẫn không được giải quyết, bỏ qua các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và vai trò Liên hợp quốc, các đòi hỏi cơ bản của người Palestine là Israel phải rút khỏi Bờ Tây và thành lập một nhà nước Palestine độc lập với Thủ đô là Đông Jerrusalem đã không được đề cập tới.

Theo kế hoạch của D. Trump, Jerusalem vẫn sẽ là một Thủ đô thống nhất không thể chia cắt của Israel, điều mà Tel Aviv luôn đòi hỏi và Palestine không chấp nhận. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố "Thủ đô của người Palestine sẽ ở Đông Jerusalem".

Đây là khu vực ngoại ô Jerusalem, nơi những người Ả Rập đang sinh sống. Phần đất này của Jerusalem trước đây đã được dành cho người Palestine để làm Thủ đô, nhưng phía Palestine và các nước Ả Rập chưa bao giờ đồng ý và lần này chắc cũng không dễ dàng chấp nhận.

Phần tiếp theo của thỏa thuận là đóng băng việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở vùng lãnh thổ của Palestine trong bốn năm. Trong thời gian này, các bên sẽ đàm phán về một thỏa thuận toàn diện.

Điều này mới xem ra tưởng như hợp lý, nhưng "Thoả thuận thế kỷ" đã không đề cập đến một thực tế là các khu định cư Do Thái hiện nay sẽ vẫn được giữ nguyên trên các vùng đất Palestine bị chiếm đóng. Hơn nữa, trong các khu định cư đã này, Israel vẫn được quyền tiếp tục xây dựng nhà ở. Điều này hoàn toàn trái với các nghị quyết của Liên hợp quốc và phía Palestine không thể chấp nhận.

Kế hoạch của Trump nói rằng, một thỏa thuận hòa bình với Tel Aviv hứa hẹn sẽ tăng lãnh thổ của nhà nước Palestine lên gấp hơn hai lần, Mỹ sẵn sàng mở Đại sứ quán của mình tại Thủ đô mới của Palestine.

Tuy nhiên, vấn đề khó nhất ở đây là làm thế nào để đảm bảo lãnh thổ của nhà nước Palestine mới được thống nhất, không bị xé ra từng mảnh và có đường biên giới vững chắc nối liền với nhau. Trong điều kiện hiện tại, điều này không thể thực hiện được nếu không có sự trao đổi lãnh thổ giữa Israel và Palestine. Một cuộc trao đổi như vậy phải thông qua các cuộc đàm phán không dễ dàng và có thể dẫn đến các cuộc xung đột mới.

Thoả thuận thế kỷ: Thiên vị Israel, ông Trump khó lòng hóa giải mâu thuẫn đẫm máu kéo dài hàng trăm năm - Ảnh 5.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố bản đồ cho thấy các khu vực dành cho Nhà nước Palestine sẽ nằm ở Bờ Tây và Dải Gaza.

Hai khu vực này được nối với nhau bằng một con đường ngầm dưới lòng đất. Một khu công nghiệp và sản xuất sử dụng công nghệ tiên tiến, các vùng nông nghiệp và khu dân cư nằm ở phía nam Rafah, dọc biên giới với Ai Cập.

Kế hoạch này cũng hứa cung cấp cho nhà nước Palestine khoảng 50 tỷ USD đầu tư phát triển các dự án cơ sơ hạ tầng.

Chắc chắn Trump sẽ không bao giờ lấy số tiền này từ ngân sách của Mỹ để giúp Palestine mà là thu thập từ các nhà tài trợ, chủ yếu từ các nước vùng Vịnh và Châu Âu. Không có gì đảm bảo số tiền này sẽ thu được. Tại hội nghị "Từ hòa bình đến thịnh vượng" ở Manama tháng 6/2019, chưa có nước nào cam kết đóng góp số tiến này.

Theo kế hoạch hòa bình của Mỹ, nhà nước mới của Palestine sẽ không được quyền kiểm soát không phận, kiểm soát biên giới và tham gia vào các liên minh quân sự. Như vậy, quyền lực của Nhà nước Palestine sẽ hết sức hạn chế.

Cuộc xung đột Israel - Palestine là một trong những vấn đề phức tạp nhất trên thế giới hiện nay với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Một giải pháp cho cuộc xung đột này mà không có sự tham gia của các bên liên quan, trước hết là Palestine và bị phía Palestine bác bỏ thì sẽ không thể thành hiện thực được. "Thoả thuận thế kỷ" của Tổng thống D. Trump sẽ chỉ nằm trên giấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại