5 năm ròng rã với hàng loạt nỗ lực để dập tắt cuộc nội chiến tại Syria đã khiến nhiều người nhận định rằng bất ổn tại đây không thể giải quyết được.
Thỏa thuận ngừng bắn vào đầu năm đã nhanh chóng bị phá vỡ rồi chìm vào quên lãng dưới khói bụi của xung đột ở Syria.
Nhưng thỏa thuận ngừng bắn mới trên lãnh thổ Syria bắt đầu từ ngày 12/9 do Nga và Mỹ bảo trợ đang được coi là "cơn gió mát" cho sự ngột ngạt, căng thẳng đang diễn ra tại Syria.
Vai trò của Tổng thống Assad và quân đội
Để chấp nhận ngừng bắn, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cam kết phục hồi mọi diện tích lãnh thổ đã bị chiếm trong cuộc nội chiến.
Nhưng trong bản thỏa thuận ngừng bắn được quan chức Mỹ tiết lộ cho hãng tin AP, dường như những khu vực mà lực lượng nổi dậy ở Syria chiếm đóng không hề được đả động tới.
Và lực lượng của ông Assad chỉ được hạn chế các chiến dịch quân sự trong vùng lãnh thổ mà tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang chiếm giữ.
Thay vào đó, trong giai đoạn đầu thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, việc khai hỏa chỉ được nhắm đến những khu vực có lực lượng IS, al-Qaeda và những tổ chức khủng bố cực đoan.
Ngoài ra, trong những cuộc đàm phán hòa bình trước đây, phe đối lập Syria liên tục yêu cầu ông Assad phải ra đi. Nhưng đến nay bản thân Mỹ lại tỏ ra nhỏ nhẹ hơn về yêu sách này.
Không một cuộc đàm luận nào quanh thỏa thuận ngừng bắn hiện tại nhắc đến tương lai của ông Assad, chỉ có một “tiến trình hòa bình” được đề cập nếu nội chiến Syria kết thúc.
Đó có thể là lý do tại sao một vài quan chức Mỹ dường như không mấy vui vẻ với thỏa thuận cũng như không muốn công bố nội dung thỏa thuận bằng văn bản chi tiết.
Viễn cảnh được đánh giá khả quan nhất là sẽ có một cuộc bầu cử miễn phí, được quốc tế giám sát trong đó ông Assad hoàn toàn có thể ứng cử tiếp.
Liên hợp quốc khẳng định mong muốn rằng cuộc bầu cử mới tại Syria sẽ được tổ chức vào năm tới. Nhiều người đã lạc quan cho rằng cuộc bầu cử sẽ là cách tốt nhất để kết thúc nội chiến tại Syria.
Quan hệ giữa các "ông lớn"
Cuộc nội chiến Syria đồng thời cũng là nơi chứng kiến nhiều mâu thuẫn giữa các quyền lực quốc tế, không những vậy, vào năm ngoái Thổ Nhĩ Kỳ còn hồn nhiên bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga.
Nhưng Mỹ hiện chưa hào hứng với khả năng rơi vào tình thế khó khăn nếu trực tiếp đưa quân can thiệp vào chiến sự ở Syria.
Thay vào đó, chính quyền của ông Obama và các nước đồng minh đều hỗ trợ trang bị vũ khí và đào tạo lực lượng nổi dậy được gọi là "ôn hòa" ở Syria đồng thời không mấy ủng hộ cái được gọi là vùng cấm bay ở phía bắc nước Trung Đông này.
Còn Nga, sau khi đồng ý hỗ trợ Tổng thống Assad không kích chống lại mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria thì vào tháng 3 vừa qua Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định rút phần lớn lực lượng về nước.
Thêm vào đó, cả Nga và Mỹ đều dùng dằng, mập mờ trước đề xuất phối hợp chung trong cuộc chiến chống IS ở Syria.
Nhưng một điều kiện được nêu ra là nếu thỏa thuận ngừng bắn được bảo toàn trong một tuần, Mỹ và Nga sẽ đồng ý "bắt tay" cùng tấn công al-Qaeda và IS tại Syria.
Theo các quan chức Mỹ, đến nay cả Washington và Moskva đều đồng ý thành lập Trung tâm Phối hợp Thực hiện để khoanh vùng lãnh thổ và chọn mục tiêu cùng song hành không kích chống lại IS và al-Qaeda.
Kiểu hợp tác Nga- phương Tây này khá hiếm có và được đánh giá có thể “thăng hoa”, không chỉ gói gọn trong vấn đề Syria.