Thỏa thuận Istanbul giữa Nga và Ukraine tròn một tháng, tiến bộ chưa nhiều

Đình Nam |

Chỉ còn một ngày nữa là tròn một tháng thỏa thuận nối lại xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Nga và Ukraine ra thị trường thế giới được ký kết. Nhưng thực tế không được như kỳ vọng.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đến thăm cảng biển Ukraine, nơi ngũ cốc được xuất đi thế giới. Ảnh: Reuters.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đến thăm cảng biển Ukraine, nơi ngũ cốc được xuất đi thế giới. Ảnh: Reuters.

Đến nay, những chuyến tàu dài ngày đến chở ngũ cốc Ukraine vẫn còn khá thưa thớt; những sản phẩm lương thực và phân bón Nga vẫn đang gặp nhiều trở ngại để trở lại thị trường; khiến cơn sốt “giá” lương thực trên toàn cầu vẫn chưa thể hạ nhiệt một cách rõ ràng.

Một tháng sau khi thỏa thuận được ký kết, thế giới vẫn đang ngồi đếm từng chuyến tàu đến 3 cảng của Ukraine chở ngũ cốc để mang ra thị trường thế giới. 27 là con số mà Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận được cho tới ngày hôm qua – là những tàu đã có thể rời các cảng của Ukraine. Thế nhưng sẽ phải mất nhiều ngày trên biển, những tàu này mới có thể cập cảng các nước khác và sẽ cần thêm nhiều thời gian để số lương thực trên tàu phân phối tới người dùng.

Điều đáng mừng là số tàu đến Ukraine chở ngũ cốc đang có xu hướng tăng lên, so với thời gian đầu. Giới chức Ukraine vừa thông báo, sẽ có thêm 10 tàu chở ngũ cốc chuẩn bị rời các cảng của nước này và hơn 40 tàu khác đang xin cấp phép vận chuyển hàng đến các cảng của Ukraine.

Dẫu vậy, đây mới chỉ là một phần của thỏa thuận ngũ cốc được Nga và Ukraine ký ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ 1 tháng trước. Phần còn lại là quyền lợi của Nga, rằng các mặt hàng lương thực và phân bón Nga cũng phải được trở lại thị trường mà không gặp trở ngại nào từ các lệnh trừng phạt, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Tuy nhiên, điều đó đến nay vẫn chưa được thúc đẩy.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua (20/8) cảnh báo, nếu điều đó tiếp diễn, một cuộc khủng hoảng lương thực vào năm tới là điều không tránh khỏi. Ông nói: “Điều quan trọng là chính phủ các nước và khu vực tư nhân phải hợp tác đưa thực phẩm và phân bón của Nga trở lại thị trường. Nếu không có phân bón Nga sử dụng trong năm nay thì có thể sẽ không có đủ lương thực vào năm tới. Việc đưa các mặt hàng lương thực và phân bón ra khỏi Ukraine và Nga là rất quan trọng để tiếp tục bình ổn thị trường hàng hóa và hạ giá cho người tiêu dùng.”

Theo ông Guterres , Liên Hợp Quốc đang làm việc với Mỹ và Liên minh châu Âu nhằm tháo gỡ những rào cản đối với việc xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp của Nga. Dù phương Tây khẳng định không áp đặt trừng phạt với các mặt hàng này của Nga, nhưng các lệnh trừng phạt với ngân hàng Nga, các công ty vận chuyển đã ảnh hưởng “gián tiếp” đến việc xuất khẩu các mặt hàng này. Đây cũng là điều Tổng thống Nga Putin quan tâm và đề cập trong cuộc điện đàm mới nhất với người đồng cấp Pháp Macron.

Nếu thực tế không được giải quyết sớm, có thể nó sẽ ảnh hưởng tới thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine khi quyền lợi phía Nga không được đảm bảo. Nó cũng sẽ kéo lùi tiến bộ đạt được thời gian qua và làm giảm bớt kỳ vọng của thế giới về cơn sốt giá cả các mặt hàng lương thực trên toàn cầu hiện nay sẽ sớm được “hạ nhiệt”.

Những cảnh báo nạn đói có thể “ập đến” với hàng chục triệu người tại châu Phi vừa được Liên Hợp Quốc đưa ra. Nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ và châu Âu, người dân vẫn đang quay cuồng với “cơn lốc” của lạm phát, với hàng loạt mặt hàng tăng giá, bao gồm cả lương thực. Những mặt hàng nông nghiệp đặc trưng của Nga và Ukraine đang trống không trên các kệ hàng siêu thị trên khắp thế giới. Những hàng dài người xếp hàng đợi mua bánh mì tại các nước Arab vì độ khan hiếm… Vì vậy, thế giới đang rất trông chờ vào những tiến bộ mà thỏa thuận Nga - Ukraine được ký tại Istanbul đem lại; song trước tiên nó phải được các bên “có trách nhiệm” thực hiện đầy đủ các cam kết./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại