Giới chức quốc phòng Hy Lạp cho biết chiến đấu cơ 2 nước đã tiếp cận nguy hiểm 16 lần vào ngày 17-12 theo sau 40 lần tiến vào không phận trái phép của chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày. Những đợt tiếp cận nguy hiểm giữa chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp thường xảy ra và rất rủi ro, mặc dù 2 nước là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, vào tháng 5-2017, chiến đấu cơ và trực thăng Thổ Nhĩ Kỳ từng xâm phạm không phận Hy Lạp 141 lần trong 1 ngày. Nhiều phi công Hy Lạp đã mất mạng trong lúc truy đuổi chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào không phận trái phép.
Quan hệ Athens-Ankara đang xấu đi vì tranh chấp các đảo trên biển Aegean, phía Đông của Địa Trung Hải. Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Nikos Panagiotopoulos mới đây cho biết vùng biển tranh chấp này đã nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Hy Lạp, theo báo Kathimerini.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay hôm 17-12 tuyên bố Anakara có thể triển khai lực lượng quân sự đến phía Đông của Địa Trung Hải, cũng như máy bay không người lái vũ trang ở phía Bắc của đảo Cyprus trên các vùng lãnh thổ tranh chấp.
"Nếu cần, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ triển khai binh lính, tập trận ở phía Đông của Địa Trung Hải và tiến hành các chiến dịch xuyên biên giới" – báo Ahval dẫn lời ông Oktay cho biết.
Trong bối cảnh căng thẳng Anthens - Ankara cũng như Ankara - Washington leo thang, Washington đã tăng cường hợp tác quân sự với Anthens. Mới đây, vào tháng 10, Mỹ cam kết tăng cường luân chuyển binh lính và tập trận chung với Hy Lạp, cũng như nâng cấp căn cứ hải quân Mỹ tại Vịnh Souda – Ha Lạp.
Cam kết trên được đưa ra giữa lúc Thổ Nhĩ Kỳ dọa "đuổi" binh lính Mỹ ra khỏi căn cứ không quân Incirlik nếu Washington trừng phạt họ.
Một ủy ban của Thượng viện Mỹ hồi tuần rồi thông qua dự luật trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến chiến dịch quân sự của nước này ở Bắc Syria, cũng như quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Quan hệ Athens-Ankara đang xấu đi vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ảnh: Không quân Mỹ