Trước đó, ngày 15/7, EU thông qua các biện pháp trừng phạt chính trị và tài chính nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara tiến hành các hoạt động khoan thăm dò ngoài khơi CH Cyprus bất chấp nhiều cảnh báo.
Trong đó, biện pháp nặng nhất là cắt giảm 145,8 triệu euro (164 triệu USD) trong các Quỹ châu Âu được phân bổ cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020 và đình chỉ hoạt động đối thoại cấp cao với Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên không cắt đứt hoàn toàn.
Hãng thông tấn Anadolu dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ quyết định của EU ngừng hoạt động đối thoại cấp cao với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ảnh hưởng tới quyết tâm tiếp tục các hoạt động thăm dò hydrocarbon ở Đông Địa Trung Hải. Bộ trên khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục bảo vệ các quyền của mình và quyền của người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như sẽ tăng cường hoạt động trong lĩnh vực này.
Thổ Nhĩ Kỳ và Cyprus cùng tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển xung quanh Cyprus. Việc phát hiện trữ lượng khí đốt khổng lồ ở phía Đông Địa Trung Hải đã làm dấy lên tranh chấp giữa CH Cyprus - nước thành viên EU - và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho tới nay, Ankara đã điều hai tàu để thực hiện khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển Cyprus bất chấp cảnh báo từ EU.
Tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa tàu Fatih tới vùng biển tranh chấp ngoài khơi tỉnh Antalya, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 5 vừa qua, tàu thăm dò Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế phía Tây của Cyprus và bắt đầu hoạt động khoan thăm dò.
Tàu khoan thứ hai Yavuz của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được triển khai hồi tháng 6 vừa qua để bắt đầu tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở khu vực phía Đông. Phía Ankara đã khẳng định hoạt động thăm dò này dựa trên "quyền lợi hợp pháp", theo đó vị trí thăm dò nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, EU coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "sự leo thang không thể chấp nhận", đồng thời yêu cầu chính quyền Ankara phải dừng ngay các hoạt động thăm dò trái phép nếu không muốn bị trừng phạt.
Độc giả đọc tin gốc tại đây