Thụy Điển đã tiến gần hơn tới việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau khi ủy ban đối ngoại của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/12 chấp thuận nghị định thư gia nhập khối liên minh quân sự của đất nước Bắc Âu này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 7/2023 đã không còn phản đối việc trao tư cách thành viên của tổ chức cho Thụy Điển, nhưng ông cũng phải mất nhiều tháng gửi nghị định thư này đến quốc hội và mất nhiều tuần sau đó, ủy ban đối ngoại quốc hội mới đồng ý.
Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ vị thế trung lập kéo dài hàng thập kỷ của mình và tìm cách gia nhập NATO trong bối cảnh lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào đầu năm nay, sau khi quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đề xuất của nước này.
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ muốn trì hoãn việc Thụy Điển gia nhập NATO
Việc Thổ Nhĩ Kỳ phản đối việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO xuất phát từ niềm tin rằng quốc gia Bắc Âu này đã quá mềm mỏng đối với những người ủng hộ lực lượng người Kurd và các nhóm khác ở Thụy Điển mà Ankara coi là mối đe dọa an ninh. Những người này bao gồm các đối tượng có liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức đã tiến hành cuộc nổi dậy kéo dài 39 năm ở Thổ Nhĩ Kỳ và bị cáo buộc có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016 chống lại chính phủ của ông Erdogan.
Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan đã đạt được thỏa thuận vào năm ngoái để giải quyết những lo ngại về an ninh của Ankara. Sau đó, Thụy Điển cũng đã thực hiện các bước để thắt chặt luật chống khủng bố, quy định việc hỗ trợ các tổ chức cực đoan có thể bị phạt tới 8 năm tù.
Tuy nhiên, nhiều cuộc biểu tình chống Thổ Nhĩ Kỳ và chống Hồi giáo đã nổ ra ở Stockholm, một số trong đó liên quan đến việc đốt Kinh Qur'an - khiến chính phủ của ông Erdogan và công chúng Thổ Nhĩ Kỳ tức giận. Mặc dù bản thân những cuộc biểu tình này bị chính phủ Thụy Điển lên án, nhưng phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ trích Thụy Điển - quốc gia có luật bảo vệ quyền tự do ngôn luận - vì đã cho phép thể hiện tình cảm chống Hồi giáo.
Điều gì đã làm Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm?
Trong khi Thụy Điển tăng cường luật chống khủng bố để giải quyết những lo ngại an ninh của Ankara, NATO đã đồng ý thiết lập vị trí điều phối viên đặc biệt về chống khủng bố và bổ nhiệm Trợ lý Tổng thư ký Tom Goffus vào vị trí này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp thượng đỉnh của liên minh vào tháng 7 nói rằng, Thụy Điển đã đồng ý “hỗ trợ tích cực các nỗ lực nhằm khôi phục quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ”. Thụy Điển cũng tuyên bố sẽ tìm cách cải thiện các thỏa thuận hải quan và thực hiện các bước để thực hiện miễn thị thực du lịch châu Âu cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Đầu tháng này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công khai liên hệ việc chấp thuận để Thụy Điển trở thành thành viên BATO với nỗ lực của Ankara trong việc mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất, đồng thời kêu gọi Canada và các đồng minh NATO khác dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc tranh luận hôm 26/12 tại ủy ban đối ngoại của quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, nhà lập pháp đối lập Oguz Kaan Salici đã đặt câu hỏi liệu chính phủ có nhận được sự đảm bảo từ Mỹ liên quan đến thương vụ F-16 hay không.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ yêu cầu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trong Quốc hội Mỹ lại có sự phản đối mạnh mẽ việc bán vũ khí cho Ankara. Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua 40 máy bay chiến đấu F-16 mới và các thiết bị phụ trợ để hiện đại hóa cho phi đội hiện có của mình.
Những gì sẽ xảy ra tiếp theo
Bước tiếp theo là toàn thể quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu về nghị định thư và Tổng thống Erdogan ký phê chuẩn. Để trở thành thành viên NATO, Thụy Điển cần được quốc hội tất cả các nước thành viên chấp thuận. Hiện chưa rõ khi nào quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ họp để thông qua nghị định thư gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển.
Đảng cầm quyền của ông Erdogan và các đồng minh chiếm đa số trong quốc hội 600 ghế. Tuy nhiên, ông Erdogan cho biết quyết định thuộc về các nhà lập pháp. Các đồng minh theo chủ nghĩa dân tộc trong đảng cầm quyền của ông vẫn không đồng ý cấp tư cách thành viên NATO cho Thụy Điển và cáo buộc các nước khác trong NATO vẫn thờ ơ trước mối đe dọa của PKK đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuần này, các tay súng người Kurd đã tìm cách xâm nhập một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Iraq, giết chết 12 binh sĩ trong hai ngày đụng độ.
Các nghị sĩ thuộc đảng Hồi giáo vốn bày tỏ thất vọng vì điều mà họ cho là sự im lặng của các quốc gia phương Tây trước các hành động quân sự của Israel ở Gaza cũng có thể bỏ phiếu chống lại nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển.
Còn Hungary thì sao?
Đảng Fidesz cầm quyền ở Hungary - do Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy Viktor Orbán lãnh đạo, người được nhiều người coi là một trong những đồng minh duy nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở EU - đã trì hoãn nỗ lực tham gia NATO của Thụy Điển kể từ tháng 7/2022, cáo buộc rằng các chính trị gia Thụy Điển đã có “những lời nói dối trắng trợn” về tình hình dân chủ của Hungary.
Tuy nhiên, cả ông Orbán lẫn các quan chức cấp cao của ông đều không nêu những thứ họ muốn từ Stockholm để xoa dịu và đổi lấy cái gật đầu của họ đối với việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự.
Một số nhà phê bình cáo buộc rằng Hungary đang sử dụng quyền phủ quyết của mình đối với việc Thụy Điển gia nhập NATO như một công cụ để thúc đẩy những nhượng bộ từ Liên minh châu Âu, sau khi EU đóng băng 22 tỷ Euro (23 tỷ USD) quỹ phân bổ cho Budapest, với lý do lo ngại về tính độc lập của các thẩm phán ở Hungary và việc quốc gia này không tuân thủ Hiến chương về các quyền cơ bản của EU về các vấn đề bao gồm quyền LGBTQ, tự do học thuật và tị nạn.
Các quan chức Hungary đã nhiều lần nói rằng nước họ sẽ không phải là thành viên NATO cuối cùng tán thành nỗ lực của Thụy Điển gia nhập NATO. Tuy nhiên, động thái mới nhất của Ankara có thể cho thấy rằng thời gian để Budapest trì hoãn thêm có thể sắp hết.
Một số chính trị gia đối lập ở Hungary - những người ủng hộ việc chấp thuận ngay lập tức nghị định thư gia nhập NATO của Thụy Điển - tin rằng đảng của ông Orbán đang tuân theo thời gian biểu của Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ bỏ phiếu phê chuẩn một khi Thổ Nhĩ Kỳ có động thái rõ ràng sắp làm điều tương tự.
Sự thật về căn biệt thự biển xa hoa ở Florida được cho là Tổng thống Ukraine đã mua với giá 20 triệu USD