Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Syria là sự trả thù ngọt ngào?

Hải Yến |

Việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Syria có thể được coi là một sự trả thù ngọt ngào sau khi bị Mỹ quay lưng.

Bức màn về cuộc xung đột tàn khốc kéo dài 11 năm ở Syria dường như đang được hạ xuống. Mỹ đã phải chịu thêm một thất bại lớn ở Tây Á khi năm 2022 kết thúc và quá trình hòa giải Thổ Nhĩ Kỳ - Syria đang diễn ra dưới sự trung gian của Nga được coi là một câu chuyện về sự quay lưng và báo thù.

Ankara đã chịu áp lực rất lớn từ chính quyền Mỹ khi ông Obama làm tổng thống vào năm 2011 để dẫn đầu dự án thay đổi chế độ ở Syria. Tuy nhiên, Ankara đã dành thời gian để điều chỉnh các chính sách đối ngoại của mình để thích ứng với phong trào Mùa xuân Ả Rập (trong đó một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ diễn ra ở các nước Ả rập) trước khi đối phó với bối cảnh đang thay đổi ở Syria.

Syria là trường hợp thử nghiệm cuối cùng và là một thách thức thực sự đối với Tổng thống Erdogan. Ankara đã đầu tư rất nhiều vào việc cải thiện quan hệ với Syria trong khuôn khổ Thỏa thuận Adana năm 1998 sau cuộc đối đầu quy mô lớn của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ với Damascus về việc Syria chứa chấp thủ lĩnh PKK (lực lượng công nhân người Kurd) Ocalan (Thổ Nhĩ Kỳ coi PPK là tổ chức khủng bố).

Ông Erdogan ban đầu không muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad mất quyền lực và khuyên ông ta nên cải cách (Quan hệ của 2 tổng thống không quá xa cách khi gia đình họ từng đi nghỉ cùng nhau).

Ông Obama đã phải cử giám đốc CIA khi đó là David Petraeus đến Thổ Nhĩ Kỳ 2 lần vào năm 2012 để thuyết phục ông Erdogan tham gia với Mỹ trong kế hoạch hoạt động nhằm chấm dứt chính quyền Assad. Ông Petraeus được cho là đã đề xuất với Ankara một chương trình vũ trang và huấn luyện quân nổi dậy Syria bí mật.

Tuy nhiên, đến năm 2013, ông Erdogan bắt đầu cảm thấy rằng bản thân Tổng thống Obama chỉ có sự tham gia hạn chế của Mỹ ở Syria và muốn lãnh đạo từ phía sau. Năm 2014, ông Erdogan công khai rằng mối quan hệ của ông Tổng thống Mỹ đã giảm sút. Ông cho biết đã thất vọng vì không đạt được kết quả trực tiếp trong cuộc xung đột Syria. Vào thời điểm đó, hơn 170.000 người đã chết và 2,9 triệu người Syria chạy sang các nước láng giềng, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc chiến đã buộc 6,5 triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa của họ ở Syria.

Nói một cách đơn giản, ông Erdogan cảm thấy cay đắng khi bị bỏ lại và Tổng thống Obama đã quay lưng. Tệ hơn nữa, Lầu Năm Góc bắt đầu liên kết với các nhóm người Kurd ở Syria có liên hệ với PKK. (Tháng 10/ 2014, Mỹ bắt đầu cung cấp hàng tiếp tế cho lực lượng người Kurd và tháng 11/2015, lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ đã được triển khai tại Syria).

Kể từ đó, ông Erdogan đã phản đối trong vô vọng rằng Mỹ, một đồng minh NATO, đã liên kết với một nhóm khủng bố (người Kurd ở Syria được gọi là YPG) đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Syria là sự trả thù ngọt ngào? - Ảnh 1.

Sự trả thù ngọt ngào

Trong bối cảnh như vậy, 2 cuộc họp tại Moscow vào ngày 28/12/2022 giữa các bộ trưởng quốc phòng và giám đốc tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và những người đồng cấp Nga đã diễn ra. Quá trình hòa giải của ông Erdogan với ông Assad về cơ bản là sự trả thù ngọt ngào của Thổ Nhĩ Kỳ đối với sự quay lưng của Mỹ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga, quốc gia đối đầu của Mỹ và NATO, để liên lạc với Tổng thống Assad.

Hôm 29/12/22, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết: “Tại cuộc họp (ở Moscow), chúng tôi đã thảo luận về những gì có thể làm để cải thiện tình hình ở Syria và khu vực càng sớm càng tốt đồng thời đảm bảo hòa bình, bình yên và ổn định…

Chúng tôi nhắc lại sự tôn trọng của mình đối với sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền chủ quyền của tất cả các nước láng giềng của chúng tôi, đặc biệt là Syria và Iraq. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là cuộc chiến chống khủng bố, chúng tôi không có mục đích nào khác”.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tư vấn cho ông Erdogan rằng các mối lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giải quyết tốt nhất khi phối hợp với Damascus và rằng Thỏa thuận Adana có thể cung cấp một khuôn khổ hợp tác.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc gặp ở Moscow diễn ra trong “bầu không khí mang tính xây dựng” và họ đã nhất trí tiếp tục hình thức gặp gỡ ba bên “nhằm đảm bảo và duy trì sự ổn định ở Syria cũng như toàn khu vực”.

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc bình thường hóa giữa Ankara và Damascus sẽ tác động đến an ninh khu vực và đặc biệt là cuộc chiến Syria, do ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ với phe đối lập Syria còn sót lại. Một chiến dịch trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria có thể không cần thiết nếu Ankara và Damascus khôi phục Thỏa thuận Adana. Trên thực tế, ông Akar tiết lộ rằng Ankara, Moscow và Damascus đang hợp tác thực hiện các nhiệm vụ chung trên mặt đất ở Syria.

Trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine đang diễn ra, việc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu sẵn sàng cầm lái và điều hướng sự hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria đã bổ sung thêm một khía cạnh hoàn toàn mới cho mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Moscow và Ankara.

Đối với ông Erdogan cũng vậy, Syria gần đây trở thành sự bổ sung mới nhất cho các sáng kiến ​​chính sách của ông nhằm cải thiện mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia trong khu vực. Việc bình thường hóa với Syria sẽ có lợi cho dư luận Thổ Nhĩ Kỳ và điều đó có ý nghĩa đối với nỗ lực của ông Erdogan trong các cuộc bầu cử sắp tới.

Đối với Syria, việc bình thường hóa với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mang lại nhiều kết quả hơn so với việc khôi phục quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực. Sự cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ với các nhóm chiến binh Syria (ví dụ: Quân đội Quốc gia Syria và Hayat Tahrir al-Sham), việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ Syria, người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ (3,6 triệu người) v.v… là những vấn đề sống còn ảnh hưởng đến an ninh của Syria.

Thế khó của người Kurd Syria

Mỹ không hài lòng trước động thái của Tổng thống Erdogan trong việc bình thường hóa quan hệ với người đồng cấp Syria Assad và thông qua sự giúp đỡ của Nga. Giờ đây, Mỹ thậm chí còn khó có khả năng từ bỏ sự hiện diện quân sự của mình ở Syria hoặc bỏ liên minh với nhóm người Kurd Syria YPG (mà Ankara coi là một chi nhánh của PKK).

Nhưng YPG sẽ rơi vào thế khó. Khi Syria yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi các lãnh thổ của mình và ngừng hỗ trợ các nhóm vũ trang, đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ kiên quyết đẩy YPG ra khỏi biên giới.

Thật vậy, việc lực lượng chính phủ Syria thay thế lực lượng dân quân YPG dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến sự suy yếu của cả YPG và sự hiện diện của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, câu hỏi vẫn chưa được trả lời về vị trí của người Kurd trong tương lai của Syria.

Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây tuyên bố “sẽ không nâng cấp quan hệ ngoại giao với chế độ ông Assad và không hỗ trợ các nước khác nâng cấp quan hệ của họ. Mỹ kêu gọi các quốc gia trong khu vực xem xét cẩn thận những tội ác mà chế độ Assad gây ra cho người dân Syria trong thập kỷ qua. Mỹ tin rằng sự ổn định ở Syria và khu vực rộng lớn hơn có thể đạt được thông qua một tiến trình chính trị đại diện cho ý chí của tất cả người dân Syria”.

Các cuộc họp tuần trước tại Moscow cho thấy vị thế của Nga ở khu vực Tây Á không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Ukraine. Ảnh hưởng của Nga đối với Syria vẫn còn nguyên vẹn và Moscow sẽ tiếp tục định hình quá trình chuyển đổi của Syria ra khỏi khu vực xung đột, đồng thời củng cố sự hiện diện lâu dài của mình ở Đông Địa Trung Hải.

Trong khi đó, nhóm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã đạt được sức hút. Mối quan hệ của Nga với các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng phát triển. Mối quan hệ chiến lược Nga - Iran đang ở mức cao nhất trong lịch sử.

Bên cạnh đó, sự trở lại của ông Benjamin Netanyahu với tư cách là thủ tướng Israel có nghĩa là mối quan hệ Nga - Israel từng hướng tới được thiết lập lại. Rõ ràng, chính sách ngoại giao của Nga đang phát triển ở Tây Á.

Theo Euroasiareview

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại