Thổ lên gân, Nga cảnh cáo, máy bay chiến đấu lập tức quay đầu

Nhật Nam |

Mới đây các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ định bay vào Syria đã bị Nga cảnh cáo, buộc phải quay về.

Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu, Syria dọa đáp trả

Mới hôm 27/10, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định nước này sẽ không từ bỏ các chiến dịch không kích chống các tổ chức khủng bố ở Syria và truy quét lực lượng dân quân thuộc Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd Syria (YPG)

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Cavusoglu cho biết, các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã không thèm đếm xỉa gì đến tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), tiếp tục tấn công mãnh liệt lực lượng nổi dậy được Mỹ và nước này hậu thuẫn ở Aleppo.

Tuyên bố này của chính quyền Ankara được đưa ra sau khi phương Tây tố cáo một máy bay trực thăng bị nghi là của Chính phủ Syria đã sử dụng loại bom bị cấm để oanh kích và tiêu diệt các phiến quân được Ankara hậu thuẫn.

Theo đó, một máy bay trực thăng được cho là của lực lượng Chính phủ Syria đã thả những quả bom thùng trong một cuộc tấn công khốc liệt ở khu vực biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 2 tay súng thuộc lực lượng đối lập thiệt mạng và 5 người khác bị thương.

Cùng ngày, một chỉ huy chiến trường của các lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về bất cứ bước tiến nào tới các vị trí của lực lượng này ở phía Bắc và phía Đông thành phố Aleppo, đồng thời tuyên bố hành động đó sẽ bị đáp trả quyết liệt bằng vũ lực.

Phát biểu trong chuyến đi tới các tiền tuyến phía Bắc Aleppo, chỉ huy này tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai lợi dụng cái cớ chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) để tiến công và tìm cách đưa quân gần những tuyến phòng thủ của lực lượng đồng minh"

Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan tuyên bố nước này sẽ sử dụng các biện pháp quân sự để lập một “vùng đệm không khủng bố”, dùng để tái định cư người tị nạn, nằm sâu trong lãnh thổi Syria khoảng 15km, với Tổng diện tích khoảng 5000 mét vuông.

Trước đó, ngày 24/8 quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắt đầu chiến dịch "Lá chắn Euphrates" chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Với sự tham gia của quân đối lập Syria, họ đã giành quyền kiểm soát thành phố biên giới Dzharablus ở miền bắc Syria và tiếp tục hoạt động tấn công ở phía tây-nam.

Thổ Nhĩ Kỳ càng ngày càng gia tăng sự can thiệp vào lãnh thổ Syria khi đưa thêm xe tăng, pháo binh xuống phía nam (tiến sâu vào lãnh thổ Syria), đồng thời gia tăng các vụ không kích và nã pháo vào các vị trí của lực lượng dân quân người Kurd.

Đáp trả lại, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tuyên bố, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là sự xâm phạm chủ quyền trắng trợn đối với Syria, đồng thời tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này sẽ có những hành động mạnh mẽ để đáp trả lại hành động xâm lược này.

Nga cảnh cáo, máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ quay đầu

Trước hành động này, Nga cũng đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự quan ngại với các hành động gia tăng các vụ không kích, tăng cường quân lính và không ngừng tiến sâu vào lãnh thổ Syria của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow rất quan ngại về các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ của Syria và sự tăng cường lực lượng của nước này ở khu vực Aleppo, phía Bắc Syria, giáp với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

"Các cuộc không kích của không quân Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện ở các vùng phía bắc Syria đã khiến chúng tôi bắt đầu lo lắng vì các cuộc tấn công này được tiến hành trong khu vực sinh sống của người Kurd, là một tộc người Syria” - Ngoại trưởng Nga nói tại cuộc họp báo ở Moscow.

Theo ông Lavrov, Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của liên minh do chính Hoa Kỳ thành lập vì mục đích duy nhất là chiến đấu với IS và "Dzhebhat-en-Nusra" (hai nhóm khủng bố bị cấm trong danh sách Liên Hiệp Quốc). Tuy nhiên, hành động của Ankara không thể hiện điều đó.

Ngay sau đó, máy bay Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tiến hành các vụ xâm nhập vào không phận Syria ở tỉnh Aleppo, với mục đích tấn công vào các vị trí của người Kurd.

Hành động này đã bị các quan chức Syria tố cáo là hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đối lập mà chủ yếu là Quân đội Syria Tự do (FSA) đánh trả quân đội Syria và lực lượng người Kurd, nhằm giúp cho chúng đột phá qua vòng vây ở “chảo lửa Aleppo”.

Tuy nhiên, trong mấy ngày qua máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tìm cách bay sang Syria nhưng đều bị Nga và quân đội Syria phát tín hiệu cảnh cáo. Do đó, những chiếc chiến đấu cơ này đã buộc phải quay trở lại lãnh thổ nước mình.

Đặc biệt là trước đó, một nhà phân tích chính trị của Syria, người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo sư trường Đại học Damascus là ông Mehmet Yuva nhận định, những hành động không minh bạch lắm của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria khiến các nước trong khu vực phải lo ngại.

Chuyên gia Mehmet Yuva nhận định rằng, hành động đó đã gây ra sự lo ngại của Nga và Iran. Moscow và Tehran đã dự kiến là Ankara sẽ hành động tích cực hơn để lập kênh liên lạc trực tiếp với Damascus, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng trở nên “lộng hành” hơn.

Chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ kết luận rằng, trong bối cảnh này, Ankara không nên quên rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể hiện diện tại Syria không phải là do họ “chính nghĩa” hay được ai mời, mà trước hết bởi vì Moscow đã không cản trở chiến dịch "Lá chắn Euphrates”.

Các chuyên gia nhận định rằng, mặc dù mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang rất tốt nhưng Nga sẽ không để chính quyền Erdogan lộng hành ở Syria. Do đó, Ankara không nên làm quá, nếu không Moscow sẽ ngăn chặn đứng “Lá chắn Euphrates” của nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại