Thổ cầu viện Nga, đối trọng Mỹ - người Kurd ở Raqqa?

Huy Bình |

Theo giới chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ cầu viện đến sự hỗ trợ của Nga trong chiến dịch quân sự đánh khủng bố IS ở Raqqa.

Nga không kích mục tiêu IS ở Raqqa

Theo Bộ quốc phòng Nga, máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS -BearH của Không quân nước này đã tiến hành các phi vụ không kích vào các vị trí của lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở gần thành phố Raqqa - được coi là "thủ đô không chính thức" của khủng bố IS.

Các máy bay Tu-95MS đã thực hiện chuyến bay qua lãnh thổ Iran và Iraq, đánh bom loạt mục tiêu của khủng bố IS tại khu vực Raqqa, để hỗ trợ người Kurd trong chiến dịch tấn công khủng bố IS.

Theo thông báo, Tu-95MS sử dụng các tên lửa hành trình Kh-101 để tấn công vào các doanh trại và trung tâm huấn luyện khủng bố, một trạm chỉ huy một nhóm quân lớn của IS đã bị tiêu diệt. Các phương tiện kiểm soát khách quan xác nhận các mục tiêu đều bị tiêu diệt.

Cuộc tấn công của các máy bay ném bom Tu-22M3 đã được các chiến đấu cơ Su-30SM và Su-35S của Không quân Nga từ sân bay Hmeymim bay sang tham gia yểm hộ. Sau khi thực hiện thành công nhiệm vụ, tất cả máy bay này đã quay trở về căn cứ an toàn.

Theo không quân Nga, tên lửa Kh-101 lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Syria vào hồi tháng 11/2015. Mỗi máy bay ném bom Tu-95MS có khả năng mang tám tên lửa Kh-101. Ngoài ra, loại tên lửa này còn có thể sử dụng trên các máy bay Tu-160.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các máy bay Nga tiến hành các phi vụ không kích vào các mục tiêu khủng bố ở Raqqa, nhưng đây là lần đầu tiên các máy bay ném bom Tu-22M3 thực hiện phi vụ oanh tạc ở khu vực này.

Hiện nay, "Lực lượng Dân chủ Syria" (SDF- Syrian Democratic Forces) mà nòng cốt là lực lượng vũ trang của người Kurd Syria (Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd-YPG) đang triển khai chiến dịch giải phóng tỉnh tây bắc Syria khỏi tay các phần tử khủng bố IS.

Thổ cầu viện Nga, đối trọng Mỹ - người Kurd ở Raqqa? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự chống IS từ hồi tháng 8/2016

SDF mở chiến dịch giải phóng Raqqa bắt đầu từ ngày 5/11/2016. Theo đó, cuộc tấn công trên mặt đất do người Kurd thực hiện, còn Không quân của liên quân chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ hỏa lực trên không.

Hiện nay, SDF có khoảng 50.000 tay súng, trong đó có hơn 27.000 chiến binh người Kurd của YPG. Ngoài ra, Liên minh các tay súng Arab Syria của SDF bao gồm khoảng 23.000 quân hỗn hợp, trong đó cũng có không ít người Kurd.

Trong chiến dịch này, SDF sử dụng khoảng 30.000 quân để tấn công đánh chiếm các cứ điểm ngoại ô, số còn lại tiến hành bao vây thành phố và dần dần đánh bật các lực lượng đồn trú của IS ra ngoài.

Hôm 18/1, SDF cũng thông báo rằng, kể từ khi bắt đầu Chiến dịch "lá chắn Euphrates (Euphrates Shield), họ đã giải phóng 3.200 km vuông lãnh thổ Syria, trong đó có 236 làng, diệt hơn 620 tay súng IS và giải phóng hàng nghìn người dân ở nông thôn miền Tây Raqqa.

Thổ Nhĩ Kỳ cầu viện Nga đánh Raqqa

Trong bối cảnh các thông tin về chiến dịch giải phóng thị trấn chiến lược al-Bab ở Đông Bắc thành phố Aleppo sắp kết thúc, các chuyên gia quân sự và dư luận Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực thảo luận về những động thái tiếp theo của Lực lượng vũ trang nước này ở Syria.

Các chuyên gia nước này đang tập trung giải mã câu hỏi rằng "liệu Thổ Nhĩ Kỳ có tham gia giải phóng Raqqa, và nếu có thì những hậu quả nào có thể đến với đất nước khi tham chiến trong khu vực có lực lượng của Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd và các đội tự vệ YPG"?

Theo đó, các chuyên gia nước này cho rằng, chính quyền Ankara đang hy vọng được Moscow hỗ trợ trong hoạt động giải phóng thành phố Raqqa từ tay các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Chỉ có sự giúp đỡ của Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ mới thực hiện được điều này.

Thổ cầu viện Nga, đối trọng Mỹ - người Kurd ở Raqqa? - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga hậu thuẫn để đối chọi với người Kurd và Mỹ?

Ngày 18/2, ông Hasan Kanbolat, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu chính trị Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi về vấn đề này với Hãng thông tấn đa phương tiện và phát thanh Sputnik của Nga.

Theo ông, vì lí do an ninh quốc gia của mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch quân sự mang tên "Lá chắn Euphrates" (Euphrates Shield) trong lãnh thổ Syria, để tìm cách lập "vùng an toàn" ở phía tây sông Euphrates trên các lãnh thổ mà IS đã bị quét sạch ở tỉnh Aleppo.

Thổ Nhĩ Kỳ phải đẩy lực lượng khủng bố càng xa càng tốt về phía nam để bảo vệ dải biên giới với Syria có chiều dài khoảng 920km. Ankara muốn khép lại hoạt động "Lá chắn Euphrates", do đó, họ đã quyết định tham gia "chiến dịch tảo thanh IS cuối cùng" ở Raqqa.

Raqqa hiện là một trung tâm đầu não của khủng bố Nhà nước Hồi giáo ở Syria, một điểm tập trung binh lực lớn tới vài chục nghìn quân. Nếu bao vây thành công, các lực lượng quốc tế có cơ hội tiêu diệt nhóm quân lớn của IS, đẩy tổ chức khủng bố này đến bờ vực sụp đổ.

Vì lý do này, Ankara thấy cần thiết tham gia hoạt động quân sự ở Raqqa nhưng tất nhiên là Thổ Nhĩ Kỳ không thể đơn độc thực hiện chiến dịch này, bởi lực lượng vũ trang của người Kurd cũng sẽ tham gia chiến dịch quân sự ở trong khu vực này.

Do đó, Ankara hy vọng sẽ tiến hành chiến dịch này cùng với các lực lượng liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo (muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad) và sự hỗ trợ quân sự của Nga, là bên ủng hộ việc duy trì tính toàn vẹn của Syria.

Một lí do rất tế nhị mà ông Hasan Kanbolat không đề cập đến là nguy cơ đụng độ giữa lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd khi tham gia trong cùng một chiến dịch. Hơn nữa, người Kurd có sự hậu thuẫn của Washington, nếu không có sự hỗ trợ của Moscow thì Ankara sẽ bị cô lập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại