Tôi có gần 16 năm công tác tại Quân chủng Hải quân, gần 10 gắn bó với Quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền trên miền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Năm 1994, tôi là Trung tá - Trung đoàn trưởng - Trung đoàn CBHQ 83 trong đoàn đại biểu của Quân chủng Hải quân đi dự Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân, được báo cáo trước Đại hội.
Giờ giải lao Đại tướng Lê Đức Anh - Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến bắt tay và nói chuyện với đoàn Hải quân. Đồng chí hỏi thăm tình hình xây dựng và bảo vệ Trường Sa từ sau sự kiện 14/3/1988, tôi rất vinh dự được báo cáo kết quả mà Trung đoàn Công binh 83 đã thực hiện, đơn vị đang đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chủ tịch hoan nghênh và căn dặn chúng tôi tập trung xây dựng về mọi mặt, cả lực lượng, vũ khí trang bị và công trình chiến đấu để bảo vệ vững chắc chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, trước mắt giữ ổn định tình hình như hiện nay, không khiêu khích mắc mưu để đối phương tạo cớ lấn chiếm tiếp. Qua đó giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc thêm nhiệm vụ và đối sách trên biển khu vực quần đảo Trường Sa.
Năm 2008, trước Tết Nguyên đán, tôi đến trạm khách 66/BQP, gặp bác Lê Đức Anh đang ngồi xe có người đẩy đi dạo quanh sân nhà khách. Tôi đến chào và giới thiệu bản thân, kính chúc sức khỏe Đại tướng. Bác bắt tay vui vẻ hỏi chuyện, động viên tôi cố gắng công tác tốt.
Hôm đó, tôi biết mới rõ thêm là từ khi đang công tác qua các cương vị Tổng Tham mưu trưởng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng, Chủ tịch nước cho đến lúc ấy, Đại tướng Lê Đức Anh vẫn ở nhà công vụ tại trạm khách của Bộ Quốc phòng đi cổng số 5 Hoàng Diệu. Tôi cùng đẩy xe vào thăm nơi bác ở, vô cùng xúc động và ngạc nhiên, vì nơi ở của một vị nguyên thủ quốc gia, nguyên là chủ tịch của một nước trong nhà công vụ với bàn ghế làm việc đơn sơ, giản dị.
Khi thành phố Hà Nội có kế hoạch thu lại một số công trình khu vực trạm khách của Bộ quốc phòng nằm trong khu di tích Thành Hoàng Diệu, Bộ quốc phòng đã xây một ngôi nhà cạnh hồ Tây, nhưng Đại tướng không ở. Đại tướng nói là đã được nhà nước cấp nhà cho tại Thành phố Hồ Chí Minh rồi, sau này trả lại nhà công vụ này vào đó ở chứ không nhận nhà mới nữa.
Năm 2017, anh Lê Mạnh Hà con trai Đại tướng Lê Đức Anh đón chúng tôi tại đây, khi bác đang nằm viện, tất cả đều có chung cảm tưởng về trang bị nơi ở của bác trong những năm công tác tại Thủ đô, thật giản dị.
Đại tướng Phạm Văn Trà đã từng kể cho tôi nghe rất nhiều về Đại tướng Lê Đức Anh với sự ca ngợi và kính trọng.
Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968, địch phản công càn quét, tình hình chiến trường nói chung, Nam Bộ nói riêng vô cùng khó khăn, không bảo đảm được các mặt. Trên chỉ đạo tạm thời giải tán các đơn vị chủ lực. Đồng chí Lê Đức Anh - khi ấy là Tư lệnh QK9 nghiên cứu và quyết định không giải tán, trong đó có Trung đoàn do đồng chí Phạm Văn Trà làm Trung đoàn trưởng, mà chia nhỏ ra ẩn vào dân, vẫn giữ được lực lượng sau nhanh chóng củng cố lại. Với quyết tâm như vậy, năm 1974, Đại tá Lê Đức Anh được thăng quân hàm vượt cấp lên Trung tướng.
Khi chúng ta học tập Liên Xô, thực hiện chế độ bỏ đảng uỷ, bỏ chính uỷ chính trị viên mà chỉ có Hội đồng chính trị..., đại diện của Bộ Quốc phòng sang Campuchia truyền đạt với đồng chí Lê Đức Anh để triển khai. Đồng chí yêu cầu phái viên về ngay, báo cáo lại là mặt trận Campuchia xin không thực hiện, nếu thực hiện như vậy quân đội làm sao chiến đấu được. Đồng chí đã đúng. Sau đó đồng chí được bổ nhiệm làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và năm 1992 được bầu làm Chủ tịch Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, là người cuối cùng trong Bộ Tư lệnh chiến dịch 8 người ngày ấy ra đi.
Trung tướng Trần Văn Trà - Tư lệnh Bộ chỉ huy miền (người đang chỉ tay trên bản đồ) và Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (người ngồi bên phải Trung tướng Trần Văn Trà) trong cuộc họp Bộ chỉ huy miền tại Căn cứ Lộc Ninh (Bình Phước) năm 1972.
Tôi đã gặp Đại tá Khuất Biên Hoà, người làm thư ký cho Đại tướng Lê Đức Anh 7 năm, và được nghe nói khá nhiều về Đại tướng. Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do Trung Quốc gây ra, sau 1 tháng, họ tuyên bố rút quân, nhưng xung đột vũ trang và căng thẳng trên toàn tuyến biên giới vẫn tiếp diễn trong suốt 10 năm, gây rất nhiều khó khăn và tổn thất cho Việt Nam.
Về quân sự, Việt Nam khi ấy phải duy trì tới 10 quân đoàn gồm các quân đoàn chủ lực trực thuộc Bộ và các quân đoàn mới trực thuộc quân khu. Các quân đoàn 1,2,3,4 từ trước năm 1975, các quân đoàn mới thành lập gồm: 5, 6, 7, 14, 26, 29 đã hoàn chỉnh, quân đoàn 10 đang triển khai thì dừng lại.
Đại tướng Lê Đức Anh đã nghiên cứu và đề xuất với Bộ Chính trị rút bớt lực lượng chính quy về phía sau, giảm quân số thường trực và đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Bộ Chính trị đã cử Đại tướng làm phái viên sang gặp lãnh đạo của Trung Quốc bàn về vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước. Cuộc hội đàm giữa Đại tướng Lê Đức Anh với Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã diễn ra năm 1991 và thành công tốt đẹp. Tôi được đọc toàn văn cuộc hội đàm này do Đại tá Khuất Biên Hoà trích từ hồi kí của Đại tướng Lê Đức Anh gửi cho, thật khâm phục phương pháp tiếp cận, bản lĩnh, trí tuệ, tài năng của Đại tướng trong hội đàm.
Tiếp theo có cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước. Năm 1992 quan hệ ngoại giao giữa hai nước được bình thường hoá hoàn toàn.
Qua tài liệu giải mã của CIA về sự kiện Gạc Ma, Trung Quốc đổ vấy cho Việt Nam là nổ súng trước, họ đã đổi trắng thay đen, vu cáo Việt Nam, tạo cái cớ để đánh chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Âm mưu của Trung Quốc đánh chiếm cả ba bãi đá ngầm, còn gọi là đảo chìm: Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Họ đã bắn chìm hai tàu vận tải tại Gạc Ma và Len Đao, bắn cháy tàu đổ bộ tại Cô Lin.
Chú thích: Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại lễ mittinh kỷ niệm 33 năm Ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam tại Trường Sa tháng 5-1988 - Ảnh: NGUYỄN VIẾT THÁI
Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đại tướng Lê Đức Anh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ huy trực tiếp của Phó đô đốc - Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương, chúng ta giữ được Cô Lin và Len Đao, không để Trung Quốc tạo cớ lấn tới. Đây là thành công trong điều kiện tương quan lực lượng hai bên khi ấy bất lợi cho Việt Nam.
Sau sự kiện Gạc Ma 14/3/1988, Đại tướng Lê Đức Anh ra ngay kiểm tra chỉ đạo mọi mặt bảo vệ quần đảo Trường Sa. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên ra Trường Sa.
Ngày 7/5/1988, trong lễ kỉ niệm 33 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, tại đảo Trường Sa, ông đã đọc lời thề: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau ‘Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta.’"
Trước Tết Nguyên đán Kỉ Hợi 2019, tôi liên lạc với anh Lê Mạnh Hà, con trai Đại tướng Lê Đức Anh, bạn học cùng khóa với tôi tại Học viện Kỹ thuật Quân sự để anh Hà đón tôi vào thăm Đại tướng. Khi ấy, bác nằm điều trị tại khoa A11/ Bệnh viện 108. Tôi nói to bác vẫn nghe được. Tôi chúc thọ bác sắp bước sang tuổi 100. Bác nắm chặt tay tôi, tôi gửi thiếp chúc mừng năm mới, bác vẫn cầm giơ lên đọc rồi cười.
Hôm nay Đại tướng Lê Đức Anh đã ra đi mãi mãi. Với lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn, tôi xin viết những cảm nhận của mình về Đại tướng. Đến bây giờ, qua những gì được gặp, được biết, được chứng kiến, tôi vô cùng cảm phục và kính trọng bác Lê Đức Anh.
Thật khâm phục bản lĩnh, trí tuệ, tài năng về Quân sự - Chính trị - Ngoại giao của Đại tướng Lê Đức Anh.