Trang CNN Money đưa tin, Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi sắc lệnh này của Venezuela là “tương đương với lao động cưỡng bức”, đồng thời nói việc Caracas làm như vậy là “bất hợp pháp”.
Trong sắc lệnh với ngôn từ khá mơ hồ, Chính phủ Venezuela nói rằng những người làm việc trong khu vực tư nhân và quốc doanh của nước này có thể phải ra ruộng để lao động trong những khoảng thời gian ít nhất 60 ngày mỗi đợt, và thời gian mỗi đợt có thể được kéo dài thêm “trong trường hợp cần thiết”.
“Nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lương thực-thực phẩm nghiêm trọng của Venezuela bằng cách buộc người dân ra ruộng làm việc chẳng khác gì tìm cách chữa gãy chân bằng một miếng băng”, bà Erika Guevar Rosas, Giám đốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực châu Mỹ, nói trong một tuyên bố.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang sử dụng quyền điều hành của ông để công bố tình trạng khẩn cấp kinh tế.
Thông qua việc ban hành các sách lệnh, ông Maduro có thể vô hiệu hóa một cách hợp pháp Quốc hội do phe đối lập nắm quyền kiểm soát - cơ quan phản đối mạnh mẽ các hành động của ông.
Theo sắc lệnh công bố hôm 22/7, người Venezuela khi ra đồng làm việc vẫn được trả lương bình thường và sẽ không bị mất công việc bình thường của họ.
Tuy nhiên, sắc lệnh này là một dấu hiệu nữa cho thấy tình trạng khó khăn hiện nay của Venezuela, quốc gia có trữ lượng dầu lửa hàng đầu thế giới nhưng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng những mặt hàng thực phẩm cơ bản như sữa, trứng và bánh mì.
Ngành nông nghiệp của Venezuela trước đây phát triển mạnh. Tuy nhiên, từ khi cố Tổng thống Hugo Chavez lên nắm quyền vào năm 1999, nước này chuyển sang nhập khẩu lương thực-thực phẩm nhiều hơn và đầu tư ít hơn cho nông nghiệp. Gần như toàn bộ nguồn thu từ xuất khẩu của nước này đến từ dầu thô.
Khi giá dầu giảm về mức khoảng 41 USD/thùng từ mức trên 100 USD/thùng cách đây 2 năm, Venezuela nhanh chóng cạn tiền và không thể chi trả nổi cho việc nhập khẩu thực phẩm, giấy toilet và các mặt hàng thiết yếu khác.
Giờ đây, các trang trại bị bỏ bê bấy lâu lại được giao nhiệm vụ bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa này.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là Tổng thống Maduro từng ban hành nhiều sắc lệnh mà không hề được thực thi.
Hồi tháng 1 năm nay, ông ban hành một sắc lệnh hạn chế việc truy cập và di chuyển tiền trong các tài khoản ngân hàng, đồng nghĩa với đóng băng tài khoản, nhưng điều này đến nay vẫn chưa xảy ra.
Mặc dù vậy, sắc lệnh mới nhất của ông Maduro có thể là một dấu hiệu cho thấy ông sắp bổ nhiệm một quan chức nữa để giải quyết vấn đề thiếu lương thực-thực phẩm.
Hồi đầu tháng 7, ông Maduro đã bổ nhiệm một trong số các Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là ông Vladimir Padrino vào vị trí lãnh đạo một nhóm nắm quyền kiểm soát nguồn cung và phân phối thực phẩm ở Venezuela.
Đây là một vị trí cực kỳ quyền lực, nhất là vào thời điểm khan hiếm lương thực-thực phẩm như hiện nay ở nước này.
Theo giới quan sát, động thái trao quyền này của ông Maduro nhằm mục đích giành thêm sự ủng hộ của quân đội đối với Chính phủ của ông trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế-xã hội ngày càng nghiêm trọng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Venezuela hiện là nền kinh tế tồi tệ nhất thế giới. Định chế này dự báo kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 10% trong năm nay, trong khi tốc độ lạm phát có thể vượt 700%.
Ngoài việc thiếu lương thực-thực phẩm, Venezuela còn đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung trang thiết bị, thuốc men cho các bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng không được điều trị, dẫn tới tử vong.