Năm 2012, ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney bị đa số người dân Mỹ, bao gồm cả Đảng Dân chủ, phản ứng gay gắt bởi gọi Nga là kẻ thù địa chính trị số 1 của Mỹ. Tuy nhiên, năm nay, nỗi ám ảnh về Nga thể hiện sâu sắc trong Đảng Dân chủ.
Nỗi ám ảnh trên bắt đầu khi ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump bày tỏ sự ngưỡng mộ và dành nhiều lời khen tặng dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tiếp đó, ông Putin cũng ca ngợi ông Trump. Tin tặc Nga bị nghi đứng đằng sau các vụ bê bối email, gây bất lợi cho ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Nhiều chính trị gia Mỹ cáo buộc rằng, Moscow đang cố can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bằng cách hậu thuẫn cho ông Donald Trump và ngăn cản bà Hillary Clinton.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Nikolas K. Gvosdev, thành viên cao cấp trong Chương trình Á – Âu, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, có trụ sở tại Pennsylvania, Mỹ cần phải xem xét các mối đe dọa từ Nga dựa trên việc đánh giá khả năng quân sự thực sự của Nga cũng như trong bối cảnh hiện tại và tương lai.
Trong nhiều tháng qua, các giảng viên của Học viện Hải chiến Mỹ (NWC) cùng nhiều chuyên gia về vấn đề Nga và Á- Âu đã nỗ lực đánh giá về Nga theo cách đó. Đánh giá gần đây được nhóm này công bố có nhiều khác biệt với những gì đang được bàn tán ở Washington.
Theo ông Nikolas, mọi người thường nói, ông Putin có sẵn một “kế hoạch tổng thể” để làm suy yếu phương Tây và đảm bảo vị thế của Nga ở Á- Âu. Ngược lại, nhóm nghiên cứu của NWC lại cho rằng, ông Putin đang ứng biến rất nhanh nhạy, tận dụng được các lợi thế chiến thuật từ những thay đổi trong khu vực và trên tòa cầu.
Ví dụ mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đảo chiều nhanh chóng sau cuộc đảo chính hôm 15/7. Mới cách đây vài tuần, Moscow và Ankara vẫn căng thẳng sau vụ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015.
Khi đánh giá về độ bền bỉ của nền kinh tế Nga cũng cần phải tính đến các xu hướng nhân khẩu học và kinh tế tiêu cực về dài hạn.
Ngay cả khi gần 65 % số chuyên gia trong nhóm nghiên cứu của NWC kết luận nền kinh tế Nga sẽ phục hồi trong những năm tới, nhưng Moscow cũng không thể mong đợi tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga sẽ tăng trở lại như trong hai nhiệm kỳ đầu của ông Putin.
Về mặt quân sự, nhóm chuyên gia cho rằng, mặc dù quân đội Nga đang tái vũ trang và mua nhiều loại thiết bị quân sự mới, đặc biệt là cho hải quân, với tốc độ ngày càng tăng, nhưng sự phát triển trên thực sự vẫn còn rất khiêm tốn và xuất phát từ một khởi đầu rất thấp, đó là sự sụp đổ của quân đội Nga hậu Xô Viết.
Dù Nga đang gia tăng các hoạt động xung quanh lãnh thổ của mình, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các khu vực khác.
Chính vì vậy, chỉ 18% số chuyên gia của nhóm nhận đinh Nga là mối đe dọa chính đối với an ninh châu Âu. Các vấn đề nội tại của châu Âu và cuộc khủng hoảng di cư bị đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều, đe dọa lớn hơn nhiều đối với sự gắn kết của châu Âu.
Hơn nữa, mặc dù các quốc gia vùng Baltic đang cảm thấy rất lo ngại về Nga, nhưng 71% chuyên gia cho rằng khả năng Nga sẽ có hành động quân sự đối với các nước Baltic rất thấp.
Tương tự như vậy, báo cáo kết luận, Nga sẽ tiếp tục hợp tác chiến lược với Trung Quốc. Tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa có ý định hình thành một liên minh chính thức.
Theo ông Nikolas, Nga có cả năng lực và ý chí để gây rắc rối cho Mỹ, hoặc ngược lại, để tăng cường những nỗ lực của Mỹ trong việc theo đuổi các mục tiêu chung.
Tuy nhiên, khi xét về các khả năng thực sự của Moscow, 53% số chuyên gia trong nhóm cho rằng, Nga là một “mối đe dọa tầm trung” đối với Mỹ hay Moscow có thể tạo ra các chướng ngại và khó khăn cho Mỹ, nhưng rất hạn chế. 29% ủng hộ ý kiến, Nga là "mối đe dọa đáng kể” với Mỹ khi triển khai quân sự quy mô lớn.
Chỉ 6% mô tả Nga là " mối đe dọa nghiêm trọng" hay "thách thức lớn nhất” đối với an ninh Mỹ.
Ông Nikolas kết luận, trong một chiến dịch tranh cử, các ứng cử viên đều muốn hạ thấp nhau. Trong trường hợp bầu cử Tổng thống Mỹ, cả Nga và bản thân ông Putin đã bị xem là “quân bài” đáng giá cho mục đích đó.