Lối sống "DINK" – viết tắt của "Double Income, No Kids" (Thu nhập gấp đôi, không con cái) đang được rất nhiều người trẻ ở Trung Quốc theo đuổi mặc cho những chính sách khuyến khích sinh đẻ của chính phủ nước này.
Huang Yulong, 27 tuổi, hiện sống ở thành phố Quảng Châu là một trong rất nhiều người trẻ theo đuổi lối sống "DINK". Chi phí sinh hoạt tăng cao cùng với nhiều vấn đề kinh tế khác khiến người trẻ ở Trung Quốc không muốn có con.
Huang chưa bao giờ muốn có con. Anh vẫn luôn trách cha mẹ khi họ đi làm xa nhà, không ở bên con cái khi anh còn nhỏ. Năm 26 tuổi, Huang có một quyết định táo bạo. Anh đã thắt ống dẫn tinh
"Đối với chúng tôi, con cái không quan trọng. Tôi có thể đầu tư kinh tế và tự phát triển bản thân mình mà không có một gánh nặng nào cả".
"Đối với thế hệ chúng tôi, con cái không phải là điều cần thiết. Bây giờ chúng tôi có thể sống mà không có bất kỳ gánh nặng nào. Vậy tại sao không đầu tư nguồn lực kinh tế và tinh thần cho cuộc sống của chính mình?", Huang chia sẻ.
Lối sống này đi ngược hoàn toàn những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc. Đầu tuần này, chính phủ đã một lần nữa thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình, cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh 3 con. Đây là một trong rất nhiều giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra.
Rất nhiều công ty bảo hiểm đã nắm được xu thế thay đổi và hướng đến những gia đình theo đuổi lối sống "DINK". Các dịch vụ mai mối cũng tìm cách kết nối những người có cùng lối sống này với nhau. Thậm chí nhiều công ty bất động sản đã bắt đầu rao bán những căn hộ phù hợp với các cặp vợ chồng không có con khi phòng ngủ cho trẻ em được thay bằng phòng tập thể dục tại nhà.
Một cuộc gặp mặt xem mắt giữa những người trẻ không muốn có con ở căn phòng bên trái, cạnh đó là người thân của họ.
Mặc dù quyết định thắt ống dẫn tinh của Huang có vẻ cực đoan nhưng lại là điều mà các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo từ lâu. Theo một cuộc điều tra dân số mới nhất, quy mô hộ gia đình hiện tại là 2,62, giảm so với 3,1 năm 2010.
Hiện tại Huang là nhân viên sửa chữa điên thoại với mức thu nhập 630 đô la/tháng. Anh quyết định không sinh con là vì ngay từ khi còn nhỏ, anh không có nhiều cơ hội ở bên cha mẹ do họ phải đi làm xa.
"Nếu tôi lập gia đình và có con thì mức thu nhập của tôi vẫn rất thấp. Khi đó tôi sẽ phải để con cái ở nhà và đi làm xa, giống như cha mẹ tôi ngày trước. Đó là điều tôi không muốn".
Năm 14 tuổi, Huang rời Hồ Nam đến Quảng Châu làm việc. Anh đã yêu một cô gái nhưng cả hai đã chia tay vì cô gái muốn kết hôn còn Huang thì vẫn phân vân về điều đó. Cuối tháng 6/2019, Huang đã đến bệnh viện để phẫu thuật thắt ống dẫn tinh. Anh coi đó là món quà sinh nhật cho chính mình.
"Nuôi dạy một đứa trẻ rất tốn kém và rắc rối nhưng con cái cũng chỉ có thể báo hiếu bạn trong khoảng 10 năm. Cái giá bỏ ra quá cao nhưng lợi nhuận thu về lại rất thấp. Thật không đáng chút nào", Huang nói.
Huang (bên phải) lựa chọn triệt sản ở tuổi 26. Anh từng chia tay bạn gái vì cô muốn kết hôn, có con, còn Huang thì phân vân về điều đó. Ảnh: The New York Times.
Trong xã hội Trung Quốc, quyết định triệt sản, đặc biệt là ở những người đàn ông chưa lập gia đình vẫn là một điều cấm kỵ. Ở nhiều thành phố, bác sĩ yêu cầu bạn đăng ký kết hôn và đồng ý trước khi tiến hành phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ hỏi Huang đã có gia đình và sinh con chưa, anh đã nói dối là có.
Trong khoảng thời gian Trung Quốc thực hiện chính sách chỉ sinh một con, có nhiều người phụ nữ bị buộc phải triệt sản, một số trường hợp hiếm hoi thì nam giới cũng phải thắt ống dẫn tinh.
Việc chính phủ công bố chính sách ba con trong tuần này là nỗ lực mới nhất để đảo ngược những vấn đề đó, nhưng một số nam giới hiện đang tự nguyện chọn biện pháp triệt sản với lý do là muốn chia sẻ gánh nặng tránh thai với người bạn đời khi cả hai cùng theo đuổi lối sống DINK.
Jang, một huấn viên thể hình 29 tuổi ở tỉnh Phúc Kiến cho biết bản thân đã đến 6 bệnh viện để thực hiện thắt ống dẫn tinh nhưng đều bị từ chối với lý do "không xuất trình được chứng nhận kế hoạch hóa gia đình".
Vào tháng 3 năm nay, cuối cùng Jiang đã tìm thấy một bệnh viện ở thành phố Thành Đô sẵn sàng phẫu thuật cho anh. Anh muốn thay đổi quan điểm của mọi người về việc thắt ống dẫn tinh sẽ làm đàn ông trở nên nữ tính hơn.
Trong nhiều thập kỷ qua, người dân Trung Quốc luôn có quan niệm sinh con để nối dõi tông đường, chăm sóc cha mẹ khi về già. Thế nhưng gánh nặng về chi phí sinh hoạt, nuôi dạy con cái đã khiến nhiều người trẻ thay đổi suy nghĩ.
Trung Quốc hiện là quốc gia có số lượng người độc thân cao nhất thế giới, chiếm khoảng 17% tổng dân số tương đương với 240 triệu người.
Nhà nhân khẩu học He Yafu cho biết "Người trẻ hiện nay không có khả năng chịu đựng gian khổ như các thế hệ trước. Thay vì lựa chọn sinh con để có người phụng dưỡng khi về già, họ đã chọn các viện dưỡng lão hoặc mua bảo hiểm hưu trí".
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Women's Research Collection" năm 2018 ước tính chi phí để nuôi dạy một đứa trẻ từ 0 đến 17 tuổi là 191 nghìn nhân dân tệ, gấp 7 lần thu nhập trung bình hàng năm của công dân Trung Quốc.
Rất nhiều người theo đuổi lối sống DINK bày tỏ: "Tôi chỉ muốn cuộc sống hôn nhân chỉ có hai người. Tôi không thích trẻ con, thậm chí tôi còn ghét chúng. Việc nuôi dạy một đứa trẻ rất vất vả. Những giá trị bạn nhận lại không đáng với những thứ bạn đã hi sinh".