CHUYẾN BAY KHÔNG TẶC VÀ SỰ TRỤ VỮNG KỲ LẠ CỦA LẦU NĂM GÓC
Vào lúc 9h37 sáng 11/9/2001, một nhân viên Lầu Năm Góc 62 tuổi, vốn là chuyên gia truyền thông đã nghỉ hưu của Không lực Mỹ, đang ngồi trong xe ô tô "bò" trên con đường đông đúc phía Tây Lầu Năm Góc thì một chiếc máy bay gầm rú lao qua phía trên, thấp đến mức xén ngang ăng ten vô tuyến của chiếc xe phía sau ông ta.
Chiếc máy bay bị không tặc khống chế - Chuyến bay số 77 của hãng hàng không American Airlines – đã chém qua ba cột đèn trong bãi đậu xe của Lầu Năm Góc trước khi lao vào tầng một của tòa nhà và nổ tung thành một quả cầu lửa, ngay lập tức giết chết 125 người bên trong nhà cùng với toàn bộ 64 hành khách trên máy bay, bao gồm 5 tên không tặc.
Mặc dù cuộc tấn công khủng bố thực sự kinh hoàng và những tổn thất vào ngày hôm đó đều rất tàn khốc, nhưng phân tích thiệt hại về cấu trúc cho thấy số người chết tại Lầu Năm Góc có thể còn tồi tệ hơn nhiều nếu không có một số quyết định kỹ thuật quan trọng được đưa ra từ 60 năm trước đó.
Một sự trùng hợp trớ trêu là, việc thi công xây dựng Lầu Năm Góc đã bắt đầu đúng vào ngày 11/9/1941. Nước Mỹ khi đó chưa bước vào Thế chiến thứ 2, nhưng Tổng thống Franklin D. Roosevelt hiểu rằng ông cần một cơ sở vững chắc cho các hoạt động quân sự có thể xảy đến ở gần thủ đô. Sau đó, trong tình trạng khẩn cấp thời chiến, Lầu Năm Góc được hoàn thành trong một thời gian kỷ lục, chỉ 16 tháng, với sự tham gia của 15.000 công nhân xây dựng.
Thép được phân bổ mạnh mẽ cho những nỗ lực thời chiến, vì vậy Lầu Năm Góc được xây dựng gần như hoàn toàn bằng bê tông cốt thép, bao gồm 41.000 trụ bê tông và các đường dốc bê tông thay vì cầu thang kết nối 5 tầng của tòa nhà.
Được hoàn thành vào năm 1943, đến tận ngày nay, Lầu Năm Góc vẫn là tòa nhà văn phòng thấp tầng lớn nhất thế giới, với diện tích làm việc gần 2 triệu mét vuông, đủ sức chứa tới 26.000 người.
Một khu vực của tòa nhà Lầu Năm Góc đổ sụp sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Ảnh: Reuters
Khi công trình được xây dựng, không ai nghĩ rằng Lầu Năm Góc sẽ trở thành một tượng đài mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ, hoặc là một mục tiêu! Trên thực tế, các kiến trúc sư từng nghĩ nó sẽ bị bỏ hoang sau chiến tranh và biến thành một kho lưu trữ khổng lồ. Dự đoán của họ đã sai, nhưng thật tình cờ, nó lại giúp đi đến một quyết định quan trọng.
Tưởng rằng Lầu Năm Góc sẽ cần phải lưu trữ những bộ hồ sơ nặng nề trong một chặng đường dài, Lực lượng Kỹ sư Lục quân Mỹ đã xây dựng công trình này với cấu trúc và sức mạnh vượt trội so với một kiến trúc tiêu chuẩn. Nhờ thế, cấu trúc kiên cố đó cuối cùng có lẽ đã giúp cứu sống hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn người vào ngày 11/9/2001.
Donald Dusenberry là một kỹ sư kết cấu xây dựng, cũng là đồng tác giả của bản báo cáo mang tính bước ngoặt của Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ về thiệt hại tại Lầu Năm Góc trong vụ 11/9 và những bài học kinh nghiệm từ khả năng chống chịu của công trình. Ông Dusenberry đã có mặt tại Vùng Không (Ground Zero) ở thành phố New York chỉ vài ngày sau khi Tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ, cũng như đến kiểm tra hiện trường chiếc máy bay lao vào Lầu Năm Góc.
Trước vụ tấn công Lầu Năm Góc, nhóm không tặc đã cướp 2 máy bay khác lao vào Tòa Tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York và 8h46 và 9h03 sáng cùng ngày 11/9. Ảnh: Getty Images
Điều mà Dusenberry và các đồng nghiệp phát hiện ra sau khi ghi chép và phân tích cẩn thận những thiệt hại với Lầu Năm Góc là: mặc dù 26 cột bê tông ở tầng 1 đã bị phá hủy hoàn toàn và 15 cột khác bị hư hỏng nặng do vụ va chạm dữ dội, các tầng trên của tòa nhà lại không sụp đổ ngay. Trên thực tế, 30 phút sau đó, phần phía trên của khu vực bị máy bay lao vào mới sụp xuống, cho phép mọi người có đủ thời gian để thoát ra ngoài.
Đáng kinh ngạc là không một nhân viên Lầu Năm Góc nào thiệt mạng trong vụ sập từ tầng 2 đến tầng 5 của khu vực xảy ra va chạm. Trong khi đó, hàng nghìn người bị mắc kẹt bên trong Tháp đôi WTC ở New York đã thiệt mạng vì không kịp thoát ra ngoài trước khi các tòa tháp sụp xuống.
Ước tính có khoảng 800 người đang làm việc ở khu vực nơi xảy ra vụ tấn công vào sáng 11/9, ít hơn nhiều so với bình thường. Trong một may mắn đáng kinh ngạc, “Góc” này của tòa nhà trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây trải qua một cuộc cải tạo lớn và mới chỉ có một phần nhỏ nhân viên chuyển về văn phòng của họ. Nếu chiếc máy bay đâm vào bất kỳ khu vực nào khác của tòa nhà vào ngày hôm đó, thì có thể tính mạng của 4.500 nhân viên Lầu Năm Góc đã rơi vào nguy hiểm.