Thiệt hại kinh doanh vì Covid-19, chủ cửa hàng nên thương thuyết với chủ mặt bằng như thế nào?

Thế Trần |

Kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, việc thương thuyết để xin giảm giá tiền thuê mặt bằng là rất cần thiết. Và cần có các bước để thương thuyết với chủ mặt bằng hiệu quả.

Trong bối cảnh nhiều cửa hàng phải đóng cửa hoặc chỉ bán được online, kinh doanh chịu thiệt hại nặng nề trong bão dịch Covid19. Nhiều chủ nhà hàng, quán ăn, quán cà phê phải liên hệ với chủ mặt bằng để xin giảm hoặc thương lượng lại về giá mặt bằng.

Anh Hoàng Tùng, CEO Pizza Home, chuyên gia về F&B, đã có những chia sẻ về cách thương thuyết để mang tính win-win cho cả đôi bên: người thuê và chủ mặt bằng.

Thiệt hại kinh doanh vì Covid-19, chủ cửa hàng nên thương thuyết với chủ mặt bằng như thế nào? - Ảnh 1.

Thương thuyết để xin giảm giá thuê mặt bằng là cần thiết

Theo anh Hoàng Tùng, trong thời kỳ khủng hoảng này, có thể chia ra nhóm công việc theo tính chất chủ động - bị động. Nhóm công việc chủ động là những thứ ta có thể kiểm soát hoàn toàn được, như ngưng kinh doanh, quyết định làm từ xa, đẩy mạnh chuyển dịch sang kênh bán hàng online, giảm thiểu chi phí ….

Nhóm bị động là những thứ ta không kiểm soát được hoàn toàn như xin chủ nhà giảm giá tiền nhà, chính sách của chính quyền thay đổi…

Dựa vào tình hình thực tế là doanh nghiệp đang thuê các mặt bằng đều chịu rất nhiều thiệt hại từ đợt dịch Covid-19. Đặc biệt là trong những ngày qua quy định bắt buộc phải ngưng kinh doanh các cửa hàng dịch vụ để hạn chế lây lan cộng đồng thì việc thương thuyết để xin giảm giá tiền thuê mặt bằng là việc rất cần thiết phải thực hiện.

Theo anh Hoàng Tùng, việc thương thuyết giảm tiền nhà nên bắt đầu từ:

1. Mục đích mình muốn được hỗ trợ bao nhiêu, lấy đó làm dấu mốc để mình thương lượng cho hiệu quả và phải đặt ra mục đích này mang tính Win – Win cho cả đôi bên

2. Đặt lại vị thế - Vị thế khi thương thuyết rất quan trọng. Từ trước đến giờ khi thuê nhà, người thuê nhà rất hay ở thế yếu hơn. Nên đặt lại vị thế này không phải là quan hệ XIN – CHO mà là quan hệ HỢP TÁC ĐỐI TÁC.

Như vậy, khi gặp khó khăn việc đối tác thông cảm và giảm thiểu chi phí cho nhau để hai bên cùng có thể vượt qua khủng hoảng là điều cần thiết và là điều phải làm (các quốc gia khác đã có phong trào Chủ nhà tốt bụng – miễn từ 3-9 tháng tiền nhà).

3. Nên lịch sự trong quá trình thương lượng. Dù được giảm ít hay nhiều cũng nên nhắn gửi, cảm ơn một cách văn minh. Nên việc gặp trực tiếp chủ nhà hoặc chí ít phải gọi điện thoại thương lượng là điều nên làm, không nên thương thuyết qua tin nhắn.

Tuy nhiên khi quá trình thương thuyết đã xong thì một tin nhắn hay gửi mail cảm ơn là điều cần phải làm. Tóm lại, nên ứng xử văn minh, nói chuyện trực tiếp thì dễ có hiệu quả hơn trong quá trình thương lượng.

Chia sẻ với người thuê mặt bằng là việc làm vừa nhân văn, vừa win-win cho cả đôi bên

"Có một số chủ nhà thuê không giảm giá. Và sau khi cân đối lại bài toán kinh doanh, doanh nghiệp thấy rằng điểm thuê đó không gánh được chi phí nếu tiền nhà không giảm nên quyết định thanh lý hợp đồng và trả lại mặt bằng.

Đây cũng là điều đáng tiếc nhưng bắt buộc phải giảm chi phí trong bối cảnh thị trường còn chưa có nhiều tín hiệu tốt trở lại như hiện nay", anh Hoàng Tùng cho biết.

Theo anh Hoàng Tùng, các chủ nhà thuê khác phần lớn đều ít nhiều thông cảm và đồng ý giảm giá. Trong tình hình hiện tại khi các cửa hàng đều gặp khó khăn, tôi nghĩ rằng đó là một việc làm nhân văn và văn minh, thậm chí là khôn ngoan để có thể thực sự tạo được tinh thần chia sẻ Win- Win cho cả người thuê và người cho thuê.

"Bởi tất cả các mặt bằng tôi đã bàn giao trả lại chủ nhà đều rất khó có thể cho thuê lại được ngay. Thậm chí nhiều chủ nhà trước không đồng ý giảm và giờ gọi lại đồng ý giảm nhưng vì đã dọn dẹp hết đồ đạc và xắp xếp lại nhân sự rồi nên tôi cũng không quay lại nữa.

Thế nên hướng đến mục tiêu Win – Win cho cả hai bên thì chúng ta mới đi lâu dài và có thể cùng nhau vượt qua khủng hoảng được", anh Tùng chia sẻ kinh nghiệm.

Thiệt hại kinh doanh vì Covid-19, chủ cửa hàng nên thương thuyết với chủ mặt bằng như thế nào? - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại