Và quả đúng như vậy, sau lời quát của bác chủ nhà trọ, mấy cậu sinh viên chạy ra vừa gãi đầu, gãi tai xin lỗi, vừa bảo nhau tìm cách khắc phục sự cố…
Niềm đam mê NCKH của 10 Sinh Viên ưu tú
"Thủ phạm" của lần thí nghiệm đấu nhầm dây điện gây nổ đó chính là những SV năm thứ 4 ngành Thiết bị Y sinh - Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông – ĐH Thái Nguyên: Phạm Quốc Huy, Trần Thế Bảo, Bùi Minh Hoàng, Trịnh Thanh Huyền, Vũ Hồng Nhung, Bàn Thị Huệ Anh, Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Đức Phúc, Hoàng Thị Chang, Nguyễn Thị Phương Thủy, Tạ Văn Lực.
Họ là những SV khá giỏi của Khoa, đam mê nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong năm 2017 - 2018, nhóm có những sản phẩm mang tính nhân văn, hướng tới đối tượng người khuyết tật.
Thạc sĩ Đinh Quý Long - thầy giáo, hướng dẫn nhóm SV nghiên cứu khoa học tự hào giới thiệu sản phẩm mới nhất ứng dụng kỹ thuật công nghệ hỗ trợ người khuyết tật do nhóm SV nghiên cứu: Thiết bị điều khiển bằng sóng não dành cho người khuyết tật, đặc biệt hỗ trợ đắc lực cho những người bị bại liệt toàn thân.
Sản phẩm khi hoàn thành sẽ giúp người khuyết tật, bệnh nhân đơn giản hóa trong cuộc sống sinh hoạt ở phòng bệnh và cuộc sống hằng ngày; Hỗ trợ người nhà bệnh nhân, bác sỹ, nhân viên y tế dễ dàng hơn trong việc chăm sóc người bệnh; Khai thác triệt để sóng điện não ứng dụng vào y tế và cuộc sống; Tích cực thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 ứng dụng trong y tế.
Theo Thạc sĩ Đinh Quý Long, công nghệ giao tiếp não người - máy tính là lĩnh vực rất mới ở Việt Nam nên chưa có nhiều tài liệu liên quan, việc nghiên cứu tương đối khó khăn. Do đó, các ứng dụng sóng não vẫn còn rất hạn chế, các thiết bị cho sản phẩm hướng tới đối tượng người khuyết tật phải đặt mua từ nước ngoài.
Khởi nguồn ý tưởng từ tháng 5/2017, đến tháng 8 - 9 đặt đồ, tháng 10 thiết bị về đến Việt Nam. Trong thời gian chờ đồ gửi về Việt Nam, nhóm SV dành thời gian để nghiên cứu tài liệu một cách kỹ lưỡng. Công việc được phân chia rõ ràng: Thầy giáo lên ý tưởng, đưa ra cách thức triển khai, đặt đồ lắp đặt, còn sinh viên chế tạo, thiết kế.
Sinh viên Phạm Quốc Huy chia sẻ: Quá trình nghiên cứu chúng em gặp nhiều thất bại. Ứng dụng trên nguồn điện lưới 220V nên đấu nối chập cháy là bình thường. May mắn nhóm em được nhà trường cùng các thầy khuyến khích động viên rất nhiều cả về kinh phí lẫn tinh thần. Thiết bị khoảng 5 triệu đồng, nhưng công sức, mồ hôi của thầy và trò thì không tính xuể!
Hiện bộ thiết bị đang thực hiện ở bước đầu tiên - chiết xuất được tín hiệu điều khiển và đã đọc được các mức độ tập trung của sóng não để điều khiển. Sản phẩm nghiên cứu này thiên về khâu tín hiệu điều khiển gốc, chưa ra được ứng dụng cho từng loại thiết bị.
Mới đây, thành quả nghiên cứu bước đầu của thầy và trò đi thi SV nghiên cứu khoa học cấp trường và đoạt giải 3. "Chúng em sẽ tiếp tục nâng cấp sản phẩm" - Quốc Huy phấn khởi chia sẻ.
Giúp người khiếm thị tự học chữ nổi
Nhóm SV ngành Thiết bị Y sinh, Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông còn rất thành công trong nghiên cứu, chế tạo Thiết bị hỗ trợ quá trình học chữ nổi Braille cho trẻ khiếm thị.
Thạc sĩ Đinh Quý Long cho biết: Khoảng 3 năm trước, người khiếm thị chủ yếu là các bảng học chữ nổi thường được khắc thủ công trên gỗ. Một vài năm gần đây, máy in có khả năng in ra chữ nổi. Tuy nhiên, bảng in chữ nổi này vẫn không giúp các em khiếm thị nhận biết chữ nổi từ đầu, mà chỉ là dành cho các trẻ khiếm thị đã biết chữ nổi rồi.
Việt Nam chưa có sản phẩm để giúp các em từ không biết gì có thể học nhanh nhất hệ thống chữ nổi dành cho người khiếm thị. Sản phẩm nghiên cứu của nhóm SV đã đáp ứng nhu cầu bức thiết đó của người khiếm thị.
Còn SV Bùi Minh Hoàng tự hào giới thiệu về sản phẩm của nhóm: Bảng Braille dành cho người khiếm thị là một bảng chữ rất thô sơ. Người khiếm thị đủ độ trưởng thành, được một người sáng mắt dạy thì mới học được chữ nổi.
Chúng em đã thiết kế ra một bảng điện tử có thể giúp người khiếm thị tương tác trực tiếp, không cần người thân hay thầy cô giáo hỗ trợ cũng có thể chủ động học được chữ nổi.
Với sự hướng dẫn của thầy giáo, bảng điện tử do nhóm SV thiết kế là một khối mã hóa gồm 6 nút để người khiếm thị có thể sờ và bấm. Ví dụ để dạy người mù nhận biết chữ A, nhóm đã mã hóa theo cách học bảng chữ nổi Braille là một dấu chấm nổi. Khi người khiếm thị ấn vào đó thì máy sẽ tự động phát ra chữ A.
Thiết kế dựa trên bảng chữ nổi Braille gồm 6 nút, 2 cột, 3 hàng. Thiết bị có hai chế độ học ở trên lớp và tự học ở nhà. Khi học ở nhà, nhóm tích hợp loa ngoài để học sinh tự học, nghe âm thanh để xem mình đã đọc đúng chữ chưa.
Còn khi học trên lớp, thiết bị sẽ ngắt tín hiệu loa ngoài để sử dụng tai nghe. Hệ thống server có nội dung để gia đình, giáo viên có thể quan sát được quá trình học của học sinh từ xa. Mỗi học viên có một tài khoản riêng để giáo viên quản lý.
Sau quá trình nghiên cứu, sản phẩm đến nay đã khá hoàn thiện, được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi SV nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Thái Nguyên, giải thưởng SV nghiên cứu khoa học Eureka của Thành đoàn TP Hồ Chí Minh năm 2017…
Trong thời gian tới, nhóm SV cùng thầy giáo hướng dẫn sẽ tiếp tục tìm nhà tài trợ để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm, có thể đưa ra hỗ trợ người khiếm thị trong tương lai.