10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị

Aozora |

Trong số những loài vật kỳ quái nhất hành tinh, có không ít những kẻ là chuyên gia sinh tồn, luôn tìm cách để thích nghi và cạnh tranh đến mức không tưởng với các loài xung quanh.

Thú vị nhất, và cũng có phần hơi ghê rợn, là những tên ký sinh với “siêu năng lực” sai khiến vật chủ theo ý mình. Hãy cùng điểm qua 10 "nhân vật đáng sợ" của thế giới tự nhiên:

1. Nấm kiến xác sống (Zombie ant fungus - Ophiocordyceps unilateralis )

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 1.

Hai thân nấm vươn lên khỏi cái xác kiến tội nghiệp

Kiến vốn là những kẻ tìm đường tài tình bẩm sinh, song trong các khu rừng nhiệt đới của Thái Lan, Brazil và châu Phi, loài kiến Camponotus leonardi lại bị dẫn dụ bởi nấm ký sinh Ophiocordyceps unilateralis.

Bào tử nấm nhiễm vào cơ thể kiến sẽ cần 3 đến 9 ngày để phát triển. Khi chuẩn bị hoàn tất vòng đời, nấm sẽ điều khiển "nô lệ" của mình lê bước một cách vô thức, hệt như những xác sống, lên những thân cây cao khoảng 25 cm so với mặt đất. Đó là nơi có độ ẩm lý tưởng cho nấm sinh sôi.

Ngay sau đó con kiến sẽ cắn lấy cắn để lá cây và chết. Trong vòng 24 giờ, các sợi nấm bắt đầu nảy ra từ cái xác và cuối cùng cuống nấm sẽ nhô lên để phát tán các bào tử khắp nền rừng, chuẩn bị diễn lại màn kịch rùng rợn với những nạn nhân khác. Khá giống kịch bản của phim Alien, chỉ trừ việc con kiến được hưởng cái chết êm dịu hơn mà thôi.

2. Giun bờm ngựa cảm tử (Kamikaze horsehair worm - Paragordius tricuspidatus )

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 2.

Loài giun đáng sợ đang chui ra từ cơ thể nạn nhân

Đầu tiên, một con lăng quăng hay ấu trùng phù du sẽ ăn nhầm phải một ấu trùng giun tí hon. Khi vật chủ đầu tiên này trồi lên khỏi mặt nước, chúng bị dế hay châu chấu bắt làm mồi, và ấu trùng giun chuyển sang phần hai của màn kịch, bên trong cơ thể loài côn trùng xấu số.

Song giai đoạn này lại đòi hỏi môi trường nước, mà loài dế thường rất hiếm khi bén mảng đến những nơi như vậy.

Không thành vấn đề. Bằng cách gây rối loạn chức năng thần kinh trung ương của vật chủ, con giun buộc nó phải lao đầu nhảy ùm xuống vùng nước gần nhất. Con dế bất hạnh tự dìm chết mình, tạo điều kiện để giun ta hoàn thành chu trình, thoát ra và sinh sản.

Ben Hanelt thuộc Đại học New Mexico tại Albuquerque, người chuyên nghiên cứu loài ký sinh này, đã từng trông thấy 32 con giun to vật chen chúc nhau chui ra khỏi một cái xác dế.

3. Hàu thiến (Castrator barnacles - Sacculina sp. )

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 3.

Một con cua mang hộ những đứa con của hàu Sacculina

Làm cho con dế tin rằng mình biết bơi đã là ấn tượng, nhưng loài hàu kí sinh sau đây còn đưa nghệ thuật tự hành xác lên một đẳng cấp mới nữa.

Khi tìm được một kẽ nứt nơi khớp càng của cua, hàu Sacculina sẽ bám vào, rạch rộng lớp vỏ cúng và lách mình vào trong, trông giống loài sên hơn là những con hàu thường thấy bám dưới đáy vỏ tàu.

Bên trong cơ thể cua, nó sẽ hút hết dưỡng chất và biến vật chủ thành "nhà trẻ" nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo của mình. Nếu đó là cua cái, hàu Sacculina sẽ buộc nó phải mang và chăm sóc hàng triệu ấu trùng như thể đó là trứng cua thật vậy.

Còn nếu là cua đực? Đơn giản thôi, hãy biến nó thành giống cái! Con hàu sẽ làm khoang bụng cua to ra để chứa ấu trùng, làm teo tuyến sinh dục, ngừng phát triển chiếc càng đồ sộ dùng để chiến đấu. Cuối cùng nạn nhân trở nên vô sinh. Và bạn cũng đã hiểu ý nghĩa cái tên của nó rồi đấy.

4. Sán broodsac sọc xanh (Green-banded broodsac - Leucochloridium paradoxum )

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 4.

Một con ốc hổ phách bị "chiếm đóng" bởi sán broodsac sọc xanh

Con ốc với đôi cuống mắt đồ sộ điểm những sọc màu ngọc lục bảo và xanh olive này trông rất ấn tượng phải không? Chắc chắn bạn sẽ còn kinh ngạc hơn nữa nếu biết vẻ đẹp đó có được là "nhờ" một loài sán ký sinh.

Sán broodsac sọc xanh len lỏi vào cơ thể ốc tại hai cuống mắt, làm chúng phình to, lóng lánh và rung động nhẹ nhàng trông như một con sâu bướm sặc sỡ. Hơn thế nữa, năm 2013, Wanda Wesolowska và Tomasz Weslowski thuộc Đại học Wroclaw tại Ba Lan đã phát hiện loài sán này điều khiển ốc sên hành xử khác với những đồng loại không bị nhiễm.

Ốc bệnh thường tự phơi mình ở nơi trống trải và sáng sủa hơn, bò lên cây cao hơn, và kết hợp với đôi cuống mắt giống sâu, dễ trở thành miếng mồi ngon cho chim chóc, vật chủ tiếp theo giúp lũ sán sinh sản.

5. Ong bắp cày ký sinh bọ rùa (Ladybird parasite - Dinocampus coccinellae )

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 5.

Bọ rùa đang mang những chiếc kén của loài ong ký sinh

Thoạt nhìn có vẻ xinh xắn đáng yêu, bọ rùa thực ra là một tay rất cừ trong việc tự vệ, với đôi cánh cứng lốm đốm đỏ đen báo hiệu nguy hiểm và loại chất độc có mùi ghê tởm được phóng ra khi có kẻ tấn công. Tuy nhiên chúng lại hoàn toàn bất lực trước loài ong bắp cày ký sinh.

Mỗi cú đốt của loài ong này đều để lại một quả trứng trong người bọ rùa. Ấu trùng nở ra sẽ ngấu nghiến nội tạng vật chủ trước khi thoát ra từ bụng con bọ để kết kén bao quanh những chiếc chân. Bọ rùa giờ đây trở thành "vệ sĩ" che chở cho ấu trùng.

Con bọ vẫn sống, và vẫn có thể quẫy đạp chân khi kẻ thù lại gần. Hành vi này là do tác dụng của những độc tố từ ấu trùng ong tiết ra.

Bất ngờ hơn nữa, một nghiên cứu năm 2011 phát hiện đến một phần tư bọ rùa vẫn sống sót sau khi cuộc tấn công của ấu trùng ong kết thúc.

6. Ong bắp cày ngọc lục bảo (Emerald cockroach wasp - Ampulex compressa )

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 6.

Ong bắp cày ngọc lục bảo đang thoát ra từ một xác gián

Loài ong có cơ thể ánh kim phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và các đảo Thái Bình Dương này trông rất đẹp mắt, nhưng lại vô cùng xui xẻo cho lũ gián nếu gặp phải chúng.

Chỉ to bằng một phần sáu vật chủ, con ong trước tiên sẽ phải đốt để làm tê liệt lũ gián. Sau đó mũi tiêm thứ hai truyền một liều chất dẫn truyền thần kinh thẳng tới não bộ giúp nó chiếm quyền điều khiển thân xác của con gián.

Ong bắp cày tiếp đó sẽ cắn vào râu gián và dắt đi như một chú cún ngoan tới tổ của mình. Nó đẻ trứng vào bụng con mồi và chặn tổ bằng đá sỏi.

Con gián hoàn toàn đủ sức chạy thoát thân, song nó hoàn toàn chẳng có ý nghĩ đó mà chỉ ngoan ngoãn nằm chờ ấu trùng ong nở ra và ăn sống mình từ bên trong. Cuối cùng ong trưởng thành sẽ vươn mình ra khỏi lớp vỏ chết còn lại của gián.

7. Toxoplasma ( Toxoplasma gondii )

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 7.

Ký sinh trùng Toxoplasma

Loài sinh vật đơn bào này có lẽ là kẻ điều khiển trí óc được biết đến nhiều nhất, bởi chúng sống ngay gần chúng ta.

Theo một nghiên cứu năm 2007, Toxoplasma có thể thay đổi hành vi của vật chủ ưa thích là chuột, khiến chúng không còn sợ mèo hay tìm cách ẩn nấp, đánh hơi, và thậm chí còn bị hấp dẫn bởi mùi nước tiểu mèo. Điều này khiến chuột dễ bị ăn thịt, và đó là điểm đến tiếp theo của Toxoplasma để hoàn thành vòng đời: dạ dày mèo.

Khoảng 30 đến 60% dân số bị nhiễm T. gondii, nhưng vẫn chưa rõ ảnh hưởng của chúng lên hành vi con người. Năm 2006, một nghiên cứu đã phát hiện vài bằng chứng về sự thay đổi tính cách ở những người bị nhiễm, và loài ký sinh này cũng phổ biến một cách lạ thường ở các bệnh nhân tâm thần phân liệt. Song đến nay vẫn chưa có một khẳng định chắc chắn về vấn đề này.

8. Virus dại

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 8.

Virus dại đang thoát ra từ một tế bào vật chủ

Đây là một trong những kẻ ký sinh đáng sợ nhất, bởi chúng khiến người bị nhiễm hành xử như một con vật. Được lây truyền thông qua nước bọt ở vết cắn hay cào xước, virus dại khiến vật chủ - gồm nhiều loài thú và cả con người – trở nên hung hăng hơn, nhằm dễ dàng phát tán qua việc cắn hay cào cấu đồng loại.

Một biểu hiện khác của bệnh dại là liệt cơ, bao gồm triệu chứng khó nuốt khiến bệnh nhân dần dần suy kiệt vì đói khát, hạ đường huyết và mất nước.

Lời đồn rằng người bị bệnh dại sợ nước là không đúng. Họ chỉ bị co thắt cơ vô thức khi cố gắng uống hoặc tiếp xúc nước, chứ không phải là sợ.

9. Virus cúm

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 9.

Virus cúm H1N1

Năm 2010, Chris Reiber thuộc Đại học Binghamton tại New York cùng các cộng sự đã phát hiện bằng chứng cho thấy virus cúm làm con người trở nên hòa đồng hơn.

Những người tham gia được tiêm vaccine cúm, bản chất là virus bị giết chết hoặc làm yếu đi, và theo dõi trong 48 giờ sau đó. Kết quả cho thấy họ giao tiếp và tương tác với số lượng người nhiều hơn và tham gia vào những đám đông lớn hơn một cách đáng kể so với trước khi tiêm. Người mang virus cũng thích đi tiệc tùng và tới các quán bar nhiều hơn.

Dù mới chỉ là một nghiên cứu quy mô nhỏ nhưng điều này có ý nghĩa của nó. Virus sẽ được hưởng lợi nếu vật chủ tiếp xúc với nhiều người hơn và lan truyền chúng trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện và phải chịu cách li.

10. Sán dây Schistocephalus solidus

10 kẻ ký sinh điều khiển trí óc vật chủ: Đáng sợ như phim kinh dị - Ảnh 11.

Cá lưng gai bị nhiễm sán dây S. solidus

Trong thực tế các vật chủ thường mang trong mình không chỉ một tên ký sinh. Và những kẻ ăn bám này có thể không cùng độ tuổi cũng như các nhu cầu sinh tồn khác, đặc biệt là việc muốn thoát ra ngoài để chuyển sang vật chủ mới. Thế là nảy sinh mâu thuẫn giữa đồng loại với nhau.

Để quan sát hiện tượng này, Nina Hafer và Manfred Milinski thuộc Viện Max Planck về Sinh học Tiến hóa tại Ploen, Đức đã gây nhiễm nhiều sán dây Schistocephalus solidus cho loài giáp xác nhỏ gọi là chân kiếm (copepod - Macrocyclops albidus ).

Loài sán này sau đó phải chuyển sang vật chủ thứ hai là cá lưng gai, bằng cách điều khiển hành vi của chân kiếm, khiến chúng hoạt động tích cực hơn và dễ bị cá lưng gai nhận biết và ăn thịt.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu chân kiếm bị nhiễm đồng thời một sán già đã chuẩn bị chuyển vật chủ và một sán non chưa đủ độ chín muồi, chân kiếm vẫn sẽ trở nên năng hoạt động hơn. Cứ như thể sán non không hề tồn tại vậy.

Hafer và Milinski cho rằng sán già bằng cách nào đó đã áp đảo và phá hỏng "kế hoạch sinh tồn" của kẻ cạnh tranh trẻ tuổi hơn một cách vô cùng hiệu quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại