Vấn đề biến đổi khí hậu luôn nóng trong các cuộc họp APEC
Trong các cuộc họp, APEC đã bàn, đã nói không ít về vấn đề môi trường, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực hướng đến phát triển bền vững, trong đó phải kể đến:
Tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 13 ở Busan (Hàn Quốc), diễn ra vào tháng 11/2005, một trong bảy điểm của Tuyên bố Busan là đối phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp.
Tiếp theo đó, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 15 tại Sydney (Australia), diễn ra tháng 9/2007 thì vấn đề biến đổi khí hậu cũng được các thành viên thảo luận.
Đến Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 21 tại Bali (Indonesia), tháng 10/2013 thì một trong những định hướng lâu dài của APEC 13 là "Lộ trình an ninh lương thực APEC đến năm 2020".
Gần đây nhất, tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 năm 2016, một trong ba nội dung chính của Tuyên bố chung là vấn đề an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước.
Sở dĩ, các nhà lãnh đạo APEC quan tâm đến biến đổi khí hậu không chỉ bởi đây là vấn đề mang tính toàn cầu mà theo giới chuyên gia đánh giá, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực bị tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu và thiên tai.
Hình ảnh vành đai lửa Thái Bình Dương (màu đỏ).
Dưới các hoạt động của con người (như xây dựng, giao thông, sinh hoạt) gây phát thải hàng loạt khí hiệu ứng nhà kính đang ngày càng khiến cho Trái Đất nóng dần lên, hệ quả là thiên tai ngày càng khó lường, các cơn bão ngày càng hung dữ hơn (do bề mặt nước biển ấm lên, tích tụ nhiều năng lượng hình thành bão), băng tan khiến nước biển dâng gây ra hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến nông nghiệp (như ngập mặn, sạt lở...).
Không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại rất nặng nề về kinh tế.
Bài viết dưới đây sẽ trình bày những dạng thiên tai và hệ quả của biến đổi khí hậu điển hình mà nhiều nền kinh tế thành viên APEC đã từng phải hứng chịu.
PHILIPPINES - QUỐC GIA HỨNG CHỊU SIÊU BÃO KHỦNG KHIẾP
Do vị trí địa lý nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương và gần vùng xích đạo nên Philippines thường xuyên phải chịu bão nhiệt đới mạnh và hoạt động địa chất thường xuyên như động đất, núi lửa...
Trong lịch sử, Philippines từng phải hứng chịu những siêu bão và động đất khủng khiếp, khiến hàng nghìn người thiệt mạng:
- Siêu bão thảm khốc nhất trong lịch sử hiện đại Philippines: Đó là siêu bão Yolanda (tên quốc tế là siêu bão Haiyan) đổ bộ vào Philippines hồi tháng 11/2013 với sức gió cực đại đạt tới 315 km/h, được xem là cơn bão chết chóc nhất trong lịch sử hiện đại của quốc gia này; đồng thời, NASA đánh giá Yolanda cũng là một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất trong lịch sử.
Philippines thường xuyên hứng chịu nhiều cơn bão mạnh. Hình ảnh minh họa.
CNN thống kê, 5 tuần sau khi siêu bão chết chóc đổ bộ vào Philippines, ít nhất 6.000 người thiệt mạng, gần 1.800 người mất tích. Theo Hội đồng Kiểm soát và Giảm nhẹ Thiên tai Philippines, khoảng 27.000 người bị thương sau thảm họa kinh hoàng này, đồng thời, 3,9 triệu người phải sơ tán để tránh bão.
- "Sát thủ lúc nửa đêm" - Trận động đất kinh hoàng mạnh 7,9 độ Richter gây sóng thần hung dữ: 0 giờ 11 phút ngày 17/8/1976, một trận động đất mạnh 7,9 độ Richter ngoài khơi bờ biển phía tây của đảo Mindanao, Philippines đã tạo ra một cơn sóng thần hung dữ dọc ở Vịnh Moro (sóng thần cao nhất đạt 9m).
Tính từ năm 1600, đây là trận động đất mạnh nhất trong lịch sử hơn 400 năm của Philippines. Thảm họa kép lúc nửa đêm đã khiến tổng hàng chục nghìn người thương vong: Ít nhất 4.700 người thiệt mạng, hơn 2.200 người mất tích và gần 10.000 người bị thương.
VIỆT NAM - ĐỐI MẶT VỚI ĐẠI NẠN NƯỚC BIỂN DÂNG
Chuyên gia đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu mạnh mẽ nhất thế giới.
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến thiên tai như bão nhiệt đới mạnh thì vấn đề nước biển dâng cao gây hạn mặn là một trong những thách thức to lớn liên quan đến biển đổi khí hậu mà Việt Nam đang phải đối mặt.
Scientific dự báo, đến năm 2050, các trận lũ lụt toàn cầu sẽ tăng gấp đôi nếu Trái Đất cứ theo đà này nóng lên. Lũ lụt và nước biển dâng cao khiến cho các quốc gia, khu vực ven biển có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm.
Nguồn: Phys.org.
Riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đợt hạn mặn xảy ra vào cuối năm 2015 – đầu năm 2016 đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế, cụ thể, VTV cho biết, 11 trên 13 tỉnh thành buộc phải công bố tình trạng thiên tai; Gần 500.000 hecta tổng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại; Trên 82.000 hecta đất tôm nuôi cũng bị thiệt hại; Vào thời gian cao điểm của đợt hạn mặn này, có đến 390.000 hộ thiếu nước sinh hoạt;
Tính đến hết tháng 5/2016, ước tính thiên tai đã gây ra thiệt hại gần 15.000 tỷ đồng. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2017, hạn mặn tiếp tục gây thiệt hại 7.900 tỷ đồng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giới chuyên gia dự báo, nước biển dâng cao khiến cho Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị nước biển mặn xâm nhập khoảng 40% diện tích vào năm 2100.
CHILE - HẠN HÁN VÀ LŨ LỤT SONG HÀNH
Climate News Network cho biết, biến đổi khí hậu gây nên loạt hiện tượng thời tiết cực đoan ở Chile. Nếu như ở phía bắc quốc gia vùng Nam Mỹ này hàng năm phải hứng chịu những cơn mưa xối xả và lũ lụt thì miền nam lại phải chịu đựng hạn hán và cháy rừng liên miên.
Ảnh minh họa: Internet.
Vào năm 2015, tại vùng sa mạc Atacama ở miền bắc Chile, một trong những khu vực khô hạn nhất trên Trái Đất, lại hứng chịu những cơn mưa và lũ lụt khủng khiếp khiến nhiều người chết, cuốn trôi nhà cửa và gây mất điện trên diện rộng.
Ngược lại, ở vùng phía nam trù phú của Chile lại liên tục xảy ra các đợt hạn hán kéo dài, gây cháy rừng và gây nguy hiểm đến hệ thực vật - động vật phong phú nơi đây.
Các nhà khoa học nhận định, hạn hán ở khu vực phía nam Chile (nơi sản xuất nông nghiệp trị giá hàng tỷ đô la cho đất nước này, đồng thời là khu vực trồng nho nổi tiếng) là một xu hướng lâu dài liên quan đến biến đổi khí hậu.
Một trung tâm về khí hậu thuộc trường Đại học Pontifical Catholic (Chile) dự báo, đến năm 2040, lượng mưa trong khu vực có thể giảm 10%; và giảm 30% vào cuối thế kỷ 21. Tuy nhiên, nhiệt độ sẽ tăng cao hơn 1°C so với mức trung bình lịch sử trong 25 năm tới, và tiếp tục tăng thêm từ 2,5°C đến 3,5°C vào năm 2100.
TRUNG QUỐC - Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ MỨC BÁO ĐỘNG ĐỎ
TTXVN cho hay, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới về lượng khí thải nhà kính, nguyên nhân chủ yếu gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Do đó, hệ quả lớn nhất từ biển đổi khí hậu đối với quốc gia này là ô nhiễm không khí nặng nề. Và thực tế là, Trung Quốc nằm trong danh sách một trong những nước ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới.
Đầu năm 2017, có 20 thành phố của Trung Quốc đặt trong tình trạng báo động đỏ về ô nhiễm không khí (mức báo động cao nhất), trong đó, Bắc Kinh là nơi ô nhiễm không khí nặng nề.
Một người dân Trung Quốc ra đường với mặt nạ bảo vệ. Ảnh: Andy Wong/AP Photo
Các chuyên gia cảnh báo, bụi siêu vi PM2.5 lơ lửng trong không khí, kết quả từ nguồn khí thải từ hoạt động giao thông, nhà máy, xây dựng, dân sinh... có thể gây nên hàng loạt các bệnh nguy hiểm như làm giảm chức năng của phổi, gây các bệnh tim mạch, gây ung thư và tử vong sớm.
Theo một công trình nghiên cứu của Mỹ đầu năm 2017, tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề tại Trung Quốc có thể khiến hơn 1 triệu người dân nơi đây chết sớm.
MỸ - NẮNG NÓNG VÀ BÃO LŨ KINH HOÀNG
Chỉ đứng sau Trung Quốc, nước Mỹ là quốc gia phát lượng khí thải nhiều thứ hai trên thế giới. Khí thải nhà kính sẽ khiến cho nhiệt độ Trái Đất ấm dần lên. Hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan vì thế mà xảy ra liên tục, như nắng nóng, hạn hán, mưa bão, lũ lụt...
Các chuyên gia nhận định, nhiệt độ trung bình tại Mỹ đang ngày càng tăng cao. Đã có lúc nhiệt độ vượt ngưỡng kỷ lục trong vòng 1.500 năm.
Đơn cử, chỉ tính riêng mùa hè năm 2017, người dân bang Arizona đã phải trải qua mùa hè nắng nóng dữ dội với nhiệt độ lên đến 49 độ C. Cơ quan khí tượng quốc gia Mỹ nhận định, lần đầu tiên trong 20 năm qua, bang Arizona phải hứng chịu mùa hè với nhiệt độ khủng khiếp như vậy.
Ảnh minh họa: AP Photo/Matt York
Nắng nóng gây nên các đợt sốc nhiệt dữ dội, và cũng khiến cho các cơn bão từ Đại Tây Dương ngày càng mạnh hơn. Hai siêu bão Harvey (tháng 8/2017) và Irma là ví dụ.
Nếu như Harvey là siêu bão mạnh nhất đổ bộ vào Mỹ kể từ năm 2004, gây ra lũ lụt nghiêm trọng chưa từng thấy tại bang Texas, đồng thời gây thiệt hại hơn 50 tỷ USD; thì Irma là cơn bão mạnh nhất trên Đại Tây Dương trong vòng 10 năm qua, khiến khoảng 50 người thiệt mạng và thiệt hại khoảng 9,9 tỷ USD.
Còn rất nhiều thành viên APEC đã, đang phải hứng chịu rất nhiều thảm họa tự nhiên và hậu quả của biến đổi khí hậu, với 5 thành viên điển hình nêu trên cùng những thách thức của biến đổi khí hậu mà mỗi thành viên phải trải qua cho thấy, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu không chừa một ai.
Để đảm bảo phát triển bền vững và an ninh lương thực, thành viên APEC chung tay hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu - một trong những vấn đề toàn cầu nóng bỏng hiện nay.
Bài viết sử dụng các nguồn: NASA, Climate News Network, CNN