Hòn đảo của những người mù màu
Pingelap - một hòn đảo san hô nhỏ thuộc Liên bang Micronesia, đảo quốc có diện tích 720 km vuông ở Thái Bình Dương - còn có tên gọi ấn tượng khác là "Đảo Mù màu". Đó là biệt danh mà Oliver Sacks đã đặt cho nó trong một cuốn sách khám phá về bộ não con người của ông, xuất bản năm 1996.
Pingelap đã thu hút sự quan tâm của Sacks và nhiều nhà khoa học khác bởi tình trạng đặc biệt của nó. Đây được xem là một trong những nơi có tỷ lệ người mắc chứng achromatopsia (mù màu toàn phần) cao nhất thế giới. Trong khi tỷ lệ người mắc chứng này trung bình toàn cầu là 1/30.000 thì tại Pingelap, tỷ lệ đó vào khoảng 4% đến 10% dân số.
Jaynard – một cậu bé mù màu đang chơi trong vườn. Ảnh: Sanne De Wilde.
Cuộc sống bình dị của người dân "Đảo Mù màu". Ảnh: Sanne De Wilde.
Vạn vật dưới lăng kính của những đôi mắt mù màu
Chính tình trạng khác lạ của hòn đảo cùng những khái niệm vô cùng lạ lẫm về màu sắc của người dân nơi đây đã truyền cảm hứng cho Sanne De Wilde – một nữ nhiếp ảnh người Bỉ thực hiện loạt ảnh đáng kinh ngạc về di truyền học. Trong chuyến thăm Pingelap năm 2015, cô đã đặt mình vào "lăng kính" của những người mù màu để tạo ra một thế giới khác lạ nhưng đẹp đến ngây ngất trong những đôi mắt mù màu.
Theo mô tả của nữ nhiếp ảnh, Pingelap là "một chấm bé xíu giữa đại dương bao la xanh thẳm". Nơi đây không có bất kỳ hàng quán nào. Người dân trên đảo sống nhờ dừa và cá đánh bắt được. Cuộc sống của họ "hết sức nguyên sơ".
Những bức ảnh của Sanne De Wilde về đảo Pingelap đã vẽ nên một thiên nhiên hoàn toàn khác lạ. Đó là một thiên đường nhiệt đới với thảm thực vật "màu hồng nhạt", biển cả "màu xám" và dân địa phương là những con người "đen - trắng".
Thiên nhiên đẹp lạ thường. Ảnh: Sanne De Wilde:
Những người bị mù màu tại đảo Pingelap cho biết họ chủ yếu chỉ nhìn thấy hai màu trắng và đen. Ngoài ra, họ cũng lờ mờ nhìn được một số biến thể của màu đỏ và xanh lam. Nhiều người trên đảo còn cho biết họ đặc biệt thích "màu xanh lục" – màu của cây cối dù đó là sắc tố khó nhận diện nhất.
Để mô phỏng hình ảnh trong mắt người mắc chứng achromatopsia, nữ nhiếp ảnh đã thực hiện một số điều chỉnh màu và sử dụng thấu kính hồng ngoại để biến sắc hoặc làm mất một số màu nhất định trong khi chụp hình. Ngoài ra, cô còn nhờ một vài người mắc chứng này vẽ chồng lên các hình ảnh bằng màu nước để phản ánh cách họ nhìn nhận thế giới.
Nhiếp ảnh gia người Bỉ chụp hình trắng đen một con vẹt – biểu tượng của sắc màu – rồi yêu cầu một người mắc chứng achromatopsia tô màu nước lên dù người này không thể nhận biết rõ các màu. Ảnh: Sanne De Wilde.
Hình ảnh trắng đen của một cậu bé Pingelap cầm trên tay một vật cháy, sau đó được một người mù màu tô lại bằng màu nước. Ảnh: Sanne De Wilde.
De Wilde chia sẻ: "Những người mắc chứng mù màu cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng và đó thực sự là khó khăn lớn đối với họ khi nơi đây vốn là một hòn đảo nhiệt đới nắng gắt. Vào ban ngày, thế giới trông như đang bị đốt cháy khiến họ khó có thể mở mắt khi ra khỏi nhà. Họ hoàn toàn không nhìn thấy màu sắc.
Vì vậy mà gần như mọi thứ đều mang những sắc thái khác nhau của màu xám – chúng nằm đâu đó giữa đen và trắng".
Phản ứng của một người bị mù màu khi nhìn vào ánh sáng đèn flash trong lúc chụp hình. Ảnh: Sanne De Wilde.
Jaynard đang chơi với một bóng đèn disco đa sắc. Khi Sanne hỏi cậu bé nhìn thấy gì, cậu bé trả lời: "Màu sắc". Ảnh: Sanne De Wilde.
Jaynard trèo cây để chơi và hái hoa quả ngoài vườn, ánh nắng chiếu qua tán cây khiến cậu bé chói và nhắm chặt mắt lại, Sanne kể. Ảnh: Sanne De Wilde.
Tâm sự về dự án "Đảo Mù màu" của mình, nữ nhiếp ảnh cho biết:"Điều tôi đang cố gắng thực hiện là giới thiệu đến mọi người một cách nhìn nhận và tương tác hoàn toàn mới đối với thế giới". Cô nói thêm: "Màu sắc dường như chỉ là một từ đối với những người không thể nhìn thấy chúng".