Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thìa làm từ nhiều chất lượng khác nhau, trong đó phổ biến nhất là thìa inox - chất liệu cao cấp với độ sáng bóng cao, độ bền tốt. Tuy nhiên, sau một thời gian dài sử dụng, dưới tác động của môi trường cũng như thức ăn, nhiều chiếc thìa inox chuyển sang màu đen. Việc tiếp tục dùng chúng liệu có phải là lựa chọn đúng?
Thìa inox chuyển sang màu đen nên dùng tiếp hay vứt đi?
Có nhiều loại inox khác nhau như inox 201, inox 304, inox 430..., mỗi loại có những ưu điểm và hạn chế khác nhau.
- Inox 430 chứa 15% crom cùng với sắt và những thành phần khác, không chứa nicken. Đặc điểm nổi bật của chất liệu này là vẻ ngoài sáng bóng, có tính nhiễm từ nên có thể sử dụng trên bếp từ và an toàn cho sức khoẻ. Tuy nhiên, inox 430 lại khá mỏng, khả năng chịu ôxy hoá kém và dễ bị hoen ố sau thời gian dài sử dụng.
- Inox 201 chứa 18% crom, 3% niken cùng sắt và những thành phần khác; thường được dùng để làm những vật dụng nhà bếp như nồi, chảo, bình giữ nhiệt... Inox 201 có ưu điểm nổi bật là giá thành rẻ, độ bền tương tối, nhẹ và an toàn cho sức khoẻ người dùng.
- Inox 410 chủ yếu được sử dụng để chế tạo muôi, đũa, thìa... Nó chứa khoảng 11,5% crom, có tĩnh nhiễm từ, giá cả phải chăng, cầm nhẹ tay và an toàn cho sức khoẻ. Tuy nhiên, Inox 410 lại dễ bị trầy xước, hoen ố sau thời gian dài sử dụng.
- Inox 304 có 10% crom, 10% niken cùng với sắt và các thành phần khác. Đây được xem là loại inox tốt nhất hiện nay trong sản xuất đồ gia dụng bởi nó sáng bóng, bền đẹp, khả năng chống ôxy hoá cao, không bị han gỉ. Tuy nhiên, những thiết bị gia dụng có chất liệu bằng inox 304 lại có giá thành khá cao, cầm nặng tay và không nhiễm từ nên không sử dụng được ở bếp từ. Nồi, chảo làm từ inox 304 thường được phủ thêm một lớp inox 430 mới có thể sử dụng được trên bếp từ.
Sau một thời gian sử dụng, có thể do phản ứng hoá học với thức ăn có axit, tiếp xúc trực tiếp với hoá chất hoặc bị oxy hoá nên thìa inox chuyển sang màu đen. Để kiểm tra xem có nên tiếp tục sử dụng chiếc thìa đó hay không, bạn có thể áp dụng cách sau: Dùng nước chanh hoặc giấm để lau, sau đó rửa sạch bằng nước ấm hoặc sử dụng baking soda pha với nước, tạo thành hỗn hợp bột nhão rồi chà lên bề mặt thìa.
Nếu thìa trở lại màu sắc bình thường, không có dấu hiệu bị ăn mòn, hư hỏng thì có thể tiếp tục sử dụng. Ngược lại, nếu thìa không được khôi phục, có dấu hiệu bị hư hại thì bạn nên vứt đi để bảo đảm an toàn cho sức khoẻ.
Mặc dù thìa inox chuyển sang màu đen không phải lúc nào cũng gây nguy hiểm nhưng sau một thời gian sử dụng, bạn nên tổng vệ sinh toàn bộ thìa inox, bỏ đi những chiếc thìa đã cũ và nên lựa chọn những chất liệu inox xịn để có trải nghiệm tốt và an toàn nhất.
Những lưu ý khi sử dụng đồ inox
Để đồ gia dụng bằng inox có độ bền cao, bạn cần lưu ý những điều sau khi sử dụng:
- Không dùng chất tẩy rửa có clo để vệ sinh các dụng cụ inox vì sẽ gây ăn mòn cũng như làm giảm tuổi thọ của sản phẩm.
- Không dùng đồ inox đựng thực phẩm có axit mạnh như giấm, chanh... trong thời gian dài vì dễ gây mòn, làm giảm chất lượng cũng như tuổi thọ của món đồ.
- Khi vệ sinh những đồ dùng, dụng cụ bằng inox, không nên dùng miếng chà nhám, cọ sắt vì dễ gây trầy xước.