Thị trường lao động những tháng cuối năm 2021: Ngành nào sẽ hot?

PV |

Thay vì để toàn bộ nhân sự làm việc tại chỗ, các doanh nghiệp sẽ dần đưa 30% hoặc 50% lực lượng lao động trở lại văn phòng trong vài tháng đầu tiên. Do đó, việc tuyển dụng sẽ trở lại bình thường với hình thức "kết hợp", bao gồm cả các cuộc gặp mặt trực tiếp và trực tuyến.

Adecco Việt Nam công bố bản cập nhật thị trường lao động Quý 3/2021, chia sẻ thông tin về nhu cầu và xu hướng tuyển dụng nổi bật trong quý này, dự báo cho quý kế và đưa ra đề xuất cho các doanh nghiệp trong việc quay trở lại văn phòng.

Nhu cầu tuyển dụng trong Q3/2021

Trong những tháng vừa qua, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lan rộng khắp cả nước, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và thị trường lao động. Đặc biệt, ở khu vực phía Nam, tình trạng giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị số 16 và các chỉ thị phòng dịch khác đã làm gián đoạn nhiều hoạt động thương mại và dịch vụ.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc Văn phòng Adecco Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao trong quý này vẫn có những tín hiệu tích cực ở một số lĩnh vực.

Cụ thể, so với cùng kỳ năm trước, dữ liệu từ Adecco Việt Nam cho thấy nhu cầu tuyển dụng tăng 10%, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ.

Nhu cầu ở lĩnh vực này cao hơn 30% so với quý 3 năm ngoái, tập trung vào các vị trí cấp cao liên quan đến hỗ trợ công nghệ và vận hành thương mại điện tử. Bất chấp các hạn chế của mô hình "3 tại chỗ", các công ty năng lượng và sản xuất vẫn dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng các chuyên gia Quản lý Dự án, Đảm bảo Chất lượng và Vận hành Chuỗi Cung ứng cấp cao.

Lĩnh vực công nghệ với các nền tảng thương mại điện tử, thuê ngoài, và các hoạt động kỹ thuật số, một lần nữa dẫn đầu về số lượng nhân sự tuyển dụng.

"Điều đó cho thấy ở thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp xem các diễn biến này là bình thường, và họ chủ động phản ứng thông qua Kế hoạch liên tục kinh doanh (Business Continuity Planning).

Ngoài ra, thị trường phương Tây đã trở lại bình thường, mà Việt Nam với tư cách là trung tâm sản xuất và dịch vụ, sẽ được hưởng lợi", ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc bộ phận Tuyển dụng, Adecco TP.HCM, cho biết.

"Ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia tuyển dụng các nhân sự mới tại Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào đội ngũ nhân sự vùng hoặc toàn cầu như trước đây.

Ví dụ như các vị trí kiểm toán nội bộ. Nếu như trước đây, các công ty này thường sử dụng các nhóm kiểm toán từ vùng thì gần đây, nhiều công ty đã tuyển các vị trí mới là nhân sự địa phương cho đội ngũ ở Việt Nam", bà Đặng Thị Thái Hòa, Phó Giám đốc bộ phận Tuyển dụng, Adecco TP.HCM, nhấn mạnh xu hướng nổi bật trong những tháng vừa qua.

Bà Đặng Thị Thái Hòa giải thích rằng lý do của xu hướng này khá đa dạng: "Một số công việc cần phải thực hiện tại chỗ, trong khi vấn đề hạn chế đi lại giữa các nước khiến việc đi công tác nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Việc mở các vị trí mới sẽ thuận lợi hơn đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, một số doanh nghiệp quyết định mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, nên việc tuyển người mới với chi phí nhân sự hợp lý là điều dễ hiểu."

Tuy nhiên, do việc áp dụng các chính sách hạn chế di chuyển nghiêm ngặt, mọi hoạt động tuyển dụng và giới thiệu nhân viên mới đều được thực hiện từ xa. Bà Đặng Thị Thái Hòa chia sẻ: "Mặc dù việc chào đón nhân sự mới hiện gặp khó khăn do doanh nghiệp không thể giao các loại thiết bị làm việc hoặc gắn kết đội ngũ, nhưng nhiều công ty vẫn tiến hành tuyển dụng, sau đó hoãn ngày nhân viên mới đi làm cho đến khi đại dịch được kiểm soát".

Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ các vị trí chuyên biệt đòi hỏi việc thể hiện kinh nghiệm và đánh giá tại chỗ, chẳng hạn như Nghiên cứu và Phát triển hoặc Kỹ thuật và Phát triển Sản phẩm, đành tạm dừng tuyển cho đến khi có thể thực hiện phỏng vấn và đánh giá trực tiếp.

Thị trường lao động những tháng cuối năm 2021

Dự đoán về tình hình lao động trong thời gian tới, bà Nguyễn Thu Hà cho biết sẽ có nhiều kịch bản diễn ra tùy theo khả năng kiểm soát đại dịch. Tuy nhiên, bất kể tình hình như thế nào, một số lĩnh vực đã, đang, và sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

"Việc nhân viên phải làm việc từ xa qua Internet khiến các công ty phải tăng cường nhân sự cho bộ phận quản trị mạng và cơ sở dữ liệu. Thêm vào đó, lưu trữ đám mây đang thúc đẩy quá trình số hóa tại các doanh nghiệp nhanh hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến nhu cầu về kỹ sư CNTT sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ", bà Nguyễn Thu Hà cho biết.

Bà cũng tin rằng đại dịch COVID-19 đã làm cho các thành tựu y học trở nên đáng chú ý hơn. Nhân tài trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học và phân tích dữ liệu sẽ tiếp tục được săn đón để nghiên cứu các giải pháp ngăn ngừa, điều trị và kiểm soát bệnh tật.

"Khoa học ứng dụng, công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực sản xuất cũng sẽ được quan tâm và đầu tư hơn để đảm bảo sự giãn cách trong môi trường sản xuất hoặc tại điểm bán hàng", bà Nguyễn Thu Hà tiếp tục.

73,7% doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất quý 4/2021 sẽ ổn định và tốt hơn, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê . Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể gặp trở ngại khi tuyển dụng số lượng lớn.

Trong đợt giã cách xã hội kéo dài, nhiều người lao động đã rời các khu công nghiệp về quê, và chưa hoặc sẽ không quay trở lại. Điều này xảy ra trong các ngành công nghiệp sử dụng lượng lao động lớn như may mặc, dệt may, da giày và đồ gỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương cũng nhấn mạnh: "Các lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng sẽ cần nhiều nhân sự hơn cho mùa kinh doanh cuối năm, trong khi các công ty dịch vụ sẽ tăng dần nhu cầu tuyển dụng do họ đã mất đi một phần lực lượng lao động sau nhiều tháng đóng cửa".

Mặt khác, các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ ăn uống, du lịch, văn phòng dịch vụ và các lĩnh vực yêu cầu tiếp xúc trực tiếp (biểu diễn nghệ thuật, sự kiện cộng đồng, bán hàng tại chỗ, thẩm mỹ, ...), sẽ tiếp tục phải đối mặt nhiều thách thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại