Thị trường bất động sản đi xuống khiến người đi vay khó chồng thêm khó

Văn Tuệ |

Từ đầu năm, không ít hợp đồng tín dụng đã có mức lãi vay trên 10%/năm. Bên cạnh đó, việc các thị trường tài sản liên tục tụt dốc cũng khiến cho người đi vay gặp không ít khó khăn.

Chị Lưu Khánh Nguyên, chủ một chuỗi nhà hàng tại TP.HCM có chia sẻ, vừa qua, chị thế chấp một ngôi nhà để vay vốn tu sửa cho nhà hàng chuẩn bị vào mùa cưới. Bình thường, căn hộ này có thể đảm bảo được khoản vay 2-2,5 tỷ, nhưng năm nay hạn mức tối đa chỉ là 1,5 tỷ. Phía ngân hàng giải thích là do thị trường bất động sản chững lại nên định giá bất động sản bị ảnh hưởng và phải hạ hạn mức cho vay. Lãi suất lần này cũng cao hơn so với các khoản chị đã vay hồi đầu năm nay, đồng thời còn phải mua kèm bảo hiểm.

Anh Trần Chí Vinh đang kinh doanh tại quận 2, TP.HCM cũng cho biết, anh rất bất ngờ khi bất động sản dự định dùng thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng lại được định giá thấp hơn 50% so với giá thực tế đã mua và hạn mức tín dụng được cấp cũng ít hơn so với nhu cầu.

"Hạn mức mình được vay không tương xứng với giá trị của ngôi nhà và cũng không đủ với nhu cầu. Chưa kể, nếu tính tổng các chi phí gồm lãi vay, phí thẩm định, bảo hiểm,… và so sánh với lợi nhuận có thể thu được từ đầu tư khoản tiền này, hòa vốn cũng là một điều khó", anh Vinh cho biết.

Việc phải có tài sản thế chấp từ lâu đã là một trong những rào cản hàng đầu đối với việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Theo các kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 (PCI 2021) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi đầu năm 2022, có tới 81% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng vấn đề gây trở ngại nhất khi tiếp cận tín dụng vẫn là họ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp. Các trở ngại phổ biến xếp thứ hai và thứ ba lần lượt là "thủ tục vay vốn phiền hà" (46% doanh nghiệp đồng ý) và "ngân hàng thương mại áp dụng các điều kiện tiếp cận tín dụng bất lợi" (42% doanh nghiệp tán thành).

Liên quan đến việc hạn mức cho vay không được nhiều, theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, "Thực trạng hiện nay có đến 70% tài sản đảm bảo tại các ngân hàng là BĐS, nếu cho vay ồ ạt khi giá BĐS bị đẩy quá cao, bản thân các ngân hàng sẽ là bên chịu nhiều rủi ro khi thị trường gặp biến động".

Thực tế, một lãnh đạo ngân hàng thương mại từng chia sẻ, để đảm bảo an toàn hoạt động, các bất động sản thế chấp sẽ được định giá thấp hơn từ 20-30% so với giá thị trường. Trong bối cảnh giá bất động sản chưa có những dấu hiệu tích cực, điều này lại có thể gây nên không ít khó khăn cho người vay vốn.

Ở một diễn biến khác, theo báo cáo Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), trong quý 3 năm nay, giá bất động sản đã chững lại, xuất hiện nhiều hình thức khuyến mãi, tặng quà, chiết khấu khi bán sản phẩm. Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn, đầu cơ đất nền gần như bị triệt tiêu. "Trong bối cảnh thị trường khó khăn, sắp tới việc quyết định giá sẽ không do chủ đầu tư, cũng không phải môi giới, mà những người có nhu cầu nhà ở thật sẽ quyết định giá bán nhà trên thị trường. Chủ đầu sẽ phải điều chỉnh giá cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân là xu hướng tất yếu trong thời gian tới", ông Nguyễn Chí Thanh tổng thư ký VARS dự báo về giá thị trường bất động sản sắp tới.

Với việc lãi suất vẫn chưa có dấu hiệu ngừng tăng trong khi khả năng giá bất động sản còn giảm thì việc vay vốn hay dùng tài sản thế chấp của người dân, doanh nghiệp tại ngân hàng thời gian tới sẽ khó càng thêm khó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại