Thi tốt nghiệp THPT 2022: Thủ khoa bật mí "chiêu độc" để đạt điểm cao

Minh Hoa (t/h) |

Gần chục ngày nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra. Hai thủ khoa có thành tích "khủng" trong kỳ thi năm 2021 đã chia sẻ bí kíp giúp các sĩ tử năm nay đạt điểm cao.

Bí quyết ôn tập trong những ngày đếm ngược

Là thủ khoa khối B toàn quốc và là thí sinh duy nhất đạt 3 điểm 10 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Võ Thị Kim Anh, sinh viên năm nhất Trường Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ những "bí kíp" ôn thi và làm bài tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt nhất.

Thi tốt nghiệp THPT 2022: Thủ khoa bật mí chiêu độc để đạt điểm cao - Ảnh 1.

Thủ khoa khối B toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 Võ Thị Kim Anh. Ảnh nhân vật cung cấp/ Báo Hà Tĩnh.

Thủ khoa tuyệt đối chia sẻ trên Tiền Phong, thời gian này là “vàng” cho việc ôn tập, các bạn cần biết tiết kiệm. Khi đã ngồi vào bàn học hãy tắt các thiết bị điện tử bởi nó là một trong những tác nhân khiến bạn xao nhãng, không tập trung.

Theo Kim Anh, thời điểm này là lúc cần ôn lại một lượt các kiến thức cơ bản, nếu không ổn phần nào thì cần bổ sung ngay. Đừng quá phụ thuộc vào các thuật toán tính nhanh khi chưa chắc kiến thức, tuy nhiên nếu đã chắc kiến thức hãy tham khảo.

Thêm vào đó, Kim Anh cho rằng, lúc này cần điều chỉnh lại đồng hồ sinh học. Nếu không tập dần thói quen ngủ sớm có thể đến lúc gần thi bạn sẽ trằn trọc khó ngủ, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng kỳ thi.

Luyện đề cũng cần đảm bảo chất lượng, cố gắng ghi chép những câu sai, ôn lại kiến thức ở những phần sai. Từ đó, bạn sẽ rút được rất nhiều kinh nghiệm từ những lần sai đó, đừng quá nản lòng khi sai nhiều.

Giai đoạn này luyện đề đúng cách cũng rất quan trọng. Một số kinh nghiệm của Kim Anh trong giai đoạn “cày đề” là: Không làm đề một cách sáo rỗng. Nhiều người nghĩ rằng làm càng nhiều đề càng tốt, chỉ cần làm và xem đáp án là xong nhưng như thế sẽ dẫn đến tình trạng như học vẹt. Vốn dĩ dù có hiểu bài, bộ não cũng cần thời gian để “luyện tập”.

Vì vậy, trong lúc luyện đề hãy cố gắng làm lại ít nhất 2 lần với những bài mình còn vướng mắc.

Thủ khoa 30 điểm chia sẻ thêm, các bạn học ôn cần chuẩn bị một quyển vở để ghi chép những lỗi sai và cách giải sau đó có thể xem lại lúc nào rảnh.

Võ Nhật Minh, sinh viên năm nhất Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt - Đại học Y Hà Nội, thủ khoa khối C02 toàn quốc năm 2021 (Toán 9 điểm, Hóa học 10, Ngữ Văn 9,25), ngoài ra Minh còn đạt 28,5 điểm khối B, cũng khuyên các sĩ tử rà soát và ôn chắc lại kiến thức sách giáo khoa.

Thời điểm này, học sinh không nên ôn nhiều dạng vận dụng cao. Thông thường, khoảng thời gian tháng 2 đến tháng 5 là lúc để ôn tất cả các dạng vận dụng và vận dụng cao.

"Nếu tiếp tục “lao đầu” vào ôn dạng vận dụng cao ở chặng cuối này, học sinh sẽ rất dễ quên những kiến thức cơ bản thông hiểu và nhận biết. Điều này khiến bạn dễ sai và mất điểm ở những câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản dễ “ăn điểm” nhất", Minh chia sẻ với VnExpress .

Theo Minh, ngoài kiến thức cơ bản, học sinh nên tập trung ôn luyện các cách, mẹo giải nhanh và rèn luyện kỹ năng bấm máy tính.

Về kỹ năng luyện đề, học sinh phân chia đề theo các mức và ôn luyện thuần thục theo phân tách độ khó. Theo Nhật Minh, cách luyện đề cơ bản và tốt nhất là in ra số lượng đề lớn (30-40 đề). Sau đó, chúng ta không xử lý từng đề mà xử lý diện rộng 30-32 câu đầu của tất các đề, trong một quỹ thời gian.

Mục đích của việc này là giúp củng cố kỹ năng xử lý kiến thức nền tảng trong từ 3-5 phút, từ đó tiết kiệm thời gian cho các câu tìm kiếm điểm 9-10.

Các câu hỏi trong đề thi thử cũng như thi thật được sắp xếp theo "ma trận" độ khó tăng dần, học sinh dễ ghi điểm ở các câu đầu tiên nhất.

Nhật Minh nhận định, đề thi tốt nghiệp phân thành 4 mức (về độ khó) tương ứng với các mức điểm số có thể đạt. Mức tốt nghiệp (7+), mức 8+, mức 9+ và mức 9,5+. Trong đó, 30-32 câu đầu của các đề là dạng câu dành cho đối tượng tốt nghiệp và mức 8+. Mức độ này, học sinh phải rèn luyện một cách nhuần nhuyễn.

Sau khoảng 30-32 câu đầu, học sinh bắt đầu đi vào chinh phục các câu vận dụng và vận dụng cao (từ câu 33 trở đi). Theo mẫu đề minh họa của Bộ, các câu vận dụng cao sẽ có dạng chuyên đề giống nhau. Học sinh ôn cùng lúc để quen dần các dạng câu, từ đó rút ra kinh nghiệm xử lý các dạng một cách nhanh và chính xác.

Việc phân tách theo độ khó để giải quyết giúp học sinh rèn luyện mạch tư duy, không bị xáo trộn giữa nội dung kiến thức nhận biết và vận dụng cao.

Về cách làm đề, Nhật Minh cho rằng, cách làm đề hiệu quả nhất là đừng giữ sạch đề. Khi làm đề, hãy gạch chân dưới những "từ khóa", con số quan trọng và tập trung giải quyết chúng, không bị rối trí bởi nhiều thông tin không quan trọng đưa ra trong đề.

Theo Minh, những kinh nghiệm trên có thể áp dụng cho ôn luyện nước rút tất cả các môn thi trong kỳ thi.

Làm sao để đạt điểm cao?

Để đạt kết quả cao, theo thủ khoa khối B Võ Kim Anh, yếu tố tâm lý rất quan trọng. Thời điểm này các bạn rất áp lực, đôi lúc sẽ mất định hướng trong việc học. Kim Anh tâm sự, để tránh tình trạng này, trước đây bản thân em suy nghĩ sẽ cố gắng hết sức, không quá áp lực vào nguyện vọng 1. Đồng thời, một yếu tố khá quan trọng lúc này là sự động viên của bố mẹ, thầy cô sẽ giúp các bạn giảm bớt áp lực đó.

Thủ khoa này cho rằng, trong phòng thi yếu tố quan trọng để có kết quả cao là phải có tinh thần thoải mái. Bởi kỳ thi này các bạn đã chuẩn bị rất lâu, cho nên lúc bước vào phòng thi hãy giữ cho bản thân một sự tự tin, tận hưởng như thể đây là lần cuối được giải đề cố gắng hết sức mình.

Khi gặp bài khó đừng hoảng, bởi khó thì khó chung không riêng gì mỗi bản thân mình. Cố gắng hoàn thành những câu dễ trước, tối ưu điểm số hết khả năng mình.

“Đây là một kỳ thi hết sức quan trọng nhưng đừng quá áp lực hay đặt nặng mục tiêu nguyện vọng 1 quá. Kết thúc mỗi phần thi, nhớ rằng đừng "check" đáp án trên mạng, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tâm lý đến môn thi sau, hãy chờ đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT”, thủ khoa chia sẻ.

Thi tốt nghiệp THPT 2022: Thủ khoa bật mí chiêu độc để đạt điểm cao - Ảnh 3.

Võ Nhật Minh (giữa), Thủ khoa khối C02 toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Giáo dục thời đại

Trong khi đó, Võ Nhật Minh đã có những chia sẻ cụ thể hơn về cách ôn tập đối với các môn trong khối C02.

Đối với môn Toán: Học sinh ôn lại các công thức về lãi suất, công thức tính nhanh về thể tích, ôn lại lý thuyết về phần đa diện, cách dùng chỉnh hợp và tổ hợp, nên đọc lại các ví dụ chính.

Đối với môn Hóa: Học sinh tích cực rèn luyện các mệnh đề 8+, rà soát lại lý thuyết chương polime, cacbohyrat, đại cương kim loại. Ngoài ra, học sinh cần biết các thao tác thí nghiệm và các vấn đề Hóa học thực tiễn.

Đối với môn Ngữ Văn: Học sinh ôn trọng tâm ở các văn bản như Chiếc thuyền ngoài xa, Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Người lái đò sông Đà. Mỗi bài cần xây dựng một mở bài chung, một kết bài chung sao cho thật ấn tượng và lôi cuốn, viết theo mạch cảm xúc.

Nhật Minh lưu ý không nên học quá khuya, bổ sung đủ các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein, vitamin, khoáng chất trong giai đoạn chạy "nước rút" về đích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại