Thí sinh Sơn La liệu có phải thi lại nếu dữ liệu gốc môn trắc nghiệm không thể khôi phục?

Hoàng Đan |

Sai phạm điểm thi THPT QG ở Sơn La đã được Bộ GD-ĐT chỉ rõ, vậy bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ xử lý ra sao nếu dữ liệu bài thi gốc không thể khôi phục?

Đang chờ kết luận chính thức của cơ quan công an

Trong những ngày qua, Bộ Công an và các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ việc "biến mất" của dữ liệu bài thi gốc môn trắc nghiệm ở Sơn La.

Một số ý kiến thắc mắc về hướng xử lý những bài thi trắc nghiệm của thí sinh.

Trao đổi với PV vào sáng 26/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổ trưởng Tổ kiểm tra, xác minh ở Sơn La cho hay, Bộ đang chờ kết quả điều tra, xác minh của Bộ Công an và các cơ quan chức năng.

Thí sinh Sơn La liệu có phải thi lại nếu dữ liệu gốc môn trắc nghiệm không thể khôi phục? - Ảnh 1.

Ông Mai Văn Trinh.

Trả lời câu hỏi, nếu không khôi phục được dữ liệu bài thi gốc môn trắc nghiệm, thí sinh ở Sơn La có phải thi lại không, ông Trinh cho hay, tất cả các phương án Bộ đã chuẩn bị sẵn, hoàn toàn không bị động, nhưng lựa chọn phương án nào sẽ phải chờ vào kết quả điều tra của cơ quan công an.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết thêm, quá trình rà soát, Tổ đã nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm bị xóa và có khả năng đây mới chính là hình ảnh bài làm thực của các thí sinh khi chưa bị can thiệp.

Ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu gửi lên Bộ GD-ĐT giữ trước khi chấm thi hoàn toàn giống nhau.

Vì lý do này, theo ông Trinh, Tổ công tác chưa có căn cứ để đề nghị chấm lại bài thi môn trắc nghiệm. 

"Do đó, Tổ công tác quyết định tạm thời vẫn công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của các thí sinh đã được công bố ngày 11/7/2018. 

Kết quả này tạm thời được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp Sư phạm năm 2018 theo quy chế", ông Trinh nói.

Thí sinh Sơn La liệu có phải thi lại nếu dữ liệu gốc môn trắc nghiệm không thể khôi phục? - Ảnh 3.

Cơ quan chức năng của Bộ Công an vẫn đang làm việc tại Sở GD - ĐT Sơn La.

Ông nhấn mạnh, hiện cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định dấu hiệu sai phạm sửa bài thi trắc nghiệm của một số thí sinh.

"Khi có kết quả điều tra, sẽ xử lý kết quả thi của các thí sinh liên quan theo quy chế. Kết quả đó sẽ là kết quả thi chính thức của các thí sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018", ông thông tin.

Trường hợp nào thì phải hủy bỏ kết quả thi để tổ chức thi lại?

Luật sư Nguyễn Công Thành (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, để thực hiện quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và xử lý vi phạm quy chế thi, hiện nay chúng ta đang áp dụng các quy định tại Thông tư của Bộ GD - ĐT.

Việc hủy bỏ kết quả kỳ thi để tổ chức thi lại sẽ áp dụng trong một số trường hợp như lộ đề, lọt đề, bị mất bài thi… hoặc một số trường hợp mà không xác định được tính trung thực của kết quả bài thi, không xác định được điểm thi thực tế.

Thí sinh Sơn La liệu có phải thi lại nếu dữ liệu gốc môn trắc nghiệm không thể khôi phục? - Ảnh 4.

Bảng điểm thi sau chấm thẩm định môn Ngữ văn của một số thí sinh ở Sơn La.

Đối với trường hợp bị mất dữ liệu điểm thi của cả khu vực thi đó, nhưng vẫn còn bài thi thì có thể tổ chức chấm lại bài thi để xác định lại điểm số của các thí sinh. Nếu mất cả bài thi, cả điểm thi thì buộc phải tổ chức thi lại.

Nếu hệ thống dữ liệu máy tính bị xóa thì vẫn có thể phục hồi, có thể chuyển ổ cứng, bộ nhớ cho cơ quan chuyên môn hoặc Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) để phục hồi dữ liệu.

Nếu việc xóa qua nhiều thao tác, nhiều bước rất tinh vi… không thể phục hồi được, phải chọn giải pháp khác, cần thiết phải tổ chức thi lại để xác định lại kết quả, lực học của từng học sinh.

Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, trường hợp phát hiện cán bộ liên quan đến kỳ thi có chức vụ ở Sơn La có hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ, hoặc vì vụ lợi, động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý hình sự.

Hành vi này có thể bị xử lý về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự hiện hành.

Trường hợp phát hiện cán bộ liên quan có dấu hiệu xóa, hủy bằng chứng gốc về kết quả thi, mục đích làm cho các tài liệu đó không thể khôi phục được thì có thể xử lý hình sự về tội Tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật của Nhà nước quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự hiện hành.

"Như vậy, nếu phát hiện có sai phạm như các trường hợp trên thì kết quả bài thi có thể sẽ bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, trong trường hợp ở Sơn La hiện nay, phải đợi kết quả điều tra xác minh của cơ quan chức năng để xác định dấu hiệu sai phạm mới có hướng xử lý kết quả thi của thí sinh liên quan theo quy chế", luật sư Cường nêu rõ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại