Trong văn hóa châu Âu, kỳ lân - unicorn hay còn gọi là ngựa một sừng - là một sinh vật thần thoại, được mô tả với hình dáng của một con ngựa trắng có sừng trên trán. Trong một số phiên bản, kỳ lân còn có cánh, có đuôi sư tử hoặc một chòm râu dê.
Là một sinh vật thần thoại, nên có lẽ chúng ta cũng hiểu rằng kỳ lân không có thật. Nhưng hóa ra tất cả đã lầm rồi.
Ở Siberi có tồn tại một sinh vật được gọi là kỳ lân, với cái tên kỳ lân Siberi (Siberian unicorn). Chỉ có điều, hình dạng của chúng không giống như khắc họa trong thần thoại của con người.
Kỳ lân Siberi thực chất là một loài tê giác cổ đại đã tuyệt chủng (danh pháp khoa học là Elasmotherium sibiricum), với một cái sừng cực lớn mọc trước trán thay vì trước mũi như các loài tê giác thông thường.
Đây là một loài tê giác khổng lồ, với chiều cao lên tới 2m, dài gần 5m và nặng tới gần 4 tấn.
Trong các ghi nhận trước kia, kỳ lân Siberi được cho là đã tuyệt chủng từ hơn 350.000 năm về trước. Tuy vậy theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Applied Science, hóa ra loài vật này tồn tại lâu hơn khoa học tưởng tượng rất nhiều.
Chúng vẫn còn thống trị khu vực Tây Siberia vào 29.000 năm trước.
Kết luận được đưa ra sau khi các chuyên gia từ ĐH Tomsk State (Nga) tìm thấy một hộp sọ kỳ lân được bảo quản một cách hoàn hảo tại vùng Pavlodar phía Bắc Kazakhstan. Các chuyên gia cho biết, phát hiện này cho thấy khả năng sinh tồn của kỳ lân thực sự ấn tượng.
Đồng thời, nó đòi hỏi khoa học phải nghiên cứu lại, nhằm tìm ra ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu đến sự phân bổ sinh học trên phạm vi toàn cầu.
Và đây chính là hình dạng thực sự của kỳ lân trong truyền thuyết. Vỡ mộng đi nhé.
Nguồn tham khảo: CN Traveller, Daily Mail