Mối quan hệ công việc ẩn chứa nhiều điều thú vị. Đối với những người tập trung đầu tư cho công việc, chúng ta thấy họ dành nhiều thời gian bên đồng nghiệp hơn gia đình, bè bạn, hay thậm chí là cả "người thương".
Chúng ta mất trung bình 200h để kết thân với một người lạ mặt. Do vậy, mối gắn bó khăng khít giữa những người làm việc cùng nhau nhiều năm, nhiều tháng là điều không có gì khó lí giải. Và sự thân thiết ấy hoàn toàn có thể chuyển thành một thứ tình cảm đi quá giới hạn.
Theo các nhà khoa học, 17% người đi làm có cái gọi là "người tình trong công việc". Đó là những người chúng ta thường xuyên chuyện trò, gửi mail, tin nhắn, hay xa hơn là giúp nhau giải tỏa áp lực.
Một khảo sát của trang Totals cũng tiết lộ, 22% chúng ta gặp người bạn đời đích thực của mình qua môi trường công việc, trong khi 13% tìm đến nhau bằng mạng xã hội, 18% là được bạn bè giới thiệu và 10% còn lại là gặp mặt ngẫu nhiên.
"Một người trưởng thành dành ít nhất 1.680 giờ mỗi năm ở công sở. Do đó, người mà họ tiếp xúc thường xuyên nhất không ai khác chính là đồng nghiệp."
"Công việc giúp bạn có cơ hội tìm hiểu một ai đó theo cách đặc biệt khó có thể "bỏ qua", giống như những gì vẫn làm trong những ứng dụng hẹn hò" - David Brudo, đồng sáng lập ứng dụng chăm sóc sức khỏe tinh thần Remente nói.
Làm việc với một ai đó, bạn sẽ nhìn thấy cách họ đối mặt với những rắc rối, xử lí các vấn đề, giải tỏa căng thẳng cũng như cách họ xây dựng mối quan hệ với các đồng nghiệp khác.
"Bạn cũng có thể dễ dàng chia sẻ cho nhau những thông tin cá nhân, những khó khăn trong công việc... chỉ với một bữa trưa hay vài phút giải lao" - ông Brudo nói thêm.
Lửa gần rơm...
Tình cảm nơi công sở rất bộc trực và thẳng thắn, nhưng nó diễn ra theo cách mà bạn không thể đoán định trước. Tác giả sách về tâm lí Gregory L. Jantz cho rằng cường độ công việc có thể phản ánh sự mãnh liệt trong tình yêu công sở.
Từ đồng nghiệp thành người yêu là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra
"Cảm giác hòa hợp và gắn bó có thể khiến bạn rối như tơ vò. Nếu ý thức của bạn không định nghĩa được mối quan hệ ấy, thì hãy để tiềm thức làm" - ông Jantz gợi ý.
Bên nhau càng lâu thì bức tường ngăn cách hai người càng nhanh chóng sụp đổ, cho dù sau đó không nhất thiết phải là chuyện lứa đôi. "Nếu cả hai không dựng lại những khuôn khổ mà trước đó gắn họ với công việc, họ sẽ không coi nhau là đồng nghiệp nữa"- ông Jantz viết.
Nói cách khác, bạn cần có cái nhìn nghiêm túc đối với những ranh giới trong công việc, hiểu được bạn cần gì ở một mối quan hệ công sở. Chỉ là bạn, hay tiến xa hơn?
Ranh giới ấy có thể mờ nhạt, phức tạp và rất khó để làm rõ mười mươi. Nhưng bạn nên bắt đầu định hình và giải quyết nó trước khi nó gây ra những điều khiến bạn phải hối hận về sau.