Thời tiết đẹp như thế này, còn gì tuyệt hơn khi được nhâm nhi cốc trứng hấp cơ chứ!
Đơn giản, vô bếp - đập một quả trứng vào bát nước, thêm chút dầu mè, gia vị vào, sau đó đánh nhẹ để trứng hòa với nước. Đem đi hấp 15' thôi là bạn đã có ngay món ngon rồi.
Nhưng khoan, đó là đập trứng ở trong bếp, trong môi trường không khí bình thường. Vậy đã bao giờ bạn tưởng tượng việc mình đập một quả trứng ở dưới biển sâu sẽ ra sao chưa nhỉ?
Theo bạn, quả trứng đập dưới biển sẽ có hình dạng như thế nào? Nó sẽ vỡ tan, còn nguyên vẹn hay bạn không tài nào đập quả trứng ra được?
Câu trả lời sẽ có ngay ở video dưới đây!
Thí nghiệm thú vị: Điều bất ngờ đã xảy ra khi bạn đập trứng dưới nước
Giờ thì bạn đã biết đáp án rồi phải không?
Được biết, thí nghiệm này được thực hiện bởi các nhân viên thuộc Viện Khoa học Biển Bermuda (BIOS).
Dưới độ sâu 20m dưới mực nước biển, nhà làm phim Dean Lee đã ghi lại hình ảnh chuyên viên an toàn về lặn của BIOS - anh Alex Hunter đập một quả trứng.
Kết quả là quả trứng vẫn hoàn toàn nguyên vẹn, không những thế, nó còn lơ lửng trôi theo dòng nước nữa chứ!
Vì sao lại thế?
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu cấu tạo của một quả trứng. Về cơ bản, cấu tạo của trứng được chia làm 4 bộ phận gồm lòng đỏ, lòng trắng, màng vỏ và vỏ trứng.
Vỏ trứng có nhiệm vụ bảo vệ các phần chứa bên trong trứng. Dưới lớp vỏ trứng là màng dưới vỏ trứng, màng này gồm 2 lớp - màng trong và màng ngoài có tác dụng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn và nấm.
Tiếp đến, lòng trắng trứng được bao bọc bởi màng dưới vỏ trứng. Lòng trắng gồm nhiều lớp có độ quánh khác nhau.
Lớp ngoài cùng loãng hơn, sau đó là lớp quánh, kề là lớp loãng và cuối cùng là lớp lòng trắng đặc bên trong. Các lớp này sẽ cản sự xâm nhập của vi khuẩn nhất là khi trứng còn tươi.
Phần dây chằng nối từ 2 đầu của lòng đỏ được cấu tạo bởi lòng trắng đặc giữ cho lòng đỏ nằm giữa quả trứng và giữ cho lòng đỏ ít bị chấn động.
Do đập trứng ở dưới nước biển sâu, áp lực của nước lớn, nên nước biển đã trở thành lớp "vỏ trứng" thay thế ngay khi quả trứng vỡ làm đôi.
Lúc này, chỉ có phần vỏ trứng bị phá vỡ, lớp màng dưới trứng tuy bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể, phần lòng đỏ và lòng trắng, dây chằng vẫn hòa quyện lại với nhau, không bị tan ra nhờ áp suất nước.
Đó là lý do vì sao bạn thấy quả trứng vẫn còn nguyên vẹn, và trôi lơ lửng theo dòng nước.
Anh Hunter chia sẻ thêm rằng: "Khi bạn đập trứng ở môi trường bình thường, lòng đỏ trứng có thể sẽ bị vỡ, bắn tung ra mọi thứ xung quanh. Nhưng khi bạn thử đập một trái trứng dưới biển, chính áp suất đã giữ chúng liên kết bền chặt với nhau hơn đấy!".
Và chỉ khi bạn làm như thế này, thì quả trứng mới "vỡ tan tành" mà thôi!
Nguồn: Didyouknowblog